Mô hình đường sắt cao tốc nào sẽ được lựa chọn ở Việt Nam?

Đặng Tiến

  –  

Thứ bảy, 23/10/2021 07:40 (GMT+7)

Dù đã có quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, Cục Đường sắt và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn chưa có lựa chọn thống nhất về việc sẽ lựa chọn mô hình đường sắt nào để triển khai cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam . Các chuyên gia cho rằng, cần đầu tư hạ tầng một lần rồi sau đó sẽ lựa chọn công nghệ để phù hợp và không tụt hậu.

Mô hình đường sắt cao tốc nào sẽ được lựa chọn ở Việt Nam?
Mạng lưới đường sắt của Việt Nam đã quá lạc hậu. Ảnh: GT

Cần chuẩn bị nguồn nhân lực

Theo Bộ GTVT, tổng nhu cầu vốn phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt đến năm 2030 khoảng 240.000 tỉ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự kiến quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km để chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư.

Ngoài tuyến tốc độ cao Bắc – Nam, 8 tuyến còn lại gồm: Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân; Vành đai phía Đông Hà Nội; Hà Nội – Hải Phòng; Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ; Biên Hòa – Vũng Tàu; TPHCM – Cần Thơ; TPHCM – Lộc Ninh; Thủ Thiêm – Long Thành. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng mới hai đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong giai đoạn 2021- 2030 là Hà Nội – Vinh dài 281km và Nha Trang – TPHCM dài 370km.

Đường sắt cao tốc ở các nước trên thế giới hiện chạy với tốc độ 200-250km/h. Việt Nam dự kiến 10 năm nữa mới có đường sắt cao tốc nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa ra lựa chọn công nghệ và tốc độ tàu chạy.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Nguyễn Hồng Thái – Phó Trưởng khoa Vận tải Kinh tế (Trường Đại học GTVT) – cho biết, về mặt thủ tục chúng ta phải lựa chọn hình thức rồi mới tổ chức đấu thầu kỹ thuật dựa trên tính khả thi về vốn, điều kiện khai thác và nhân lực, cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng đầu máy toa xe trong quá trình vận hành, điện khí hoá và căn cứ vào nguồn nhân lực… Những vấn đề này đã được thống nhất trong quy hoạch.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thái, để thực hiện triển khai đường sắt tốc độ cao, bước đầu tiên là phải chuẩn bị nguồn nhân lực, phải đào tạo trước 4-5 năm thì mới có đội ngũ kỹ sư.

Trong dự thảo Quy hoạch đường sắt đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Bộ GTVT từng đưa ta phương án đầu tư mới đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam từ nay tới năm 2040.

Tàu chạy với tốc độ thiết kế 350km/h, chỉ chở khách. Nâng cấp đường sắt hiện hữu để chở hàng. Giai đoạn 1, từ nay đến 2032 sẽ đầu tư đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TPHCM, đưa vào khai thác năm 2030. Tổng vốn đầu tư hơn 561,5 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ KHĐT, nên bổ sung phương án nâng cấp đường sắt hiện hữu, để khai thác chung tàu hàng và tàu khách, tốc độ tàu dưới 200km/h; tổng mức đầu tư chỉ khoảng 26 tỉ USD.

Đầu tư hạ tầng một lần

Theo các chuyên gia, hệ thống đường sắt của Việt Nam hiện nay so với thế giới rất lạc hậu. Do đó việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại là yêu cầu tất yếu.

Bộ GTVT cho biết, khi lựa chọn phương án xây dựng tuyến đường sắt trị giá 58,7 tỉ USD thay vì 26 tỉ USD với vận tốc 200km/h như kiến nghị của Bộ KHĐT, Bộ GTVT đã tính phương án lâu dài để nâng tốc độ lên 350 km/h.

Việc nâng cấp đường sắt hiện hữu lên đường đôi, khổ ray 1.435mm, sẽ gặp nhiều khó khăn vì như vậy là gần như là xây mới. Chi phí giải phóng mặt bằng lớn, do đường sắt hiện hữu đi qua nhiều đô thị.

Ngoài ra, việc khai thác chung tàu khách và hàng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, hiệu quả không cao và không phù hợp xu hướng thế giới. Bộ GTVT dẫn báo cáo của tư vấn tính toán, nếu nâng cấp đường sắt như của Bộ KHĐT cần vốn đầu tư khoảng 40 tỉ USD.

Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho rằng, đầu tư đường sắt tốc độ cao quan trọng không phải giá trị vốn đầu tư bao nhiêu mà hiệu quả của dự án thế nào để quyết định đầu tư. Nếu hiệu quả đầu tư lớn thì vẫn phải thực hiện.

VNR cho rằng, tốc độ cao được chia làm 2 quy mô là tốc độ từ 300km trở lên và từ 180km đến 220km/h, khi cần thiết có thế nâng tốc độ lên cao và không bị tụt hậu.

Quan điểm của VNR là đầu tư hạ tầng chỉ một lần, công nghệ sẽ phụ thuộc vào hạ tầng để đầu tư. Do đó, hạ tầng trước mắt sẽ đầu tư từ 300km – 350km/h, còn lại từ mặt ray trở lên (đầu máy, toa xe…) có thể sử dụng ở công nghệ từ 180km – 220km/h.

Theo phương án hiện nay sẽ đầu tư 2 tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – Vinh và Sài Gòn – Nha Trang, nhưng đường sắt mong muốn cần phải làm từ Hà Nội đến Đà Nẵng, vì đây là 2 đầu mối trung tâm nối kinh tế và du lịch kéo dài thành một chuỗi.

Các chuyên gia giao thông đánh giá, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao là dự án đầu tư có tính lan tỏa, tạo sự thúc đẩy cho phát triển nhiều ngành như cơ khí, phát triển công nghệ cao. Khi triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao phải tính đến tương lai khi đất nước phát triển để có căn cứ huy động nguồn lực. Khi đã đưa vào chương trình đầu tư công sẽ có nhiều cách thức huy động từ ngân sách, vay ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ.

Hiện nay với tốc độ chạy tàu khoảng 80km/h (19 tiếng chạy từ ga Hà Nội thì 11h hôm sau đến Đà Nẵng), nếu tàu chạy tốc độ từ 180km – 220km/h, với đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hoá thì Hà Nội đi Đà Nẵng chỉ mất 1/4 thời gian.