Mô hình đạt giải nhất:Đề tài giải nhất năm 2022: Chậu hoa thân thiện với môi trường từ vỏ lạc và vỏ trấu
Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Nghệ An do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ, Sở Giáo dục và đào tạo và Tỉnh đoàn tổ chức đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và trở thành phong trào thu hút đông đảo các thí sinh ở cả ba độ tuổi thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của các huyện, thị, thành trong tỉnh tham gia. Nhiều mô hình, sản phẩm xuất phát từ thực tế cuộc sống, học tập và vui chơi hằng ngày của các em, đặc biệt có khả năng áp dụng rộng rãi vào đời sống.
Bảo vệ môi trường, tái sử dụng rác thải nói chung và tàn dư nông nghiệp nói riêng đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Nghệ An năm học 2021 – 2022, có nhiều ý tưởng sáng tạo các sản phẩm thân thiện với môi trường đang được xây dựng và triển khai với sự tham gia của mọi đối tượng, lứa tuổi. Đến với cuộc thi lần này, nhóm tác giả Trần Nguyên Cường, Nguyễn Thái Hoàng Anh, Lê Đức Hoàng học sinh Trường THCS Giang Sơn, Đô Lương, Nghệ An đã dự thi với tác phẩm “Chậu hoa thân thiện với môi trường từ vỏ lạc và vỏ trấu”. Việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu và tái sử dụng, tái chế rác thải đang trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ góp phần thiết thực bảo vệ môi trường sống. Với tính sáng tạo vô cùng hiệu quả và khả năng áp dụng của sản phẩm, ý tưởng này đã đạt giải Nhất tại cuộc thi năm nay.
Nguyên liệu chính tạo ra sản phẩm bao gồm: Vỏ lạc, vỏ trấu, mút xốp và xăng sinh học E5 cụ thể: Vỏ lạc gồm có các thành phần như: chất xơ, nước, protein, lipit, gluxit, đạm, lân, kali. Vỏ trấu bao gồm: cacbon, hidro,oxy, nito, solic, natri, lưu huỳnh, photpho, canxi, sắt, magie. Mút xốp là một loại nhựa dạng bọt được tạo thành từ hai loại chất lỏng chính là Polyol và hỗn hợp các chất Polymethylene, Polyphynyl, isocyanate. Xăng sinh học E5 là loại xăng an toàn cho động cơ xe và môi trường. Xăng được tạo nên từ việc pha trộn xăng A92 với các nhiên liệu sinh học bio-ethanol theo tỷ lệ 95:5. Mút xốp tan trong xăng sinh học E5 sẽ tạo ra keo dính có tính gắn kết với độ bền cao. Tuy nhiên, vừa để đảm bảo an toàn môi trường, vừa đảm bảo tính kết dính, dùng tỷ lệ pha 80:20 giữa xăng A92 với nhiên liệu sinh học bio-ethanol, tạo nên xăng E20. Kết hợp vỏ trấu, vỏ lạc với keo dính từ mút xốp và xăng sinh học E20 để tạo ra sản phẩm chậu hoa thân thiện với môi trường.
Các bước tiến hành bao gồm:
Bước 1: Tìm kiếm nguyên liệu
Nguyên liệu để làm sản phẩm, bao gồm vỏ lạc, vỏ trấu, xốp, xăng sinh học và khuôn đúc chậu đảm bảo tỷ lệ vỏ lạc 1kg; vỏ trấu 1,5kg; xốp 1kg; 0,4 lít xăng A92 ; nhiên liệu sinh học bio-ethanol 0,1 lít. Đây là tỷ lệ tối ưu đảm bảo an toàn môi trường và đảm bảo độ kết dính tốt.
Vỏ trấu, vỏ lạc được làm sạch. Xốp làm vỡ vụn hòa tan trong xăng sinh học E20 tạo thành keo kết dính.
Bước 2: Đổ xăng vào mút xốp để tạo thành dạng keo lỏng
Bước 3: Trộn hỗn hợp vỏ lạc, vỏ trấu và keo lại với nhau
Bước 4: Cho hỗn hợp vào khuôn rồi tạo hình ( nén bằng thủ công)
Bước 4: Cho hỗn hợp vào khuôn rồi tạo hình ( nén bằng thủ công)
Bước 5: Tách chậu ra khỏi khuôn.
Sau khi hoàn thiện, nhóm nghiên cứu tiếp tục sơn màu giúp chậu hoa có màu sắc đa dạng và giữ được độ bền trước các điều kiện của thời tiết.
Sản phẩm có nhiều ưu điểm như sau:
–
Chậu hoa từ vỏ lạc và vỏ trấu là s
ản phẩm dễ làm, dễ sử dụng, nhẹ nhàng, giá thành thấp, thân thiện với môi trường, nguyên liệu có sẵn và phong phú ở địa phương, có thể thay thế một phần các sản phẩm nhựa và xi măng hiện nay.
– Chậu hoa có thể được sử dụng để trồng cây, trồng hoa, treo hoặc để trên trên giá, trên mặt đất, trong nhà hoặc ngoài trời.
– Chậu hoa từ vỏ lạc và vỏ trấu thông thoáng,giữ ẩm tốt cho cây.
– Tính chịu lực tốt: với chậu hoa đường kính 20cm, cao 12cm, dày 1,5cm chịu được vật nặng 26kg tương đương với lực tác động 260N, không có hiện tượng méo xệch. Cho chậu hoa rơi tự do với độ cao từ 2m: không có hiện tượng vỡ như chậu nhựa, chậu sứ.
Chậu hoa từ vỏ lạc, vỏ trấu nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu rác thải vốn có ở địa phương, đồng thời tạo ra được sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn khắc phục được các nhược điểm như: khó thoát nước, không thoáng khí, dễ giòn, nứt, nặng, giá thành cao của các loại chậu sứ, nhựa và xi măng.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhiều lần để có sản phẩm theo ý muốn, tiến hành trồng hoa ở nhiều vị trí khác nhau để kiểm tra chất lượng của sản phẩm. Một số chậu hoa được trồng trong vườn hoa nhà trường để nhóm nghiên cứu tiện theo dõi quá trình cây phát triển, độ bền, khả năng giữ ẩm của chậu. Ngoài ra sản phẩm cũng được thử nghiệm ở 10 gia đình trồng hoa ở địa phương để lấy ý kiến phản hồi của người dân và đều nhận được phản hồi tốt.
Sản phẩm có nhiều ưu điểm, chi phí thấp, an toàn với môi trường, có thể đề xuất một quy trình sản xuất quy mô để sản phẩm được sử dụng rộng rãi. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu, phát triển đa dạng về hình dạng, mẫu mã, nâng cao chất lượng để có một sản phẩm hoàn thiện nhất, tiến tới nhân rộng mô hình ở các cơ sở sản xuất chậu hoa, cây cảnh, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế./.