Mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị một số nước trên thế giới
Ở nước ta, khái niệm hệ thống chính trị là tương đối mới, và cho đến nay đang tồn tại nhiều cách hiểu về thuật ngữ này. Trong đó, dù không thể tách biệt một cách tuyệt đối, nổi lên hai cách hiểu chính: thứ nhất, hệ thống chính trị với tư cách là một chỉnh thể bao gồm nhà nước, hệ thống đảng chính trị và các tổ chức chính trị – xã hội,… tức là bao gồm các thể chế chính trị đang tồn tại trong thực tiễn khách quan. Theo nghĩa này, hệ thống chính trị dù lỏng lẻo và sơ khai đến đâu, cũng xuất hiện cùng với Nhà nước. Thứ hai, hệ thống chính trị với tư cách là một cách tiếp cận, công cụ phân tích khoa học về cung cách xử lý các vấn đề chính trị trong một tổ chức chính trị, tức là có tính tư duy chủ quan chủa người nghiên cứu. Theo nghĩa này, hệ thống chính trị chỉ mới được dùng và phát triển trong hơn trăm năm gần đây. Hơn nữa, tuỳ thuộc vào mục đích nghiên cứu mà mỗi trường phái lại có quan niệm khác nhau về bản chất, đặc điểm và cấu trúc của “cung cách xử lý” trên.
Với mục đích giúp bạn đọc hiểu rõ về một số hệ thống chính trị có tính chất đại diện, điển hình trên thế giới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách chuyên khảo: Mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị một số nước trên thế giới của tập thể tác giả do PGS.TS. Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm chủ biên. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài: Mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở một số nước trên thế giới (KX10-10), và là một trong 10 đề tài thuộc chương trình khoa học cấp Nhà nước, mã số KX10 về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Cuốn sách gồm có 3 chương:
Chương một: Lý thuyết chính trị, trình bày những bản chất tự nhiên của con người trong hoạt động chính trị; các thể chế chính trị phù hợp với bản chất tự nhiên của con người và sự biến đổi của các thể chế.
Chương hai: Khảo sát các mô hình hệ thống chính trị, đi sâu vào phân tích mô hình hệ thống chính trị tại các nước bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng dân chủ tự do như: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản và Malaysia; mô hình hệ thống chính trị tại các nước chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gồm đại diện các nước chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng xã hội dân chủ ở Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch,…) và đại diện các nước chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin (Nga, Trung Quốc).
Chương ba: Đánh giá chung và khuyến nghị, phần này đưa ra những đánh giá chung về các mô hình hệ thống chính trị có tính chất đại diện điển hình cho các hệ tư tưởng chính trị cũng như tiêu biểu cho các nền văn hoá và trình độ phát triển xã hội đã phân tích ở chương hai; từ đó đề xuất các khuyến nghị về việc tham khảo kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở một số nước trên thế giới trong quá trình nghiên cứu tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị nước ta, đồng thời, ứng dụng những giá trị văn minh chính trị ở các nước tư bản và tham khảo vào nước ta hiện nay.
MAI LAN