Một nữ bị hại đứng dậy “bật” Đường “Nhuệ” giữa tòa

TRUNG DU

  –  

Thứ năm, 18/11/2021 17:22 (GMT+7)

Một nữ bị hại đứng dậy "bật" Đường "Nhuệ" giữa tòa
Trong phiên xét xử hôm nay, bị cáo Đường “Nhuệ” ho rất nhiều, 3 lần xin ra ngoài đi vệ sinh. Ảnh chụp màn hình: Trung Du

Đường “Nhuệ” liên tục ho sặc sụa, nổi nóng

Trong buổi sáng, gần như toàn bộ thời lượng xét xử dành để xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”). Bị cáo tự trình bày rất dài, thi thoảng nổi nóng với cả Hội đồng xét xử lẫn các luật sư tham gia tranh tụng.

Đáng chú ý, trong suốt phiên xét xử buổi sáng, Đường “Nhuệ” liên tục bị ho kéo dài xen vào phần trình bày của chính bị cáo. Bị cáo có tới 3 lần xin phép Hội đồng xét xử được ra ngoài đi vệ sinh, 1 lần xin nước uống.

Trình bày trước tòa, Nguyễn Xuân Đường không thừa nhận hành vi cưỡng đoạt tài sản như cáo buộc trong cáo trạng truy tố. Thậm chí, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử bác bỏ toàn bộ cáo trạng.

Bị cáo khai, cuối năm 2017, văn phòng Công ty Thành Phát (đơn vị được Công ty Hoàng Long ủy quyền) đặt tại TP.Thái Bình mà đại diện là anh Việt, ông Giao nhờ Đường “Nhuệ” đứng lên quản lý văn phòng giúp, nhưng bị cáo không đồng ý.

Vẫn theo bị cáo Nguyễn Xuân Đường, văn phòng Công ty Thành Phát sau đó đưa xe về các xã, huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình để chào dịch vụ với giá thấp hơn giá các dịch vụ tang lễ tại Thái Bình.

Nếu các dịch vụ tang lễ tại Thái Bình không báo cáo qua Công ty Thành Phát thì khi đưa xác người chết cần hỏa táng sang đài hóa thân Thanh Bình (tại Nam Định) thì sẽ bị đài này gây khó dễ.

“Ví dụ giá trọn gói hỏa táng mà Công ty Hoàng Long áp cho mỗi dịch vụ lại khác nhau, đưa xác sang hỏa táng thì cứ bị để đấy, từ từ, không được sắp xếp thiêu đúng giờ. Thế nên bị cáo thương các dịch vụ, thương các gia đình tang hiếu tại Thái Bình nên nhận lời đứng lên làm Chủ tịch hiệp hội tang lễ Thái Bình, ký hợp đồng với đài Thanh Bình mà không phải qua Công ty Thành Phát nữa” – Đường “Nhuệ” trình bày.

Theo Đường “Nhuệ”, số tiền 500 ngàn đồng/1 ca hỏa táng là tiền các dịch vụ hỏa táng tham gia hiệp hội tự nguyện đóng góp để làm quỹ cho hiệp hội, do bị cáo này quản lý, dùng để làm từ thiện, chi ăn uống liên hoan, thăm hỏi đám tang… và các dịch vụ vui vẻ nộp, bị cáo không cưỡng ép, bị cáo còn không muốn nhận tiền này.

Trong suốt quá trình trả lời xét hỏi, Đường nhắc đi nhắc lại các luật sư ghi lại lời khai của mình: “Nếu bị cáo nói sai có thể tố giác tại tòa. Người thật việc thật”, “sai pháp luật mới sợ, đúng không có gì phải sợ”.

Khi bị chủ tọa nhắc nhở, cắt lời vì nói lan man, không đúng trọng tâm, Đường “Nhuệ” tỏ ra nổi nóng: “Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho bị cáo được bình tĩnh để nói ra những uất ức, oan khuất”, “đề nghị Hội đồng xét xử trước khi cấm bị cáo cái gì phải cẩn thận, đó là quyền lợi của bị cáo”…

Bị hại bức xúc phản bác Đường “Nhuệ”

Trước đó, khai mạc phiên xét xử buổi sáng, Đường “Nhuệ” nói muốn trình bày “một tình tiết quan trọng”, rằng “Viện kiểm sát có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm” vì: “Nếu bị cáo có tội thì Đ.T.L cũng phải có tội, là người giúp sức tích cực”.

Trước sự việc này, đến cuối giờ xét xử buổi sáng, bà Đ.T.L có mặt tại tòa với tư cách bị hại khi được Hội đồng xét xử yêu cầu đứng dậy trình bày đã tỏ ra vô cùng bức xúc.

“Thời điểm đó dịch vụ tang lễ Đ.L của chúng tôi là 1 trong 2 dịch vụ lớn nhất, nhì Thái Bình. Chúng tôi muốn ký hợp đồng trực tiếp với đài Thanh Bình mà đại diện là Công ty Hoàng Long chứ không muốn phải qua ai trung gian. Khi tôi đề xuất như vậy thì anh Đường lúc đó đã chửi rủa, uy hiếp, xúc phạm tôi, đe dọa không cho tôi làm tiếp. Tôi rất run sợ, sợ hãi, thời điểm đó không ai dám chống lại anh Đường”, bà L nói.

Khi đại diện Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát hỏi bà L về số tiền 500 ngàn đồng trên 1 ca báo ca hỏa táng đối với dịch vụ của mình, bà L cho biết: “Chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân, còn rất nghèo, làm gì có tiền làm từ thiện, nếu phải nộp hay đóng góp là bị cưỡng ép. Vì thời điểm đó quá sợ anh Đường”.

Khi 1 luật sư hỏi bà L rằng “đã có bao giờ không nộp tiền báo ca mà bị Đường “Nhuệ” hay người của Đường “Nhuệ” uy hiếp, đe dọa chưa?”, bà L nói “mới chỉ quên báo ca vì bận hoặc soạn tin nhắn báo ca nhưng quên gửi đi cũng đã bị nhắc nhở, dằn mặt rồi, nên sau đó cứ đến hẹn 2 lần 1 tháng là phải tự đưa tiền đến nộp”.