Mô hình 5E trong đào tạo

Mô hình 5E trong đào tạo

Mô hình 5E tên viết tắt của 5 từ bắt đầu bằng chữ E trong tiếng Anh: Engage (Gắn kết), Explore (Khảo sát), Explain (Giải thích), Elaborate (Áp dụng), và Evaluate (Đánh giá). Đây là mô hình đào tạo khá phổ biến ở những quốc gia đang và đã áp dụng phương pháp dạy học thông minh này. Trong mô hình 5E, học sinh dựa trên những kiến thức, kinh nghiệm đã biết để xây dựng nên những kiến thức mới.

1. Mô hình đào tạo 5E

 
5E viết tắt của 5 từ bắt đầu bằng chữ E trong tiếng Anh đó là: Engage (Gắn kết), Explore (Khảo sát), Explain (Giải thích), Elaborate (Củng cố) và Evaluate (Đánh giá). Trên thế giới, mô hình đào tạo 5E được áp dụng khá phổ biến. Mô hình 5E được xây dựng dựa trên các mô hình dạy học đã có từ rất lâu trước đó, đồng thời kết hợp với các nghiên cứu thực nghiệm đã được chứng minh trong thực tiễn. Mục đích của mô hình này nhằm tạo ra không gian và thời gian để người học có thể tự xây dựng các khái niệm một cách vững chắc và ứng dụng nó trong những hoàn cảnh cụ thể một cách có trình tự và hệ thống theo đúng tinh thần của học thuyết kiến tạo.
 

2. Đặc điểm của mô hình 5E:

 
Mô hình đào tạo 5E gồm 5 giai đoạn và có những đặc điểm chính như sau:
 
– Gắn kết (Engagement)

+) Trong giai đoạn đầu của chu kỳ học tập, gaingr viên tìm hiểu nhanh về các kiến thức đã biết của học sinh liên quan đến chủ đề bài học. Điều quan trọng là khuyến khích quan tâm đến các khái niệm sắp tới để học sinh sẵn sàng tìm hiểu.
 
+) Giáo viên có thể gợi ý học sinh đặt câu hỏi mở hoặc ghi lại những gì họ biết về chủ đề. Thông qua các hoạt động đa dạng, giáo viên thu hút sự chú ý và quan tâm của học sinh, tạo không khí hào hứng trong lớp học, học sinh cảm thấy có sự liên hệ và kết nối với những kiến thức hoặc trải nghiệm trước đó.
 
+) Giai đoạn này cho phép học sinh gắn kết, liên hệ lại với các trải nghiệm và quan sát thực tế mà các em đã trải qua. Trong bước này, các khái niệm mới cũng sẽ được giới thiệu cho các em.
 
– Khảo sát (Exploration)
 
+) Trong giai đoạn này, học sinh được chủ động khám phá các khái niệm mới thông qua các trải nghiệm học tập cụ thể. Giáo viên cung cấp những kiến thức hoặc những trải nghiệm mang tính cơ bản, nền tảng, dựa vào đó các kiến thức mới có thể được bắt đầu.
 
+) Học sinh sẽ trực tiếp khám phá và thao tác trên các vật liệu hoặc học cụ đã được chuẩn bị sẵn. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh thực hiện các hoạt động như quan sát, làm thí nghiệm, thiết kế, thu số liệu.
 
– Giải thích (Explanation)
 
+) Giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tổng hợp kiến thức mới và đặt câu hỏi nếu họ cần làm rõ thêm. Giáo viên tạo điều kiện cho học sinh được trình bày, miêu tả, phân tích các trải nghiệm hoặc quan sát thu nhận được ở bước khảo sát.
 
+) Giáo viên có thể giới thiệu các thuật ngữ mới, khái niệm mới, công thức mới, giúp học sinh kết nối và thấy được sự liên hệ với trải nghiệm trước đó. Để giai đoạn này hiệu quả thì giáo viên nên yêu cầu học sinh chia sẻ những gì mà các em đã học được trong giai đoạn khảo sát trước khi giới thiệu thông tin chi tiết một cách trực tiếp hơn.
 
– Củng cố (Elaborate)
 
+) Giai đoạn này tập trung vào việc tạo cho học sinh có được cơ hội áp dụng những gì đã học được. Giáo viên giúp học sinh thực hành và vận dụng các kiến thức đã học được ở bước Giải thích, giúp học sinh đào sâu hơn các hiểu biết, khoé léo hơn các kỹ năng, và có thể áp dụng được trong những tình huống và hoàn cảnh đa dạng khác nhau. Điều này giúp các kiến thức trở nên sâu sắc hơn.
 
+) Giáo viên có thể yêu cầu học sinh trình bày chi tiết hoặc tiến hành khảo sát bổ sung để củng cố các kỹ năng mới. Giai đoạn này cũng nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức trước khi đánh giá thông qua các bài kiểm tra.
 
– Đánh giá (Evaluation)
 
+) Mô hình dạy học 5E cho phép đánh giá chính thức (dưới dạng các bài kiểm tra) và phi chính thức (dưới dạng các câu hỏi nhanh). Trong giai đoạn này giáo viên có thể quan sát học sinh thông qua các hoạt động nhóm nhỏ hoặc nhóm lớn để xem tự tương tác trong quá trình học. Cũng cần lưu ý là học sinh thường tiếp cận vấn đề theo cách mà các em học được, nghĩa là nếu tăng cường đa dạng hoạt động dạy học và đánh giá, học sinh sẽ hiểu vấn đề được nhiều mặt hơn.
 
