Một giáo viên dạy nhiều trường: Góc nhìn của Giám đốc Sở giáo dục Quãng Ngãi

GDVN- Việc bố trí một giáo viên dạy ở các trường trên cùng địa bàn ngoài những mặt tích cực thì vẫn còn tồn tại bất cập do không chủ động về đội ngũ.

Trong khi các trường ở thành phố Hồ Chí Minh đang xem xét đến việc các trường “chia sẻ” giáo viên với nhau. Theo đó, giáo viên chỉ có biên chế một nơi nhưng khi thiếu giáo viên các trường có thể sắp xếp, hỗ trợ lẫn nhau.

Một giáo viên dạy nhiều trường: Góc nhìn của Giám đốc Sở giáo dục Quãng Ngãi ảnh 1

Thì tại Quảng Ngãi, nhiều năm qua, một số địa phương đã chủ động triển khai, áp dụng linh hoạt phương thức chia sẻ nguồn lực này.

Từ năm học 2018-2019, trước thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các bộ môn và các trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thí điểm cho phép một giáo viên được dạy ở hai trường gần nhau.

“Tại Trường trung học cơ sở Nghĩa Phương thì thừa giáo viên dạy Mỹ thuật nhưng lại thiếu giáo viên môn Lịch sử và Tin học. Do đó, Phòng đã bố trí một giáo viên dạy Lịch sử và một giáo viên Tin học từ hai trường khác gần đó về tăng cường.

Sau khi Trường trung học cơ sở Nghĩa Phương có đủ giáo viên bộ môn nói trên thì các giáo viên tăng cường trở lại trường được biên chế để công tác. Năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục Tư Nghĩa đã phải điều động 17 giáo viên dạy hai trường.

Tuy nhiên, sang năm học này thì tình trạng thiếu giáo viên cục bộ không còn xảy ra nên chúng tôi không thực hiện các “chia sẻ” giáo viên như trước đây nữa”, một lãnh đạo Phòng Giáo dục Tư Nghĩa cho hay.

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, xuất phát từ vấn đề thiếu giáo viên nên các địa phương đã chủ động linh hoạt “chia sẻ” nguồn lực.

“Qua thực tiễn thực hiện tại một số địa phương thì phương án một giáo viên được dạy hai trường đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Trước hết là nó giải quyết được vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bảm đảm các trường có đủ giáo viên bộ môn.

Hơn nữa, qua việc này cũng tạo điều kiện cho giáo viên có thêm nguồn thu nhập từ các giờ dạy khác, ngoài giờ dạy ở trường được biên chế”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi thông tin thêm, các địa phương triển khai phương án này đều mang lại kết quả tốt, giải quyết được những vấn đề tồn đọng trước mắt do thiếu giáo viên.

Do đó, mới đây, trên cơ sở tập hợp ý kiến từ các huyện, Sở Giáo dục đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất chỉ đạo các địa phương thực hiện bố trí một giáo viên dạy ở các trường trên cùng địa bàn (khoảng cách địa lý không xa).

Bởi hiện nay tại Quảng Ngãi đang xảy ra thực trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học ở bậc Tiểu học. Trong đó, đối với giáo viên Tiếng Anh thì tổng số giáo viên còn thiếu (tính đến năm học 2022-2023) là 146 người. Đối với giáo viên Tin học thì tổng số giáo viên còn thiếu là 107 người.

“Trong điều kiện thiếu giáo viên thì mình mới làm như vậy, còn về lâu dài thì tỉnh vẫn phải thi tuyển giáo viên để kiện toàn đội ngũ.

Trong phương án này cũng có những mặt bất cập của nó, đó là chỉ có thể điều động giáo viên ở các trường trong phạm vi gần.

Còn ở những trường miền núi, vùng sâu, vùng xa thì việc chia sẻ nguồn lực giáo viên hầu như không thể thực hiện”.

Ngoài ra, ông Phu cũng bày tỏ lo lắng khi một giáo viên dạy nhiều trường sẽ không có sự đầu tư, chuyên tâm vào từng tiết học, từ đó không đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học bắt đầu từ năm học 2022-2023 thì Quảng Ngãi cũng đã đề cập đến phương án “một giáo viên dạy nhiều trường”, với điều kiện không tuyển dụng đủ số lượng giáo viên theo quy định.

AN PHONG