Môn Lịch sử trở thành bắt buộc, chương trình GDPT mới sẽ thay đổi ra sao? – Giáo dục Việt Nam

GDVN- Như vậy, tính tổng số tiết học mỗi năm của học sinh lớp 10, 11, 12 dự kiến sẽ là 997 tiết (chưa tính các môn tự chọn) giảm 18 tiết so với Thông tư 32/2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch thực hiện điều chỉnh môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kế hoạch này nhằm triển khai Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.

Trong đó, sẽ có những điều chỉnh chương trình, kế hoạch dạy học theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, thay đổi đến tổng số tiết thực học của học sinh trung học phổ thông.

Thông tư 32, chương trình mới học sinh cấp 3 sẽ học tối đa 1120 tiết/ năm học

Theo Thông tư 32/2018, học sinh bậc trung học phổ thông sẽ học các môn học bắt buộc, lựa chọn, chuyên đề học tập theo bảng dưới đây.

Bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp trung học phổ thông

Nội dung giáo dục

Số tiết/năm học/lớp

Môn học bắt buộc

Ngữ văn

105

Toán

105

Ngoại ngữ 1

105

Giáo dục thể chất

70

Giáo dục quốc phòng và an ninh

35

Môn học lựa chọn

Nhóm môn khoa học xã hội

Lịch sử

70

Địa lí

70

Giáo dục kinh tế và pháp luật

70

Nhóm môn khoa học tự nhiên

Vật lí

70

Hoá học

70

Sinh học

70

Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật

Công nghệ

70

Tin học

70

Âm nhạc

70

Mĩ thuật

70

Chuyên đề học tập lựa chọn (3 cụm chuyên đề)

105

Hoạt động giáo dục bắt buộc

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

105

Nội dung giáo dục của địa phương

35

Môn học tự chọn

Tiếng dân tộc thiểu số

105

Ngoại ngữ 2

105

Tổng số tiết học/năm học (không kể các môn học tự chọn)

1015

Số tiết học trung bình/tuần (không kể các môn học tự chọn)

29

Như vậy, tổng số tiết học theo Thông tư 32/2018 học sinh học 1015 tiết/năm học (không kể các môn tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2), nếu học sinh có điều kiện lựa chọn học môn tự chọn thì tổng số tiết học có thể là 1120 tiết mỗi năm.

Điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là không quy định số tiết học của mỗi môn trong tuần mà chỉ quy định tổng số tiết học/năm học, điều này tạo thuận lợi cho các trường trong việc xây dựng kế hoạch dạy học.

Học sinh sẽ được giảm 18 tiết/ năm học so với Thông tư 32/2018

Ngày 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch 770/KH-BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học mới.

Kế hoạch này vừa hướng tới việc ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2018/TT BGDĐT theo trình tự, thủ tục rút gọn; vừa hướng tới việc “xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh chương trình Lịch sử bắt buộc cấp trung học phổ thông từ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Nội dung hoạt động của kế hoạch là xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh.[1]

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành đã có một số trao đổi xung quanh kế hoạch này.

“Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội yêu cầu nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang điều chỉnh môn Lịch sử theo đúng yêu cầu nói trên của Nghị quyết 63, bảo đảm môn học này có phần bắt buộc với tất cả học sinh trung học phổ thông và có phần lựa chọn cho học sinh có định hướng chuyên sâu về Lịch sử.

Kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để tổ chức việc điều chỉnh phần bắt buộc, nên trong kế hoạch này không đề cập tới phần lựa chọn. Việc thực hiện phần lựa chọn theo đúng Chương trình giáo dục phổ thông đã ban hành năm 2018.”, ông Thành cho biết. [2]

Cũng theo phát biểu của ông Nguyễn Xuân Thành, môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.

Đối với các môn lựa chọn, các trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn (thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu) để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Như vậy, có thể hiểu đơn giản với chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được sửa đổi như sau:

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng cho bậc trung học phổ thông từ năm học 2022-2023 gồm 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1,Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

4 môn học lựa chọn được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn, đó là nhóm môn Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Như vậy, tính tổng số tiết học mỗi năm của học sinh lớp 10, 11, 12 dự kiến sẽ là 997 tiết (chưa tính các môn tự chọn) giảm 18 tiết so với Thông tư 32/2018.

Do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn tùy theo điều kiện các trường trung học phổ thông mà xây dựng tổ hợp môn phù hợp, nên trong việc xây dựng tổ hợp môn lựa chọn việc thay đổi tuy có phần gấp gáp nhưng các trường có thể thay đổi kịp.

Nhưng người viết băn khoăn nhất đó chính là chương trình môn Lịch sử ở lớp 10 được xây dựng theo chương trình phân hóa, định hướng nghề nghiệp, chuyên sâu với 70 tiết/năm học thì nay trở thành môn bắt buộc với 52 tiết/năm học, buộc phải điều chỉnh chương trình, kế hoạch giáo dục môn Lịch sử và có thể phải thay đổi cả sách giáo khoa, sách giáo viên để phù hợp.

Người viết cho rằng, trong thời gian 1 tháng phải cấp tốc sửa đổi chương trình, kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy,… thì liệu có kịp tiến độ thực hiện chương trình mới, nếu không cẩn thận, tham vấn ý kiến chuyên gia một cách cẩn thận có thể để lại hậu quả lớn.

Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo cẩn trọng xem xét, tham vấn kỹ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo để khi sửa đổi Thông tư 32/2018 và đi vào thực hiện không có sai sót, tránh ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh cả nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dieu-chinh-chuong-trinh-lich-su-bac-thpt-52-tiet-bat-buoc-moi-nam-hoc-post227971.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ban-khoan-1-thang-de-dieu-chinh-mon-lich-su-vu-truong-nguyen-xuan-thanh-tra-loi-post228002.gd?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam