Một số biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non – Kinh nghiệm dạy học
Một số biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non.
-
Lý do chọn biện pháp:
Như chúng ta đã biết, sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiệm trọng. Điều đó thể hiện rõ nhất ở việc Trái Đất đang nóng dần lên, băng tan ra, nước biển dâng lên, bao dịch bệnh, thiên tai. Con người phải vật lộn với hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, sóng thần… Ta có thể khẳng định, môi trường chính là yếu tố trực tiếp và quan trọng quyết định tới sức khỏe của con người. Khi được sống trong một môi trường trong lành, con người ta sẽ ít bị ốm đau, bệnh tật, có điều kiện phát triển một cách toàn diện.
Tuy chúng ta ngày càng hiểu rõ được lợi ích và tầm quan trọng của môi trường nhưng vẫn chưa ý thức được những điều cần làm, nên làm để bảo vệ môi trường. Ngược lại, một bộ phận con người còn có những hành động làm cho môi trường bị ô nhiễm thêm, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Nếu muốn giáo dục toàn diện một con người thì phải rèn giũa ngay từ bậc học đầu tiên “ Bậc học Mầm non” bởi giai đoạn mầm non là giai đoạn ươm mầm, hình thành nền tảng cho việc phát triển kiến thức, ngôn ngữ, lối sống của trẻ. Do đó, chương trình giáo dục mầm non có ảnh hưởng rất lớn đối với tương lai của trẻ. Trong đó việc giáo dục bảo vệ môt trường là tiền đề quan trọng trong việc chăm sóc giáo dục trẻ. Việc này không những giúp trẻ lĩnh hội được các kiến thức mà còn giúp trẻ biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, hành động bảo vệ môi trường xung quanh, rèn kỹ năng sống hàng ngày cho trẻ và đặc biệt là giúp trẻ biết yêu thiên nhiên, trân trọng những giá trị mà môi trường sống mang lại. Năm học 2019-2020 vừa qua, chương trình môi trường “Xanh, Sạch, Đẹp” đã được vào ngành để giáo dục bảo vệ môi trường cho các bậc học từ Mầm non đến Đại học.
Nước ta hiện này đang trên đà đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biết bao nhiêu công ty mọc lên, biết bao nhiêu khí thải, rác thải, thải ra môi trường, tài nguyên thì bị khai thác một cách bừa bãi… Cũng vì con người của chúng ta bị sức mạnh đồng tiền chi phối mà lường trước hậu quả sau này phải gánh ra làm sao? Từ sự vô tâm đó đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống và sứa khỏe của con người chúng ta.
Căn cứ vào khoản 2, điều 46 thuộc “Điều lệ trường Mầm non” quy định Trách nhiệm của nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập là: “Phối hợp với cơ quan, các tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan cá nhân có liên quan nhằm: Huy động các nguồn lực của cộng đồng chăm lo sự nghiệp giáo dục mầm non; góp phần xây dựng cơ sở vật chất; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn; tạo điều kiện để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, xã EaTóh có hơn 95% học sinh là con em các gia đình làm nông, trình độ dân trí thấp, con cái đông, kinh tế thì nghèo nàn, ăn ở không hợp vệ sinh, chăn thả vật nuôi một cách bừa bãi. Một số người dân còn Nạn chặt phá rừng để làm nương, làm rẫy để lo cho cuộc sống hiện tại, không quan tâm tới hậu quả sẽ ra sao? Và tương lai con em mình sẽ sống trong môi trường như thế nào? Tất cả những điều đó họ chưa bao giờ nghĩ tới.
