Mô hình chủ nghĩa xã hội
(LLCT) – Khái niệm “mô hình” có khả năng diễn đạt tinh thần thực tiễn, tính chất năng động và cả khả năng bổ sung, phát triển, điều chỉnh của quan niệm về CNXH. Thành tựu của thực tiễn đổi mới và của quá trình phát triển tư duy lý luận về CNXH hiện nay đã xác nhận khái niệm mô hình CNXH, vì vậy trong các văn kiện của Đảng và trong nghiên cứu lý luận, nên sử dụng khái niệm mô hình CNXH rộng rãi hơn.
Khi nói tới mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) là để trả lời câu hỏi: quan niệm như thế nào về CNXH, hay CNXH là gì? Mô hình CNXH là phạm trù để chỉ quan niệm về chế độ kinh tế – chính trị – xã hội được xây dựng theo nguyên tắc của CNXH khoa học và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng quốc gia. Nó bao gồm những đặc trưng về kinh tế, chính trị xã hội, văn hóa tư tưởng… theo đó, bản chất của CNXH dần được hoàn chỉnh và bộc lộ ra các đặc điểm ưu việt. Quan niệm về mô hình CNXH thế nào thể hiện nhận thức của Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở mỗi nước về xã hội sẽ xây dựng. Quan niệm về mô hình CNXH, theo đóliên quan trực tiếp đến hiệu quả, thậm chí thành – bại trong xây dựng CNXH. Quan niệm chưa đúng đắn thì hành động chưa thể đạt kết quả.
Các nhà kinh điển mácxít rất quan tâm tới vấn đề này.
C.Mác từng phê phán những sai lầm của các nhà CNXH không tưởng về mô hình xã hội tương lai, như phê phán quan niệm mang nhiều ảo tưởng về mô hình XHCN của công nhân Pháp trong “Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 – 1850”, “Nội chiến ở Pháp”, quan niệm sai lầm về chủ nghĩa cộng sản của Látxan trong “Phê phán Cương lĩnh Gôta”… Còn Ăngghen đã phê phán về “bệnh phóng họa lịch sử”, xa rời “mảnh đất hiện thực” của những người cộng sản khi quan niệm về CNXH. Bản thân Người cũng thừa nhận: “Lịch sử đã chứng minh rằng chúng tôi cũng đã phạm sai lầm, lịch sử đã vạch ra rằng quan điểm của chúng tôi lúc bấy giờ là một ảo tưởng. Lịch sử lại còn đi xa hơn thế nữa: lịch sử không những đã đánh tan sai lầm hồi bấy giờ của chúng tôi mà còn hoàn toàn đảo lộn những điều kiện trong đó giai cấp vô sản đang phải chiến đấu… và đó là một điểm đáng được nghiên cứu tỷ mỷ hơn nữa”(1). Và để tránh điều đó, Ph.Ăngghen yêu cầu: “Ngày nay vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của nó”(2).
V.I.Lênin cũng đã có nhiều phê phán về bệnh ấu trĩ tả khuynh, sự nóng vội, quan điểm biệt phái… trong xây dựng CNXH của những người Bônsêvích, của phái “Văn hóa vô sản” (Proletcult)…
Thực tế của CNXH trong vài thập niên gần đây cũng xác nhận tầm quan trọng chiến lược của việc đổi mới tư duy để nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về mô hình CNXH. Thành tựu và những vấn đề đặt ra trong cải cách, đổi mới cũng luôn đòi hỏi chủ thể của tư duy chiến lược phải coi việc tiếp tục hoàn thiện nhận thức về mô hình CNXH là công việc thường xuyên và cấp bách.
Mô hình CNXH là sản phẩm của tư duy chiến lược mà chủ thể hàng đầu là Đảng Cộng sản – người lãnh đạo sự nghiệp xây dựng CNXH. Khả năng điều chỉnh mô hình CNXH tùy thuộc vào hoạt động thực tiễn và năng lực tư duy lý luận của các Đảng Cộng sản. Nhu cầu của thực tiễn mỗi nước, đặc điểm của bối cảnh thời đại, sự kiểm chứng hiệu quả thực tiễn của sự nghiệp xây dựng CNXH hiện thực, việc trao đổi và học tập, kế thừa kinh nghiệm giữa các Đảng Cộng sản là những nhân tố thực tiễn thúc đẩy điều chỉnh mô hình.
Thực tế xây dựng CNXH còn chỉ ra một vấn đề có tính quy luật là có thể có nhiều mô hìnhCNXH cho các quốc gia khác nhau và một mô hình cũng có thể điều chỉnh nhiều lầntrong quá trình hiện thực hóa. Năng lực tư duy lý luận của các Đảng Cộng sản là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng và điều chỉnh mô hình CNXH, bao gồm: khả năng nhận biết cái mới hoặc sự bất cập trong quá trình hiện thực hóa mô hình; sự nhạy cảm với những yếu tố thay đổi của điều kiện, khả năng điều chỉnh hành động và biết giữ vững nguyên tắc trong việc tìm kiếm mô hình hoặc thay đổi biện pháp thực hiện mô hình… Ngoài ra, ý chí chính trị, sự kiên định, đồng thuận xã hội với mô hình đã định cũng là những nhân tố được thực tiễn khẳng định có vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa mô hình CNXH.
Mô hình CNXH trên thế giới cũng đã trải qua nhiều chặng phát triển. Từ mô hình mang tính đơn nhất là CNXH kiểu Liên Xô – được áp dụng khá phổ biến và ít biến thể vào nhiều quốc gia, thông qua cải cách đổi mới, đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, song vẫn mang tính chất XHCN như mô hình CNXH đặc sắc Trung Quốc, mô hình CNXH của Việt Nam, mô hình CNXH kiểu Cu ba, mô hình CNXH ở Lào… Theo đó, lý luận về CNXH cũng ngày một đầy đủ và phù hợp thực tế hơn. Sự xuất hiện các mô hình CNXH thời kỳ cải cách, đổi mới vừa khẳng định sức sống của CNXH, vừa là thành tựu lý luận quan trọng bậc nhất của CNXH hiện thực hiện nay.
Trong thực tiễn nghiên cứu lý luận CNXH ở Việt Nam, khái niệm mô hình theo nghĩa trên được sử dụng rộng rãi và khá thống nhất về nội hàm, tuy vậy, trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, khái niệm mô hình CNXH ở Việt Nam chưa thấy được sử dụng. Thay vào đó là những khái niệm tương đương để phản ánh quan niệm về “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng” (Cương lĩnh 1991, Cương lĩnh 2011) “quan niệm về chủ nghĩa xã hội” hoặc các “đặc trưng” của CNXH ở Việt Nam…
Khái niệm “mô hình” có khả năng diễn đạt tinh thần thực tiễn, tính chất năng động và cả khả năng bổ sung, phát triển, điều chỉnh của quan niệm về CNXH. Thành tựu của thực tiễn đổi mới và của quá trình phát triển tư duy lý luận về CNXH hiện nay đã xác nhận khái niệm mô hình CNXH, vì vậy trong các văn kiện của Đảng và trong nghiên cứu lý luận, nên sử dụng khái niệm mô hình CNXH rộng rãi hơn.
_______________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2015
(1) C.Mác – Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22 , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.758.
(2) C.Mác – Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.305.
PGS, TS NGUYỄN AN NINH
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh