Mối quan hệ trên tình bạn dưới tình yêu là gì?
Giới trẻ hiện nay đã và đang tồn tại những mối quan hệ gọi là trên tình bạn nhưng chưa chạm tới được tình yêu. Vậy mối quan hệ trên tình bạn dưới tình yêu là gì? Bạn có đang rơi vào mối quan hệ trên tình bạn dưới tình yêu hay không? Nếu đang trong mối quan hệ không rõ ràng như vậy nên làm gì tốt nhất cho cả hai? Trong bài viết hôm nay, ThuThuatPhanMem sẽ cùng bạn đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này.
Mục Lục
I. Trên tình bạn dưới tình yêu là mối quan hệ gì?
Trên tình bạn dưới tình yêu là một mối quan hệ lưng chừng, mập mờ vừa an toàn lại vừa khó chịu. Hai người đều dành tình cảm cho nhau, vẫn quan tâm và yêu thương, cùng đi chơi, hẹn hò, trao nhau những cử chỉ âu yếm thậm chí “làm tình” nhưng lại chẳng có gì ràng buộc, níu kéo. Mỗi người có một lối đi riêng, một con đường riêng. Mỗi người đều có những mối quan hệ của riêng mình mà người kia chẳng thể can thiệp.
Không trách nhiệm, không ràng buộc, không ghen tuông đòi hỏi nhưng cũng chẳng thể kỳ vọng bất cứ điều gì. Mối quan hệ này đem đến không ít tiêu cực cho những ai đang mắc kẹt trong đó bởi muốn chấm dứt nhưng lại chẳng thể nói chia tay.
Mối quan hệ tưởng chừng như rất phức tạp này lại có thể xếp vào một trong các kiểu sau:
1. Hai người đang tìm hiểu nhau nhưng chưa xác định mối quan hệ
Nếu bạn và người ấy đang tìm hiểu nhau, hẹn nhau đi café, dạo phố hay đi xem phim nhưng cả hai chưa ai hỏi về mối quan hệ của mình. Đó có thể là do cả hai chỉ là đang ra ngoài chơi cùng nhau hay muốn mọi thứ diễn ra từ từ. Có thể do còn quá sớm để nói về tương lai của cả hai hoặc một người vẫn chưa sẵn sàng để cam kết cho một mối quan hệ lâu dài.
2. Hai người thích nhau nhưng không muốn mất tình bạn
Những ai đang có bạn thân khác giới chắc cũng đôi lần trải qua cảm giác này. Tự dưng vào một ngày đẹp trời, bạn cảm thấy ôi sao nó đẹp trai thế, đứa bạn thân mình tự dưng cười xinh thế rồi bạn bắt đầu để ý đến bạn thân của mình hơn, cảm thấy thinh thích nó rồi. Thế nhưng, chơi với nhau bao năm rồi, làm sao để có thể phá vỡ sự ngượng ngùng để bày tỏ với người kia trước.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều người chưa yêu đã lo chuyện được mất. Lo rằng bày tỏ rồi nhưng bị từ chối hoặc yêu nhau rồi nhưng kết cục không đến đâu thì lúc đó vừa không có được tình yêu vừa chẳng thể làm bạn. Để giữ mối quan hệ của bản thân và người ấy trong mức an toàn, cả hai vẫn tiếp tục mối quan hệ trên tình bạn dưới tình yêu dù mỗi đêm đều nhớ đến người ta.
3. Bạn chỉ là một trong những mối dự phòng
Có thể bạn không phải là gu của đối phương, càng không phải là tiêu chuẩn chọn người yêu thế nhưng bạn cũng không tệ lắm, lại có tình cảm với họ, sẵn sàng làm mọi điều cho nên người ta vẫn chấp nhận ở bên bạn, cùng đi ăn đi chơi xong nhiều khi chơi trò mất tích. Thật ra, người ta chỉ coi bạn là lốp xe dự phòng mà thôi, họ chấp nhận mập mờ với bạn trong mối quan hệ trên tình bạn dưới tình yêu là để có thêm người quan tâm, chăm sóc khi không có ai bên cạnh. Để rồi một ngày người mà người ta chờ đợi thực sự xuất hiện, người ta sẽ đá bay bạn để đến với nửa kia.
II. Dấu hiệu nhận biết bạn đang trong mối quan hệ Trên tình bạn, dưới tình yêu
Nếu bạn đang phân vân không biết mình có phải đang trong mối quan hệ mập mờ này hay không, hãy kiểm nghiệm qua các dấu hiệu sau đây:
1. Tránh nói về tương lai
Bạn cảm thấy cả hai khá là thân thiết, không cần nói cũng có thể hiểu nhau, cũng đã có một vài hành động thân mật nhưng cả hai lại không dám nói với nhau về kế hoạch tương lai, về các mục tiêu tình cảm. Nếu bạn không muốn chấm dứt mối quan hệ này, hãy tránh thảo luận chuyện sau này. Để chuẩn bị tình huống xấu nhất, bạn hãy dành thời gian lên kế hoạch cuộc sống, sự nghiệp và những chuyến đi xa mà không có mặt đối phương.