Chính vì những vấn đề đặt ra ở trên, với tầm quan trọng của giáo dục bảo vệ môi trường, chúng ta cần phải có kế hoạch xây dựng cho trẻ hệ thống kỹ năng, kiến thức cần và đủ giúp trẻ hiểu được những gì đang diễn ra ở xung quanh, về đạo đức, lối sống, tạo nền tảng ban đầu cho việc hình thành nhân cách con người ở trẻ, giúp trẻ gần gũi với vạn vật và có lòng yêu thiên nhiên. Muốn vậy, người lãnh đạo phải tìm tòi ra các phương pháp, biện pháp để phối hợp với giáo viên, biết vận dụng các phương pháp, biện pháp trong truyền thụ các kỹ năng sống, hành động bảo vệ môi trường cho trẻ bằng những cách như: Phối hợp với gia đình để cùng giáo dục trẻ, giáo dục thông qua các môn học và các hoạt động vui chơi ở mọi lúc mọi nơi…
Khi tiến hành các hoạt động này sẽ giúp trẻ lĩnh hội nhận biết được những kiến thức, những hành động, việc làm của cô giáo và qua những lần trải nghiệm thực tế sẽ hình thành trong trẻ các kỹ năng: Nghe, hiểu, phát triển tư duy, tình yêu thương, ý thức trách nhiệm và lòng nhân ái ở trẻ…
Vậy làm thế nào để cho thế hệ trẻ và trong mỗi chúng ta nhận thức được điều đó để chung tay bảo vệ môi trường “Xanh, sạch đẹp”, giữ gìn sức khỏe con người? Đứng trước những nguy cơ, vấn đề nóng bỏng không chỉ của nước ta mà của cả thế giới đang quan tâm, tôi thấy mình là một người lãnh đạo cần phải có trách nhiệm đóng góp một phần nhỏ bé vào chương trình giáo dục trẻ bảo vệ môi trường hiện nay.
Đây cũng chính là lý do để bản thân tôi chọn đề tài “Một số biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non”
-
Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp
* Biện pháp thứ nhất: Xây dựng kế hoạch để thực hiện tốt bảo vệ môi trường:
Đầu năm học, phải tiến hành lên kế hoạch xây dựng hoạt động của nhà trường, truyền đạt với giáo viên mục tiêu cụ thể để đưa vào triển khai lồng ghép các mục tiêu hoạt động, chăm sóc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong nhà trường.
Giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non sẽ cung cấp cho trẻ những kiến thức ban đầu về môi trường trong đó: môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, mối quan hệ giữa con người với môi trường, sự biến đổi khí hậu, sự ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vì sao phải bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch, bảo vệ môi trường là một vấn đề hêt sức quan trọng.
Điều kiện cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, cảnh quan sư phạm là nhu cầu cần thiết cho các hoạt động giáo dục trẻ bảo vệ môi trường. Vì vậy, ngay từ đầu năm học tôi đã lập kế hoạch và tham mưu với hiệu trưởng về mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đầy đủ để phục vụ cho các hoạt động, đảm bảo hợp vệ sinh cá nhân và vệ sinh trường lớp theo đúng tiêu chuẩn trường mầm non…
Tổ chức cho giáo viên trang trí lớp phù hợp với từng chủ đề, chủ điểm, từng độ tuổi, phù hợp với thời tiết, lồng ghép vào để giáo dục trẻ bảo vệ môi trường sao cho hợp lí.
Tổ chức phát động phong trào thi đua toàn trường vì “Môi trường Xanh – Sạch – Đẹp”. Các lớp tổ chức trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh trong khuôn viên sân trường, tổ chức đánh giá xếp loại hàng tháng.
Khuyến khích giáo viên và học sinh sưu tầm tranh ảnh và lao động chăm sóc có ích trong công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên…
Tổ chức quy hoạch trồng “Vườn rau của bé”, Ban giám hiệu cùng giáo viên tận dụng khu đất trống để trồng rau sạch, cải thiện bữa ăn cho trẻ thêm phong phú và an toàn hơn, tạo cơ hội cho trẻ gần gũi với thiên nhiên và thích nghi với cuộc sống hàng ngày xung quanh trẻ, từ đó giúp trẻ hiểu và tham gia bảo vệ môi trường.
Tổ chức tập huấn chuyên đề “Môi trường Xanh – Sạch – Đẹp” cho toàn thể giáo viên trong trường.
Tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc giáo dục trẻ bảo vệ môi tường
* Biện pháp thứ 2: Hướng dẫn giáo viên lựa chọn nội dung, hình thức giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ:
Việc giáo dục bảo vệ môi trường trong trường mầm non là rất cần thiết trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ hiện nay. Điều này giúp cho cả học sinh lẫn giáo viên nhận biết được hậu quả của phá hủy môi trường ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống con người, làm cho mọi người hiểu rằng mỗi chúng ta ai cũng có quyền sống trong môi trường trong sạch lành mạnh. Muốn làm tốt được điều này, chúng ta phải có những phương pháp, biện pháp mới, để đưa vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ, sao cho phù hợp với từng nội dung, từng hoạt động và từng độ tuổi… Do đó, việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên được tiến hành vào các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tháng.
