Mong thầy cô dạy Sử thu hút như trên tiktok
Sáng 5-6, Thành ủy – Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân– Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức chương trình “Lãnh đạo TP gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi năm 2022”.
Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo TP, đại diện các đơn vị, sở, ngành, đoàn thể, TP, Ban Thường vụ Thành Đoàn và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Thành Đoàn.
Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của 150 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho hơn 1,9 triệu trẻ em TP. Các em là những học sinh giỏi tiêu biểu, tài năng trẻ, các thành viên tích cực của các câu lạc bộ, đội nhóm Nhà Thiếu nhi. Các em là con công nhân lao động, con chiến sĩ lực lượng vũ trang, thiếu nhi tại các cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em, thiếu nhi bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19 và các em là đại biểu Hội đồng trẻ em TP.HCM.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để chăm lo tốt cho thiếu nhi
Chương trình là dịp để lãnh đạo TP.HCM lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và nhu cầu của thiếu nhi TP về những vấn đề liên quan đến việc học tập, vui chơi, giải trí và sự phát triển toàn diện của thiếu nhi; những suy nghĩ, mong muốn của thiếu nhi về TP.HCM trong tương lai; đẩy mạnh giải pháp, nâng cao nhận thức thực hiện các quyền trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em về các vấn đề trẻ em.
Phát biểu mở đầu, bà Nguyễn Thị Lệ – Chủ tịch HĐND TP.HCM nhận định, trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, là tài sản vô giá của quốc gia. Việc tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được học tập, rèn luyện và phát triển là nhiệm vụ mà gia đình, nhà trường và toàn xã hội luôn chung tay hành động.
Đặc biệt, buổi gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi diễn ra vào đúng ngày kỉ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Với lẽ đó, bà Lệ mong các cháu thiếu nhi khắc ghi 5 điều Bác Hồ dạy, cố gắng học tập, rèn luyện để dựng xây TP và đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ.
Bà Nguyễn Thị Lệ bày tỏ: “Hai năm qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội. Trong đó ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi của các em thiếu nhi. Dù vậy, các cháu đã có nhiều cố gắng trong học tập. Đặc biệt, bằng nỗ lực của mình, các cháu đã có những hành động đóng góp hữu ích trong phòng chống dịch vừa qua”.
Nhiều mong muốn thiết thực của các thiếu nhi
Tại buổi gặp gỡ, các thiếu nhi bày tỏ trực tiếp 24 ý kiến, mong muốn về các vấn đề như xây dựng các thư viện để học sinh ngoại thành dễ dàng tiếp cận văn hóa đọc hơn; mong muốn có nhiều sân chơi để học sinh rèn luyện kỹ năng, giải tỏa áp lực sau giờ học mệt mỏi; đề xuất hình thức đổi mới dạy và học môn lịch sử để học sinh có hứng thú học hơn;… Ngoài ra còn có hơn 100 ý kiến khác được gửi về ban tổ chức.
Cụ thể, em Nguyễn Vương Song My, học sinh trường THCS Hoàng Lê Kha (quận 6) bày tỏ: “Em rất yêu thích môn lịch sử nhưng môn này hiện đang được giảng dạy một cách qua loa, nội dung chưa rõ ràng, gây nhàm chán. Trong khi đó, các nội dung về lịch sử trên mạng xã hội hay Tiktok rất ấn tượng và thú vị khiến nhiều bạn thích thú hơn”.
Vì vậy, HS Song My mong rằng chương trình giảng dạy môn lịch sử trên lớp cần thú vị, hấp dẫn hơn và thời lượng phù hợp hơn để tất cả HS đều hiểu bài. Ngoài dạy kiến thức sách giáo khoa, thầy cô cần quan tâm nâng cao cách giảng dạy môn này. Đặc biệt, cần lồng ghép các hình ảnh, video, mô hình trong bài giảng để môn học được sinh động, gây hứng thú và kích thích sự ham học hỏi của HS hơn.
Còn Đặng Trần Huyền Thư, học sinh trường THCS Hoa Lư (TP Thủ Đức) mong muốn TP có thêm nhiều hoạt động rèn luyện thể dục thể thao và các sân chơi để HS rèn luyện kỹ năng, giải tỏa áp lực sau giờ học mệt mỏi.
“Qua Seagame vừa rồi, con nhận thấy thể thao chính là một trong những hướng giúp hội nhập quốc tế, giúp đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Vì vậy con nghĩ, nếu tụi con được phổ cập rộng rãi một số môn thể thao quen thuộc cũng như tiếp cận được những môn mới thì chúng con cũng có thể sẽ là một trong những chủ nhân của các huy chương đó” – Huyền Thư bày tỏ.