Một nông dân tự sáng chế máy suốt tiêu
Dù chỉ là một người thợ cơ khí bình thường nhưng anh Phạm Thanh Phong (41 tuổi, ngụ ấp Hiệp Tâm, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đã chế tạo nhiều máy móc thu hoạch tiêu rất hiệu quả, giúp nông dân tiết kiệm thời gian và chi phí sau mùa vụ.
Tiếp chúng tôi tại xưởng sản xuất với hàng chục khung máy lắp dở xếp ngổn ngang trong và ngoài sân, anh Phong say sưa nói về tiện ích của những chiếc máy do mình làm ra. Gia đình anh Phong cũng có hơn 3.000 nọc tiêu, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 6 tấn.
Anh Phạm Thanh Phong bên máy suốt tiêu và quạt tiêu.
“Ngày trước, khi hái tiêu về, cả nhà phải cùng nhau lấy chân giẫm để hạt tiêu rơi ra khỏi cuống. Nhiều hôm đi hái về đã mệt mà phải giẫm cả đêm mới xong việc. Một người suốt tiêu thủ công nếu nhanh mỗi giờ cũng chỉ được 200kg. Nếu thuê hết công đoạn thì giá bán không bù nổi giá thành sản xuất. Thấy vợ con cực quá nên tôi bắt tay vào chế tạo máy suốt tiêu” – anh Phong nhớ lại.
Năm 2000, anh tiến hành thử nghiệm chiếc máy thuộc thế hệ đầu tiên. Lúc đầu, máy được sử dụng thủ công với một trục quay tay đơn giản. Những ngày bắt đầu chế tạo máy, anh Phong cũng không nhớ mình đã phá bao nhiêu vật liệu, tiêu tốn biết bao nhiêu tiêu của gia đình cho máy chạy thử. Máy trục trặc, tiêu nát nhưng anh dặn lòng phải làm cho bằng được. Đến khi chiếc máy ra đời, anh vui đến cười ra nước mắt.
Ngày chạy máy đầu tiêu, cả xóm kéo đến xem và liên tục nhờ anh Phong chế tạo một cái tương tự. Từ chiếc máy thô sơ ban đầu, anh Phong nghiên cứu cải tiến gắn thêm động cơ để chạy bằng diezel và đến đời mới nhất hiện nay là chạy bằng điện.
Máy có 3 phần chính gồm động cơ (mô-tơ, bánh đà, dây cu-roa); giá đỡ (khung máy, ray đẩy); trục xoắn, máng chứa, sàng lọc tiêu. Nguyên lý hoạt động của máy cũng khá đơn giản. Tiêu được đổ vào máng tiếp liệu và chảy xuống trục cuốn. Tại đây, nhờ những đoạn ruột sắt được quấn theo công thức riêng nên đã tạo lực ép để tiêu rời khỏi cuống. Hạt tiêu rơi vào vỏ ống phía dưới, được khoan lỗ (mỗi lỗ cách nhau 1 phân) và đẩy xuống máng. Cuống tiêu được đẩy ra ngoài theo một đường khác.
Chiếc máy có thể suốt được 8 tạ – 1 tấn hạt tiêu/60 phút, nhanh gấp 10 lần so với suốt thủ công và còn tự động phân chia hồ tiêu hạt to chắc với hạt nhỏ lép và cọng qua 3 máng riêng biệt. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, tỉ lệ sạch cuống khoảng 97%, tỷ lệ sót hạt thấp 3%.
Đặc biệt, có thể di chuyển máy một cách dễ dàng nhờ hệ thống bánh xe, tay đẩy. Những nơi không có điện hoặc những lúc bị mất điện, máy vẫn hoạt động tốt nhờ tay quay thủ công. Chiếc máy quạt tiêu và các loại nông sản là sáng chế thứ 2 của người thợ cơ khí mê sáng tạo này. Máy được chế tạo cùng thời điểm chiếc máy suốt tiêu, với mục đích phục vụ cho công việc làm sạch tiêu trước khi bán ra thị trường. Mọi ý tưởng chế tạo chiếc máy này hoàn toàn mới, không có sự tham khảo của một loại máy tương tự nào trước đó.
Theo anh Phong, để chế được chiếc máy này anh phải mấy 4 năm trời nghiên cứu và thử nghiệm. “Cái khó là làm sao để tạo sức gió tối đa dồn về một phía. Nếu thiết kế cánh quạt không đều sẽ khiến gió bị thổi ngược lại khiến tiêu không sạch. Hiện nay, ngoài hiệu quả với cây tiêu, máy có thể sử dụng quạt sạch cho nhiều loại nông sản khác” – anh Phong nói.
Máy suốt hạt và máy quạt tiêu của anh Phong giờ đã trở thành thương hiệu được rất nhiều nông dân không chỉ tỉnh Bình Phước mà ngay cả các tỉnh khác mua dùng bởi vừa rẻ, vừa hiệu quả. “Mùa thu hoạch tiêu chỉ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 nhưng tui phải làm cả năm mới đủ cung cấp. Mỗi năm tôi bán hàng trăm cái” – anh Phong nói.
Ông Ngô Đình Nam (ấp 4, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh), một người chuyên canh cây tiêu nổi tiếng ở Lộc Ninh cho biết: “Mỗi vụ tiêu, gia đình tôi thu hoạch 14-15 tấn nên nếu sử dụng phương pháp thủ công để suốt tiêu sẽ mất rất nhiều thời gian và nhân công. Nay nhờ hai chiếc máy do anh Phong chế tạo mà gia đình đỡ vất vả hơn. Ưu điểm của máy là tiêu bỏ vào suốt không bị tróc vỏ, tróc hạt, đồng thời giúp giảm thời gian cũng như chi phí thuê nhân công”.
Hiện nay, anh Phong đang tiếp tục cải tiến hai sản phẩm cho phù hợp với từng vùng, từng loại tiêu cụ thể, đảm bảo độ chính xác cao nhất. Anh chia sẻ: “Mong muốn của tôi là hai sản phẩm này sớm được cấp giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, tránh việc bị giả mạo, gây thiệt hại cho người sử dụng. Nếu được hỗ trợ, tôi cũng dự định mở rộng nhà xưởng và qui mô sản xuất để thu hút thêm lao động của địa phương vào làm việc”.