Qua sinh hoạt thảo luận, giúp giáo viên nắm vững nội dung, và hình thức cần lồng ghép, để giáo dục cho trẻ bảo vệ môi trường.
Hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch cụ thể, bằng các phương pháp, biện pháp tối ưu nhất để thực hiện tốt giáo dục trẻ bảo vệ môi trường.
Tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trong nhà trường và ngoài cộng đồng xã hội.
Lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào trong mọi hoạt động hàng ngày của trẻ.
Giáo viên chủ nhiệm, lập kế hoạch, vệ sinh hàng tháng, tuần, ngày, phù hợp với các mùa, phù hợp với lớp để đưa vào giáo dục hàng ngày cho trẻ thực hiện.
Giáo viên đưa ra một số nội quy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng, trong khuôn viên nhà trường.
* Biện pháp thứ 3: Chỉ đạo giáo viên thực hiện tốt biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường phù hợp với từng độ tuổi, từng hoạt động.
Muốn làm tốt biện pháp này, đòi hỏi cô phải gương mẫu làm những công việc có ích trong công tác bảo vệ môi trường và thường xuyên nhắc nhở trẻ hàng ngày. Thông qua các hoạt động học tập cũng như ngoài giờ học, cô lồng ghép các biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường sao cho phù hợp với từng hoạt động, từng độ tuổi, để mà giáo dục trẻ.
VD: Với lớp lá
-
Trong giờ tạo hình: Đề tài “Vẽ vườn cây ăn quả”
– Cô sẽ nói chuyện với trẻ về nội dung bảo vệ môi trường:
+ Cây cho ta những gì các con nhỉ?
+ Đúng rồi! Cây cho ta các loại quả ăn rất ngon và bổ, cây cho chúng ta bóng mát. Nhưng các con có biết không? Cây còn cho ta một thứ rất quan trọng đó là khí oxi nữa đấy! Vì khi cây xanh quang hợp, sẽ hút khí cacbonic và thải ra ngoài khí oxi! Mà con người chúng ta lại phải thở bằng oxi, nếu không có oxi thì chúng ta sẽ bị chết ngạt đấy!
+ Vậy muốn có nhiều cây xanh thì chúng ta phải làm gì nào?
+ Đúng rồi! Muốn có nhiều cây xanh thì chúng ta phải trồng, bảo vệ và chăm sóc chúng thật tốt nghe các con!
Hoạt động ngoại khóa: Quan sát cây và lao động buổi chiều
– Cô đàm thoại với trẻ:
+ Muốn có nhiều cây thì chúng ta phải làm gì?
+ Nếu không có nước thì cây có sống được không?
+ Vậy muốn cho cây sống thì chúng ta phải làm gì?
+ Đúng rồi! Muốn có nhiều cây chúng ta phải trồng cây, muốn cho cây sống thì chúng ta phải chăm sóc và tưới nước cho cây nữa đấy các con nhé!
+ Vậy bây giờ, cô cháu mình sẽ làm công việc gì các con nhỉ?
+ Đúng rồi! Chúng ta cùng đi trồng cây, nhổ cỏ và tưới nước cho cây các con nhé!
+ Lớp mình ơi! Các con thấy sân trường có sạch không?
+ Vì sao sân trường không sạch nhỉ?
+ Bây giờ cô cháu mình phải làm gì nào?
+ Đúng rồi! Chúng ta cùng đi nhặt lá và rác nào! Lá cây thì bỏ vào đâu? Rác thì bỏ vào chỗ nào?
+ Đúng rồi! Lá cây thì bỏ dưới gốc cây cho nó giữ độ ẩm cho cây còn rác phải nhặt bỏ vào thùng rác để cho sạch sẽ!
+ Các con ăn quà có vứt rác ra sân trường không? À, đúng rồi! Chúng ta không nên vứt rác ra sân trường để giữ cho sân trường sạch sẽ, không bị ô nhiễm các con ạ!
VD: Với lớp chồi
Trong giờ khám phá khoa học: Đề tài “Tìm hiểu cây xanh”
– Cô đàm thoại với trẻ về lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường:
+ Cây xanh cho ta những gì nào?
