Một số bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Lào Cai

Một số bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Lào Cai

Lượt xem: 922

CTTĐT – Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng bộ. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng gắn công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với thanh tra thực thi công vụ đối với một số lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm.

“Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ”

Hiện nay, ở nước ta, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng phát động, lãnh đạo thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, chống đối. Mới đây, trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 (tại Hà Nội ngày 30/6/2022), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, đồng thời đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới càng cho thấy rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực này

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ “Nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã “đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế”.  .

“Phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm,” tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền tài, của cải, vật chất,… do người khác “biếu xén,” “cho, tặng,” hối lộ… với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người có chức, có quyền. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ,” “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng.”  .

Như vậy, mục đích chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên là rất rõ ràng. Bởi tham nhũng thường diễn ra ở những người có chức, có quyền, do tha hóa quyền lực mà gây tổn hại nhiều mặt đến đời sống xã hội. Vì vậy, thái độ trong chống tham nhũng là phải “thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả”.

anh tin bai

Ra mắt Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Lào Cai. Ảnh Cao Cường

Chủ động lãnh đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng, gắn công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với thanh tra thực thi công vụ đối với một số lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm. Tháng 6/2022, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, thực hiện Quy định số 67-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã thành lập và ra mắt hoạt động Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Việc thành lập và tổ chức đưa Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh vào hoạt động, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trưởng ban, Bí thư Tỉnh ủy tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh; là minh chứng cho sự quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ tỉnh Lào Cai, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Lào Cai là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, phục vụ đắc lực cho hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Công tác tuyên truyền PCTN, tiêu cực được gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thực hiện các Nghị quyết của Đảng với nhiều hình thức như: Biên soạn và cấp phát tài liệu tuyên truyền về công tác PCTN, tiêu cực tới các huyện ủy, thành ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy để phát cho các chi, đảng bộ cơ sở nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ chiến sỹ, đảng viên và quần chúng nhân dân; hằng năm tổ chức hội nghị tập huấn công tác nội chính và PCTN cho lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đầu ngành; xây dựng trang thông tin điện tử để tuyên truyền; lồng ghép nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy đối với tất cả trường THPT, THCS…

Song song với công tác tuyên truyền, tỉnh Lào Cai kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sát với kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ cao về tham nhũng, tiêu cực như quản lý đất đai, tài nguyên môi trường… Cấp ủy đảng các cấp đã ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát của Đảng ủy theo từng năm. Quán triệt thực hiện “đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điểm đáng chú ý là, Ban Chấp hành Tỉnh ủy ban hành Đề án số 18-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về “ Đẩy mạnh công tác phòng chống tham những lãng phí và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020”; Đề án số 16-ĐA/TU ngày 11/12/2022 về “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025”. Nhằm cụ thể hóa sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, chủ động thực hiện đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành thực hiện các quy định về quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu chi ngân sách; việc chi tiêu công, nhất là mua sắm và đầu tư công; thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch tài chính doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, đầu tư nhất là những hoạt động dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, đầu tư nhất là những hoạt động dễ phát phát sinh tiêu cực, tham nhũng như cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính… Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, dịch vụ công, quản lý tài sản công, tài chính, ngân hàng, quy hoạch, dự án kinh tế- xã hội…

Trao đổi với chúng tôi, bà Giàng Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, “Giải pháp để phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ đó là tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN, tiêu cực để chính cán bộ, đảng viên phải nắm chắc, nắm vững và trong quá trình thực thi công vụ phải thực hiện đúng.”

Có thể thấy, công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh Lào Cai thường xuyên quan tâm, triển khai nghiêm túc, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chưc đảng, chinh quyền. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và quần chúng Nhân dân về PCTN, tiêu cực. Việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày một thiết thực, hiệu quả, từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về PCTN trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên

Quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên được tỉnh Lào Cai xác định là khâu then chốt để kịp thời phát hiện, từng bước hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Do vậy trong thời gian qua, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh, các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động, nhất là công khai quy chế chi tiêu nội bộ, thủ tục hành chính, các văn bản quy định và hoạt động quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực nhạy cảm có nguy cơ tham nhũng cao như: Đầu tư công, quản lý đất đai, xây dựng nông thôn mới… bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Thường xuyên chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của tỉnh về chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Lãnh đạo, chỉ đại các cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vị; thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng tiêu cực. Chỉ trong năm 2022, toàn tỉnh có 36 cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; 21 cơ quan, đơn vị đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với trên 183 cán bộ, công chức, viên chức.

Một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo đó là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước, nhất là đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được nhiều cơ quan, tổ chức đánh giá cao. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 của tỉnh Lào Cai được đánh giá đạt 88,44/100 điểm, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc kê khai, công khai minh bạch tài sản, thu nhập được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định. Chỉ riêng năm 2022, đã công khai 3.902 bản kê khai tài sản/832 cơ quan, đơn vị, đạt 100%.

Trao đổi với cơ quan báo chí ông Lý Văn Hải – Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, “Tổ chức đảng cần phải chú ý kiểm tra, giám sát thường xuyên, kiểm tra chuyên đề lĩnh vực có tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực để ngăn ngừa từ sớm, từ xa tránh những vi phạm lớn”.

Và thực tế là, công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra – kiểm tra lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua được tỉnh Lào Cai quan tâm thực hiện, hoạt động phối hợp giữa kiểm tra giám sát của Đảng với công tác thanh tra, điều tra được đẩy mạnh. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện kiểm tra, giám sát đối với 3.814 tổ chức đảng, đối với 11.049 đảng viên; thực hiện rà soát có hiệu quả các cuộc thanh tra về kinh tế – xã hội, việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kết luận của Thanh tra Chính phủ trên địa bàn; tích cực nắm bắt thông tin vụ việc, chủ động thực hiện kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Các vụ việc, vụ án có dấu hiệu về tham nhũng đều được Ban Thường vụ cấp ủy đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo xử lý theo tinh thần Chỉ thị 50 của Trung ương (về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng). Qua đó đã phát hiện và tiến hành xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ, đảng viên góp phần cảnh tỉnh, răn đe rất cao, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đơn cử như, năm 2021, qua công tác xử lý đơn thư, đã tiến hành dấu hiệu vi phạm tại Chi bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, qua đó đã phát hiện sai phạm tiến hành xử lý kỷ luật về đảng và chính quyền đối với tập thể lãnh đạo và một số cá nhân. Liên quan vụ việc liên quan Công ty TNHH Xây dựng Lilama, khởi tố năm 2021, ngoài việc chỉ đạo cơ quan điều tra tích cực, khẩn trương xác minh, điều tra vụ án; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với một số cấp ủy có liên quan, qua đó đã phát hiện vi phạm và tiến hành xử lý 01 tổ chức và các cá nhân liên quan…

Một số bài học kinh nghiệm trong việc nâng cao PCTN, tiêu cực

Từ việc thực hiện công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc nâng cao PCTN, tiêu cực đó là:

Một là, quán triệt đầy đủ, triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức; phát huy vai trò gương mẫu của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu.

Hai là, tập trung, tăng cường công tác tuyên truyền về PCTN, tiêu cực, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Đáng chú ý, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” có sự tham gia từ cấp tỉnh đến cơ sở; Báo Lào Cai, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các cơ quan truyền thông khác đã xây dựng, duy trì hoạt động trang chuyên mục về công tác PCTN, phát sóng định kỳ trên sóng phát thanh và truyền hình.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vị của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có sai phạm

Bốn là, làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ tiếp công dân vào ngày 20 hàng tháng; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhân dân, của cử tri trong tỉnh.

Năm là, kịp thời kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian qua là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục phát huy, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới./.