Mở rộng đổi mới sáng tạo: Thách thức đáng để giải quyết

“Làm rõ vấn đề, lên ý tưởng, phát triển giải pháp và thực thi” là những nguyên tắc tư duy thiết kế cơ bản để dẫn dắt quy trình đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, từ các “gã khổng lồ” đa quốc gia đến những công ty khởi nghiệp lớn lên từ cộng đồng. Nhu cầu về đổi mới và nguồn nhân lực chuyên biệt trên toàn cầu hiện đang rất lớn, thể hiện qua số lượng phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo (innovation lab) đang xuất hiện ngày càng nhiều. Xu hướng này đặc biệt rõ rệt ở châu Á, nơi đã vượt qua châu Âu về số lượng trung tâm đổi mới thuộc các doanh nghiệp. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ và đang xếp thứ hai về đổi mới trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (theo báo cáo của WIPO). Trước đó Việt Nam từng xếp hạng cao hơn các quốc gia giàu có hơn như Ấn Độ, Malaysia và Philippines trong một vài năm.

“Đổi mới sáng tạo” hiện đang là cụm từ kích hoạt hành động trong thế giới doanh nghiệp. Dữ liệu khảo sát gần đây chỉ ra rằng khái niệm này luôn nằm trong top 3 ưu tiên hàng đầu của các công ty. Ngoài ra, một số minh chứng cho thấy những doanh nghiệp đầu tư nhiều vào đổi mới trong giai đoạn đại dịch toàn cầu vừa qua sẽ gặt hái được kết quả kinh doanh cao hơn đối thủ (Nguồn: BCG). Mặc dù đổi mới sáng tạo đang thu hút được khá nhiều sự quan tâm nhưng đây vẫn là một khái niệm khó định nghĩa, bởi ở mỗi nơi thì nó lại mang một hình thái khác. Nhưng một điều chắc chắn là rất ít doanh nghiệp muốn bị coi là đang đứng ngoài cuộc chơi đổi mới.

Việc thiếu định nghĩa cơ bản như vậy có thể là lý do khiến các doanh nghiệp vẫn còn yếu kém trong việc mở rộng quy mô đầu tư đổi mới để tạo ra giá trị cho tổ chức. Nói cách khác, ngay cả khi họ có khả năng “bắt chước” đối thủ hay tiền bối cùng ngành trong quá trình xây dựng phòng thí nghiệm hay cơ sở hạ tầng đổi mới khác, thì kết quả từ đó vẫn khác nhau đáng kể.

Bên cạnh việc cho thấy những doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho đổi mới sẽ kinh doanh tốt hơn sau giai đoạn COVID-19, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỉ lệ các công ty có khả năng mở rộng quy mô đổi mới chỉ là 20%. Từ góc độ thể chế, điều này đặt ra một câu hỏi đầy thách thức và cần được giải quyết. Dựa trên những nghiên cứu hiện có, có thể xác định ba vấn đề cốt lõi: (1) thiếu văn hóa doanh nghiệp, (2) ít coi trọng hợp tác trong và ngoài doanh nghiệp, và (3) không đánh giá cao và thiếu tuân thủ các mục tiêu của tổ chức. Nói một cách đơn giản, doanh nghiệp có chuyên môn và kiến thức kỹ thuật để đổi mới, nhưng họ thiếu năng lực lãnh đạo để điều phối, hướng dẫn và thúc đẩy các nguồn lực này nhằm đạt được mục tiêu của doanh nghiệp.