+ Đúng rồi! Cây xanh cho ta bóng mát, cho ta cảnh đẹp nữa nè, rồi cây xanh còn cho chúng ta không khí trong lành nữa đây các con ạ!
+ Vậy muốn có nhiều cây xanh thì chúng ta phải làm gì các con?
+ Đúng rồi! Chúng ta phải trồng cây, nhưng các con còn nhỏ nên chưa trồng được! Vậy các con có ngắt lá bẻ cành của nó không?
+ Đúng rồi! Các con không được ngắt lá bẻ cành của cây nhé! Vì cây là nét đẹp của thiên nhiên. Nó tạo cho con người chúng ta môi trường sống trong lành, các con phải biết giữ gìn và chăm sóc bảo vệ cây nhé!
Hoạt động ngoại khóa: Quan sát cây và lao động buổi chiều
– Cô đàm thoại với trẻ:
+ Các con ơi! Cây sống được là nhờ có gì nào?
+ Vậy muốn cho cây sống thì chúng ta phải làm gì?
+ Đúng rồi! muốn cho cây sống, thì chúng ta phải chăm sóc, và tưới nước cho cây nữa đấy các con nhé!
+ Vậy bây giờ cô, cháu mình sẽ phải làm công việc gì các con nhỉ?
+ Đúng rồi! Chúng ta đi nhổ cỏ và tưới nước cho cây các con nhé!
+ Lớp mình ơi! Các con thấy sân trường có sạch không?
+ Bây giờ cô cháu mình phải làm gì nào?
+ Đúng rồi! Lá cây thì bỏ dưới gốc cây cho nó giữ độ ẩm cho cây còn rác phải nhặt bỏ vào thùng rác để cho sạch sẽ!
+ Các con ăn quà có vứt rác ra sân trường không? À, đúng rồi! Chúng ta không nên vứt rác ra sân trường để giữ cho sân trường sạch sẽ, không bị ô nhiễm các con ạ!
Đối với lớp Mầm, thì chúng ta đặt câu hỏi và yêu cầu trẻ làm các công việc dễ hơn, nhẹ nhàng hơn so với lớp Lá và lớp Chồi.
Phải tiến hành lồng ghép nội dung giáo dục trẻ bảo vệ môi trường vào các môn học với nội dung bài dạy có nhiều ưu thế nhằm hình thành cho trẻ những tình cảm, cảm xúc, tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật xung quanh. Cùng với đó là tình yêu quê hương đất nước, thói quen cử xử hành vi văn minh trong cuộc sống. Từ đó, trẻ được tham gia vào nhiều hoạt động như: Đọc thơ, kể chuyện, đóng kịch, hát múa, khám phá môi trường xung quanh, tạo hình, học toán, chữ cái… Thông qua các bài học giúp trẻ lĩnh hội được những tri thức tình cảm vào tâm tưởng, trẻ sẽ có những thói quen, lối sống tích cực.
Ngoài ra trường còn tổ chức cho các cháu đi thăm quan thực tế về hình ảnh môi trường bị ô nhiễm và môi trường Xanh – Sạch – Đẹp như: các vườn hoa, cây cảnh, nơi rác vứt bừa bãi… Trong quá trình đi tham quan, cô hướng dẫn trẻ quan sát, so sánh xem có những đặc điểm gì giống và khác nhau giữa nơi có môi trường trong lành và nơi có môi trường bị ô nhiễm về không khí, đất, cảnh quan? Các trẻ sẽ cảm nhận ra sao khi thấy và sống trong môi trường bị ô nhiễm? Sau buổi đi dạo tham quan, cô sẽ trình chiếu các băng đĩa có hình ảnh nói về hiện tượng thiên tai như: Mưa, bão, lũ lụt, sạt lở đất, sóng thần, hạn hán,… Và các cảnh tượng chặt phá rừng bừa bãi, sự tuyệt chủng của các loài vật, môi trường bị hủy diệt như thế nào… Qua những việc làm trên, trẻ sẽ cảm nhận được tác động của ô nhiễm môi trường sẽ làm ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống con người chúng ta. Dần dần, trẻ sẽ có ý thức tự bảo vệ môi trường ngay từ trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, trẻ sẽ không vứt rác bừa bãi, khóa vòi nước cẩn thận để tiết kiệm nước,… Không những thế, trẻ còn biết thu gom rác thải để đúng nơi quy định rồi nhắc nhở mọi người không được xả rác bữa bãi…
Hàng ngày, hàng tuần, tiến hành tổ chức cho trẻ trồng cây, vun xới đất, nhổ cỏ, và tưới nước cho cây cối, hoa lá rồi chăm sóc vườn rau trong nhà trường, nhặt lá, nhặt rác bỏ vào đúng nơi quy định.