2. Tần suất gặp gỡ ngày càng ít
Trong một mối quan hệ rõ ràng, cả hai thường có xu hướng gia tăng gặp gỡ nhau nhiều hơn để gia tăng tình cảm. Ngược lại, những người đang trong mối quan hệ mập mờ có thể sẽ gặp nhau không thường xuyên, tần suất cũng sẽ giảm đi so với lúc mới bắt đầu. Có thời gian, bạn và người ấy gặp nhau mỗi tuần một hoặc vài lần nhưng đột nhiên mất liên lạc trong vài tuần tiếp theo rồi lại bắt đầu liên lạc lại.
3. Cả hai dành tình cảm cho nhau nhưng không chạm đến tình yêu
Có thể cả hai đều biết tình cảm của đối phương nhưng vì vài một nhân tố khách quan nào đó mà không thể hoàn toàn mở lòng với người khác. Cả hai có thể nắm rõ món ăn yêu thích, thói quen và lịch trình của đối phương nhưng cả hai chưa thực sự tâm sự chia sẻ với nhau về những điều sâu sắc hơn.
4. Cả hai có thể cũng đang gặp gỡ với những người khác
Lịch trình bận rộn, không phải lúc nào bạn gọi cũng nghe máy, thậm chí dành riêng cho bạn một lịch trình cụ thể, có thể họ đang suy nghĩ có nên tiến tới với bạn hay không nhưng cũng có thể họ cũng đang trong mối quan hệ mập mờ, không rõ ràng với người khác. Vì cả hai chưa xác định gì cả nên những mối quan hệ ngoài luồng bạn không có cơ hội can thiệp từ đó nảy sinh cảm giác bất an mà trước nay bạn chưa từng có.
5. Không giới thiệu đối phương với bạn bè, gia đình
Thông thường, để củng cố mối quan hệ mọi người thường có xu hướng giới thiệu đối phương đến với bạn bè, thậm chí là gia đình. Nếu hai bạn quen nhau một thời gian đủ dài mà người ấy không giới thiệu bạn bè đến bạn hay từ chối các cuộc gặp gỡ với bạn bè của bạn thì nhất định người ấy chưa bao giờ nghiêm túc với mối quan hệ này. Đừng cố gắng thuyết phục bản thân rằng mối quan hệ chưa đến mức ấy.
III. Làm thế nào để thoát khỏi mối quan hệ trên tình bạn dưới tình yêu
Sẽ ra sao nếu trong mối quan hệ trên tình bạn dưới tình yêu, có một người thực sự có tình cảm với người kia? Nếu bạn cảm thấy hài lòng về mối quan hệ này thì chẳng có gì đáng nói nhưng nếu bạn muốn chấm dứt mối quan hệ đầy khó chịu này để bắt đầu một mối quan hệ nhiều hơn thế, hãy thử làm theo một vài lời khuyên sau đây.
Xem xét lại: Hãy dành thời gian nhìn lại mối quan hệ giữa hai bạn. Tự hỏi xem ở bên người ấy có khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hay không? Người ấy có đáp ứng hết các tiêu chí về người bạn đời tương lai hay không? Bạn có thực sự muốn gắn bó cả đời hay không? Hãy sáng suốt và rạch ròi trong vấn đề tình cảm, đừng để cảm xúc chi phối quá nhiều.
Trò chuyện: Việc lo lắng sẽ đánh mất tình bạn đã xây dựng bấy lâu là điều không thể tránh nhưng giấu giếm cảm xúc thật của mình vừa khiến bạn rơi vào mớ cảm xúc hỗn độn vừa không công bằng với người còn lại. Nếu bạn xác định được tình cảm của mình với đối phương, hãy mạnh dạn nói lời thật lòng để tránh cảm giác luyến tiếc. Bạn nên lựa chọn một nơi yên tĩnh, không bị quấy rầy để trò chuyện với đối phương. Cố gắng giải thích cảm xúc của bạn, vào thẳng vấn đề nhất có thể.
Thấu hiểu: Khi bạn muốn đưa mối quan hệ này ra ánh sáng tức là bạn đã xác định những điều tệ nhất có thể xảy ra. Nếu đối phương có tình cảm với bạn, hai bạn sẽ đi đến mối quan hệ yêu đương chính thức. Ngược lại, kết quả không như mong muốn, hãy cho đó là một trải nghiệm tuổi trẻ, đừng tô vẽ thêm cho cảm xúc của bản thân.
Hy vọng với những thông tin mà bài viết cung cấp bạn có thể tìm được cho mình câu trả lời chính xác xoay quanh câu hỏi Mối quan hệ trên tình bạn dưới tình yêu là gì? Chúc các bạn một ngày mới nhiều niềm vui.