Mỗi mét vuông nuôi ốc nhồi lãi trên 150 nghìn đồng
Thứ Sáu 20/03/2020 , 07:01 (GMT+7)
Đang làm việc tại một bệnh viện trên địa bàn TP. Thanh Hóa, Lê Thiên Tư xin nghỉ việc về quê nuôi ốc nhồi. Nhiều người ngỡ ngàng khi chứng kiến thành quả của anh.
Ốc nhồi là đối tượng nuôi dễ tính, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Võ Dũng.
Mô hình nuôi ốc nhồi, sản xuất các giống thủy sản như ếch, cá rô đầu vuông, trê lai tại trại giống Thiên Tư, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cho nguồn thu trên 300 triệu đồng/năm, lãi ròng 200 triệu.
Theo anh Tư, lý do anh nghỉ việc, một phần cảm thấy công việc tại bệnh viện không phù hợp với mình, phần vì gia đình đã tích tụ được một ít đất ruộng và anh muốn thực hiện ước mơ xây dựng một trại giống thủy sản.
Điều giúp anh tự tin ở quyết định của mình là gia đình anh có nhiều người thành công với các trại sản xuất giống thủy sản.
Bản thân anh, khi còn học THPT cũng đã tự mày mò thử nghiệm cho một số vật nuôi thủy sản sinh sản thành công.
Để chủ động con giống, anh Tư đã thu trứng và cho ấp nở. Ảnh: Võ Dũng.
Với 6 nghìn m2 đất ruộng, anh xin chuyển đổi mục đích, xây bể nuôi cá lóc, cá rô đầu vuông, ếch, chạch hương. Một phần diện tích ruộng được dành để nuôi ốc nhồi.
Thế nhưng, những năm đầu mô hình thất bại nên đến năm 2014, anh Tư lên huyện Yên Định nuôi thỏ New Zealand với tiền lương 15 triệu đồng/tháng. Thời gian đó, anh tranh thủ đi tham quan các mô hình nông nghiệp trong tỉnh và học hỏi rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân.
“Những năm đầu thất bại khiến tôi cũng có phần nản chí. Tuy nhiên, sau 2 năm bỏ trại đi làm thuê, có thêm đồng vốn tôi quay về tiếp tục thực hiện ước mơ còn dang dở. Tôi lại nghỉ việc về quê xây dựng lại trại” – anh Tư tâm sự.
Anh vay thêm tiền, đầu tư xây dựng lại trại và lấy con ốc nhồi làm vật nuôi chính. Bởi theo anh Tư, cá rô đầu vuông, ếch, sinh sản để cung ứng giống cho thị trường chứ không nuôi thương phẩm vì chi phí đầu vào tương đối cao và diện tích ao nuôi của anh không đủ lớn. Lấy ngắn nuôi dài thì ốc nhồi là vật nuôi rất hiệu quả.
Mỗi năm anh Tư cung ứng cho thị trường 100 vạn con cá rô đầu vuông. Ảnh: Võ Dũng.
Theo tính toán của anh Tư, mật độ thả ốc nhồi phù hợp khoảng 100-150 con/m2. Sau 3-4 tháng nuôi có thể thu về khoảng 3 kg ốc thương phẩm.
Với giá thu mua tại trại hiện nay là 70-80 nghìn đồng/kg, anh thu về trên 200 nghìn đồng/m2, trừ chi phí con giống, thức ăn, công chăm sóc lãi ròng khoảng 150 nghìn đồng/m2 ao nuôi.
Chi phí chủ yếu nuôi ốc nhồi là con giống vì thức ăn chủ yếu là bèo, không đáng kể. Ao nuôi cũng đơn giản, chỉ cần ao đất, không phải đắp thành quá cao nên tốn ít chi phí. Tuy nhiên, nuôi ốc nhồi, điều quan trọng nhất là nguồn nước phải được lọc sạch trước khi cho vào ao.
“Nuôi ốc nhồi muốn đạt hiệu quả kinh tế thì đầu tiên phải tháo cạn nước xử lý ao nuôi bằng vôi bột, bắt hết cá tạp. Ốc nhồi bắt đầu nuôi tốt nhất từ tháng 3-4 hằng năm và cho thu hoạch sau 3-4 tháng nuôi. Khi mua giống ốc nhồi phải chọn cơ sở uy tín, thả mật độ từ 100-150 con/m2, xung quanh ao nuôi ốc nhồi có thể thả bèo tây để che gió cho ốc nhồi. Thức ăn của ốc nhồi chủ yếu bèo tấm, rau, quả các loại” – anh Tư chia sẻ.
Trại giống Thiên tư thu về trên 300 triệu đồng/năm, lãi ròng 200 triệu đồng. Ảnh: Võ Dũng.
Để chủ động về con giống, hiện nay anh Tư đã thu trứng và cho ấp nở. Nguồn giống ốc nhồi không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu nuôi mà hiện anh còn xuất con giống ra thị trường.
Hai năm sau ngày vực lại nghề nuôi và cho giống thủy sản sinh sản, đến nay, mỗi năm trại giống của anh Tư đã cung ứng ra thị trường khoảng 100 vạn con cá rô đầu vuông; 1 tấn cá trê lai… Năng lực sản xuất giống chạch hương đủ đáp ứng nhu cầu 100 vạn con/tháng. Ngoài ra, trại giống Thiên Tư còn làm dịch vụ cung ứng các giống cá leo, cá vược…