Ngoài ra cô còn hướng dẫn trẻ dọn vệ sinh trong và ngoài lớp học sạch sẽ, gọn gàng, sắp xếp đồ dùng đồ chơi ngăn nắp và để đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân hàng ngày như rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cơm và sau khi đi vệ sinh và dọn vệ sinh, biết rửa mặt đúng quy trình và đánh răng đúng cách, dùng nước xong phải khóa chặt vòi lại,… Cô còn phải dạy cho trẻ những hành vi văn minh như khi ho, hắt hơi thì phải lấy tay che miệng lại. Trong giờ ăn, giờ ngủ không được nói chuyện, làm mất vệ sinh và thiếu lịch sự. Trong khi người khác nói chuyện không được chen ngang, nếu muốn phát biểu thì phải giơ tay… Qua các công việc nhỏ nhặt hàng ngày như vậy, được giáo viên nhắc nhở và khích lệ trẻ sẽ giúp trẻ cảm nhận, lĩnh hội được các tri thức và những thói quen, hành vi văn minh dần ăn sâu vào tâm trí của trẻ. Trẻ sẽ lĩnh hội được những cái hay cái đẹp hàng ngày trong cuộc sống, góp phần hình thành nhân cách con người ở trẻ và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
* Biện pháp thứ 4: Phát Động phong trào thi đua làm đồ dùng, đồ chơi bằng các nuyên vật liệu có sẵn, và bằng vật liệu phế thải, để trang trí lớp học và làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho các hoạt động của trẻ.
Căn cứ vào nhiệm vụ năm học, trên quan điểm đổi mới quản lý và nâng chất lượng giáo dục cho ngành học mầm non, đảm bảo được tính khoa học, tính thẩm mỹ và nhất là góp phần bảo vệ môi trường. Đầu năm học, tôi đã lên kế hoạch phát động phong trào làm đồ dùng, đồ chơi bằng những nguyên vật liệu có sẵn và những nguyên vật liệu phế thải đã qua sử dụng trong gia đình và ngoài xã hội như: lon bia, lon nước ngọt, chai nước ngọt, chai nước lọc, hộp sữa chua, muỗng sữa chua, ống hút, que kem, chai nước rửa chén, chai dầu gội đầu, bao ni lông, tờ lịch cũ, hộp đựng các đồ gia dụng đã thải, vỏ ốc, vỏ hến, vải vụn, tre, nứa, các loại hạt của các loại cây, lá khô của cây… Những nguyên vật liệu này do giáo viên thu gom, phụ huynh đóng góp để làm đồ dùng, đồ chơi và trang trí các góc học tập cho trẻ.
VD: Cô và trẻ cùng vẽ tranh, dạy cho trẻ vẽ cây lên tờ lịch thật to để trang trí lớp học. Cô cũng sẽ hướng dẫn trẻ lấy các loại hột hạt như hạt me, hạt mãng cầu, hoặc vỏ ốc biển, nhuộm màu rồi xếp lên tờ lịch thành bức tranh có nội dung bảo vệ môi trường hay về các mùa trong năm.
Cô làm các chậu hoa, cây cảnh bằng ống hút hoặc bằng vải vụn có nhiều màu sắc khác nhau để làm đồ dùng dạy học các môn như: Tạo hình, Khám phá khoa học, Toán,… Đặc biệt là phải khéo léo trang trí lớp cho đẹp, để tạo sự bắt mắt, gây sự thu hút với trẻ.
Từ những bao ni lông đựng đồ ăn sáng của trẻ, cô và trẻ cùng nhau thu gom lại để thiết kế ra các bộ quần áo thời trang thật dễ thương cho trẻ biểu diễn thời trang hoặc biểu diễn văn nghệ trong các cuộc thi do nhà trường tổ chức. Hay lớp cũng có thể tổ chức biễu diễn văn nghệ, thời trang cuối tuần với chủ đề bảo vệ môi trường, cô có thể mời phụ huynh tham dự để tuyên truyền giáo dục thêm.
