“Mỏi mắt” tìm giáo viên ở các tỉnh miền núi
Tình trạng thiếu giáo viên hay chất lượng giáo viên còn yếu ở các trường khu vực miền núi là vấn đề tồn tại nhiều năm nay. Trong buổi giám sát của Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội tại huyện Bá Thước – một huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá, tình trạng này tiếp tục được các đại biểu đề cập, nhất là đối với một số bộ môn mới như tin học, tiếng anh hay nghệ thuật.
Huyện Bá Thước hiện có 72 cơ sở giáo dục với 1550 giáo viên và cán bộ giáo dục. Với số lượng giáo viên như hiện nay huyện đang gặp phải không ít khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và số lượng tiết học cho học sinh. Đặc biệt khi triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc tuyển dụng giáo viên các môn học mới như tin học, ngoại ngữ hay nghệ thuật lại càng trở nên thách thức hơn.
Ông Lò Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước: “Khó khăn thiếu đội ngũ giáo viên: đặc biệt cấp tiểu học. Các trường đại học không đào tạo giáo viên tin học. Huyện thiếu 56 giáo viên ở bậc tiểu học 21 giáo viên ở bậc trung học cơ sở.”
Việc thiếu giáo viên ở các môn học này khiến học sinh không hoàn thành đủ chương trình học và như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc lên lớp, thi tốt nghiệp của học sinh.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên cũng còn hạn chế. 30% giáo viên không đáp ứng được yêu cầu đổi mới của sách giáo khoa hiện nay. Tình trạng già hoá giáo viên cũng khiến việc tiếp cận công nghệ thông tin để áp dụng các phương pháp giảng dạy mới gặp khó khăn.
Ông HÀ TỰ NHIÊN, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, huyện Bá Thước: “Để dạy đủ số tiết theo yêu cầu huyện đã thực hiện điều chuyển giáo viên dạy liên trường trong phạm vi hợp lý.”
Trong khi việc tuyển dụng giáo viên từ các nơi khác về địa phương đã khó khăn, huyện cũng đang gặp khó khăn khi tổng biên chế không tăng mặc dù số lượng môn học tăng. Tình trạng này đang rất cần sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Nội vụ để trẻ em các vùng miền núi được hưởng một nền giáo dục chất lượng, công bằng.
Thực hiện :
Như Hiền
Đức Minh