Từ các vỏ chai nước rửa chén, cô có thể tạo thành cái bình tưới nước để hàng ngày trẻ tưới nước cho cây, cho rau quả trong vườn… Hoặc từ những lá cây khô, cô và trẻ có thể làm thành hình các con vật để cho trẻ chơi các trò chơi và để dạy các môn học như: Toán, Tạo hình, Khám phá khoa học… Một điều thú vị nữa là lá cây khô có thể phát ra âm thanh như một nhạc cụ nghe rất hay, lạ và vui tai.
Từ những nguyên vật liệu trên, chúng tôi có thể tạo ra rất nhiều các loại đồ dùng đồ chơi hất dẫn, dễ dùng, tiện lợi, mà không mất tiền để phục vụ cho các hoạt động của trẻ, giúp trẻ hướng thú tham gia vào các hoạt động mà không nhàm chán. Đặc biệt, các đồ dùng đồ chơi này không chỉ những phục vụ tốt cho các hoạt động của trẻ mà còn giúp trẻ cảm nhận được môi trường “Xanh, sạch, đẹp” có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống con người. Từ đó giúp trẻ tích cực tham gia lao động, dọn vệ sinh trường lớp sạch sẽ. Như vậy là trẻ đã có ý thức bảo vệ môi trường.
Qua các lần phát động làm đồ dùng dạy học bằng những nguyên vật liệu có sẵn và những nguyên vật liệu phế thải đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường. Đồng thời cho giáo viên cơ hội thể hiện được ý tưởng sáng tạo, làm ra nhiều đồ dùng, đồ chơi, hấp dẫn, đẹp mắt để phục vụ cho các hoạt động của trẻ. Đặc biệt là tạo cho trẻ sự hứng thú tham gia vào các hoạt động và niềm vui khi đến trường, đến lớp…
* Biện pháp 5: Phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục trẻ bảo vệ môi trường.
Với mục tiêu xã hội hóa giáo dục, gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ hiện nay. Vì vậy, việc kết hợp giữa gia đình và nhà trường để giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ là một vấn đề rất cần thiết. Bởi gia đình và nhà trường là cái nôi hình thành ý thức cho trẻ, chính vì vậy gia đình và nhà trường phải kết hợp chặt chẽ với nhau nắm bắt tâm tư, tình cảm của trẻ để tìm ra những phương pháp, biện pháp tốt ưu nhất để cùng chung tay giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao.
Đầu năm học, tôi đã lập kế hoạch, tiến hành họp phụ huynh, bàn bạc và tuyên truyền các hình thức để giáo dục trẻ bảo vệ môi trường.
Khi tổ chức họp, tôi phát động phong trào “Cùng chung tay giáo dục trẻ bảo vệ môi trường”. Tôi cũng đưa bản kế hoạch, thông qua nội dung về tầm quan trọng của môi trường ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của con người cho phụ huynh rõ, nêu ý kiến và các biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường như: Nhắc nhở trẻ không vứt rác bừa bãi, biết bảo vệ và chăm sóc cây xanh, biết vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân và tự phục vụ bản thân… Từ việc lấy ý kiến, bàn bạc sau đó đi đến thống nhất và phát động phong trào có khai mạc, có sơ kết, tổng kết…
Làm tốt công tác vận động phụ huynh hỗ trợ, thu gom nguồn nguyên vật liệu phế thải và vật liệu có sẵn để tận dụng làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Qua công tác phối hợp này sẽ giúp phụ huynh hiểu được ý nghĩa của môi trường và bảo vệ môi trường đồng thời hiểu được tầm quan trọng, cần thiết của việc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề cần sự chung tay hành động của gia đình, nhà trường và toàn xã hội
Bên cạnh đó, nhà trường cũng vận động phụ huynh không hút thuốc lá, không vứt rác bừa bãi ra môi trường và kêu gọi sự thường xuyên dọn vệ sinh trong gia đình, đường làng, thôn buôn và trồng cây xanh bóng mát trong vườn trường, hai bên đường. Điều này vừa tạo ra tấm gương cho trẻ noi theo, hành động theo và tạo môi trường sống trong lành cho trẻ hiên tại và tương lai.
Việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non sẽ đem lại hiệu quả rất đáng kể. Đây là một việc làm tạo tiền đề phát triển trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ hiện nay và mai sau.
* Biện pháp thứ 6: Xây dựng cảnh quan sư phạm trong nhà trường:
Ngành giáo dục của chúng ta đang tiếp tục thực hiện chủ đề “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô là một tấm gương tự học và sáng tạo”, “Ngôi trường Xanh – Sạch – Đẹp”. Vì vậy, việc xây dựng cảnh quan sư phạm trong trường học cũng là một vấn đề mà chúng ta cần phải chú trọng. Chúng ta phải biết tạo cảnh ngôi trường và các phòng học thoáng mát, sáng tạo, đẹp mắt, trang trí phải cho phù hợp, gây sự chú ý cho trẻ. Đồ dùng, đồ chơi phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Các góc học tập phải thay đổi theo từng chủ đề, chủ điểm để tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn để trẻ mong muốn được đến trường, đến lớp. Đặc biệt là góc thiên nhiên phải được trang trí và trồng nhiều loại cây xanh để tạo cho trẻ một không gian xanh trong lành. Mỗi ngày trẻ có thể tự mình chăm sóc cây xanh, qua đó giúp trẻ biết yêu lao động, biết yêu vẻ đẹp của thiên nhiên. Đặc biệt hơn nữa là tạo cho trẻ gần gũi với xung quanh và có sự yêu thương, trân trọng những giá trị cuộc sống.
Để tạo cảnh quan sân trường sạch sẽ, thoáng mát thì ngay sau giờ đón trẻ, trường thường xuyên, tổ chức các hoạt động nhặt rác, quét dọn trên sân trường, để tạo cho môi trường thêm sạch, đẹp.
Trong lớp, ở các góc học tập, góc hoạt động vui chơi, phải tổ chức thi dọn vệ sinh lau chùi sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng hàng tuần. Tiếp tục rèn cho trẻ có thói quen sau mỗi lần học, mỗi lần chơi là phải biết xếp đồ dùng, đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp và đúng nơi quy định.
Ngoài ra chúng ta cần giáo dục trẻ khi ăn quà xong hay trong các giờ học tạo hình phải nhớ gom rác bỏ vào thùng, không được vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường.
* Biện pháp 7: Phong trào thi đua khích lệ để trẻ hưởng ứng tham gia bảo vệ môi trường.
Khích lệ là món ăn tinh thần của trẻ mầm non bởi tâm lý trẻ mầm non thường thích khen hơn là chê. Lúc nào trẻ cũng muốn được người lớn khen và khen nhiều, nhất là được cô giáo mình khen. Chính vì vậy, biện pháp này là hiệu quả nhất trong các biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non.
Đầu năm học, tôi lập kế hoạch phát động phong trào thi đua khích lệ “Gương tốt, việc tốt” để trẻ tích cực hưởng ứng tham gia, đó là:
Hàng ngày, hàng tuần thống kê những trẻ có hành vi văn minh biết bảo vệ môi trường, nêu gương trước cờ vào buổi sáng đầu tuần sau giờ thể dục sáng. Đến cuối tháng, trẻ nào được nêu gương nhiều lần sẽ nhận được phần thưởng con gấu bông, hoặc con búp bê xinh đẹp.
Qua những việc làm đó sẽ khích lệ các trẻ khác tích cực tham gia phong trào bảo vệ môi trường. Qua những lần khích lệ của chúng ta đã giúp trẻ nhận ra rằng mình nên làm những công việc có ích hơn và trẻ cảm thấy hào hứng khi tham gia những phong trào do nhà trường và lớp phát động…
-
Kết quả thu được qua nghiên cứu:
Sau một thời gian chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non Hoa Lan, tôi thấy chất lượng trẻ biết bảo vệ môi trường đã và đang tăng lên rõ rệt. Khuôn viên trường ngày càng “Xanh – Sạch – Đẹp”, an toàn và thoáng mát hơn. Điều này đã góp phần không nhỏ đối với việc thu hút các bậc phụ huynh đưa trẻ đến trường ngày một đông hơn.
– Về phía trẻ: Hơn 95% trẻ có một số hiểu biết ban đầu về môi trường sống xung quanh và có ý thức tham gia các hoạt động cộng đồng, biết giữ gìn vệ sinh môi trường, có những thói quen bảo vệ môi trường như: Không vứt rác bừa bãi ra sân trường và trong lớp học, đi vệ sinh đúng nơi quy định, hứng thú tham gia vào các hoạt động đặc biệt là hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, có kỹ năng sống, làm việc theo nhóm, yêu thích lao động, bảo vệ thiên nhiên, biết bảo vệ, gìn giữ đồ dùng, đồ chơi, và đặc biệt là đã hình thành cho trẻ các thói quen về hành vi văn minh, và có tình yêu thương trong cuộc sống…
– Về phía giáo viên: 100% giáo viên đã nắm chắc được nội dung bảo vệ môi trường, biết vận dụng các phương pháp, biện pháp phù hợp để đưa vào giáo dục trẻ hàng ngày, gắn liền với cuộc sống thực tế của trẻ để hình thành cho trẻ những thói quen, hành vi văn minh, và thái độ đúng đắn để bảo vệ môi trường.
– Về phía phụ huynh: 100% phụ huynh nhận thấy trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ môi trường để giữ gìn sức khoẻ cho trẻ và cả cộng đồng. Khi đưa trẻ đến trường không vứt rác bừa bãi, không chạy xe vào trường, vệ sinh cho trẻ sạch sẽ trước khi đến lớp. Đặc biệt là quan tâm đến trẻ ngày càng nhiều hơn, dạy cho trẻ biết tự vệ sinh cá nhân, và tự phục vụ bản thân..
-
Kết luận:
Từ những biện pháp sáng kiến trên đã giúp tôi rút ra nhiều kinh nghiệm và bài học bổ ích đó là:
Làm một người lãnh đạo là phải không ngừng học hỏi, luôn luôn phải nghiên cứu, tìm ra những phương pháp, biện pháp tối ưu nhất, phù hợp nhất để lên kế hoạch đưa vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ hiện nay.
Phải luôn luôn hòa đồng với đồng nghiệp, luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp chân thành của đồng nghiệp để dần dần hoàn thiện mình hơn và cùng chung tay góp sức để đưa trường mầm non Hoa Lan nói riêng và ngành giáo dục nói chung lên một bước phát triển mới trong sự nghiệp trồng người.
Bản thân phải luôn gần gũi với các bậc phụ huynh để lắng nghe tâm tư, tình cảm của họ, nắm bắt được tình hình. Từ đó để đưa vào xây dựng kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả hơn.
Đối với giáo viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình, luôn cố gắng sáng tạo, tư duy ra những phương pháp, biện pháp mới, và biết vận dụng các phương pháp, biện pháp đó vào thực tiễn để hướng dẫn giáo viên trong việc chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng tốt hơn. Đồng thời phải là tấm gương sáng để đồng nghiệp noi theo, luôn có kỷ luật, tình thương, trách nhiệm, luôn thận trọng trong mọi hành vi của mình.
Đối với trẻ thì phải thật sự là một cô giáo biết yêu thương, chia sẻ, tận tụy chăm sóc và là tấm gương sáng mẫu mực về mọi cử chỉ, hành vi ứng xử trong cuộc sống hàng ngày để cho trẻ noi theo. Bên cạnh đó, biết cách xây dựng môi trường xã hội và cảnh quan sư phạm cũng góp phần không nhỏ đến việc hình thành cho trẻ những hành vi văn minh, nếp sống văn hóa truyền thống của người Việt, phù hợp với chuẩn mực đạo đức trong công cuộc xây dưng con người mới trong xã hội hiện nay.
Qua một năm nghiên cứu và thực hiện đề tài “Một số biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non” cho thấy, giáo viên trường tôi nắm vững kiến thức về môi trường, còn học sinh đã biết bảo vệ môi trường, có những hành vi văn minh trong giao tiếp, yêu lao động, trân trọng và bảo vệ vẻ đẹp của thiên nhiên. Trẻ biết tự vệ sinh cá nhân và vệ sinh xung quanh, trẻ có thiện cảm với vạn vật xung quanh và có tình yêu thương trong cuộc sống… Thấy được những điều đó, bản thân tôi rất là tự hào và sẽ hứa với lòng mình không ngừng tìm tòi học hỏi, tìm ra những phương pháp, biện pháp hay để đưa vào vận dụng trong thực tiễn nhằm đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc trồng người.
Bấm vào đây để tải file Word