+) Các yếu tố hữu ích khác của giai đoạn đánh giá bao gồm tự đánh giá, bài tập viết và bài tập trắc nghiệm, hoặc các sản phẩm. Ở đây giáo viên sẽ linh hoạt sử dụng các kỹ thuật đánh giá đa dạng để nhận biết quá trình nhận thức và khả năng của từng học sinh, từ đó đưa ra các phương hướng điều chỉnh và hỗ trợ học sinh phù hợp, giúp học sinh đạt được các mục tiêu học tập như đã đề ra.
 

3. Tính hiệu quả của mô hình dạy học 5E

 
Mô hình đào tạo 5E trở thành một công cụ hữu hiệu giúp cho cả người học và người dạy đều cảm thấy tiếp nhận bài học có tính hệ thống, liền mạch, có cơ hội phát triển theo tâm lý tự khám phá và kiến tạo kiến thức:
 
– Hiệu quả mô hình 5E đối với học viên:
 
+) Các học viên cảm thấy dễ nhớ các kiến thức và bài học hơn khi được học theo mô hình 5E.
+) Mô hình này còn giúp tăng đáng kể kết quả học tập và duy trì tính kết nối giữa các bài học khoa học.
 
– Hiệu quả mô hình 5E đối với giảng viên:
 
+)  Giúp cho giảng viên chuẩn bị bài giảng trở nên đơn giản hơn và có tính hệ thống hơn, giúp tạo được những hoạt động đa dạng cho học sinh trải nghiệm.
 
+) Quy trình dạy học này giúp giáo viên giảm được thời lượng dạy quá nhiều lý thuyết mà thay vào đó tạo ra các hoạt động thực hành và khám phá. Điều đó có nghĩa là mô hình này thúc đẩy triết lý lấy học sinh làm trung tâm. Vai trò của giảng viên viên chính là tạo ra môi trường học tập trải nghiệm giúp học viên từng bước khám phá kiến thức mới dựa trên các kiến thức đã biết trước đó.
 
+) Mô hình 5E cũng giúp giảng viên cảm thấy hào hứng với bài dạy, các nội dung được triển khai được dễ dàng và thuận lợi hơn, đặc biệt tránh được các tình huống như bỏ sót kiến thức hay các hoạt động trải nghiệm.
 
+) Mô hình 5E mang lại cho giáo viên một cách nhìn hệ thống và toàn diện, giúp ích trong việc triển khai các nội dung đa dạng khác nhau.
 
+) Mô hình 5E giúp cho giảng viên viên tìm được trọng tâm của bài học và dẫn dắt học viên tiến hành được các bước một cách có hệ thống
 

4. Những cải tiến và ứng dụng mô hình trong tương lai

 
Những năm gần đây mô hình 5E được đổi mới liên tục nhưng tinh thần các bước 5E vẫn được giữ nguyên. Chẳng hạn như nhiều nhóm nghiên cứu đã đề xuất phương pháp 7E, trong đó thêm 2 bước đó là: Khơi gợi (Elicit) và Mở rộng (Extend). Đối với một số môn công nghệ đòi hỏi nhiều thực hành thì phương pháp 5E được cải tiến thành mô hình EPD-5E. Trong mô hình này yếu tố công nghệ (EPD-Engineering process design) được đặc biệt quan tâm.
 
Với việc áp dụng mô hình 5E cũng như các cải tiến của nó trong những điều kiện cụ thể, tạo ra khoảng thời gian cho người học được tự suy ngẫm với các kiến thức được học. Nhờ vậy, các kỹ năng tư duy của người học được phát triển tốt hơn
 

5. Những điều cần lưu ý về mô hình dạy học 5E

 
+) Mô hình 5E nên được thiết kế trong một đơn vị từ 2 – 3 tuần, trong đó mỗi giai đoạn có thể là một hoặc vài buổi. Vì nếu áp dụng mô hình 5E này làm cơ sở cho một bài học hoặc trong một buổi học sẽ hạn chế các hoạt động khám phá, sự hứng thú của học viên và gây nhiều áp lực cho giảng viên đưng lớp.
 
+) Không nên bỏ qua một giai đoạn nào hoặc thay đổi trật tự trong mô hình 5E, Điều này sẽ làm cho học viên cảm thấy bài học rời rạc và ít liên hệ với các kiến thức đã học trước đó.
 
+) Khi áp dụng mô hình 5E giáo viên phải linh hoạt trong bước đánh giá, Nên kết hợp các đánh giá quá trình, và đánh giá tổng kết, bước đánh giá không nhất thiết phải ở cuối cùng của chu trình học, mà có thể được thực hiện đồng thời song song với các bước khác.
 
+) Khi áp dụng mô hình 5E này trong các bài dạy của mình, giáo viên cần xây dựng các hoạt động chi tiết, bám sát các mục tiêu và tiêu chí đề ra của từng giai đoạn trong chu trình học.
 
Tóm lại, mô hình đào tạo 5E là một cách tiếp cận có hệ thống, dựa trên các lý thuyết giáo dục và nghiên cứu thực nghiệm, giúp phát huy vai trò trung tâm của người học. Theo đó, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở và tạo các cơ hội cho học sinh được tiếp cận các khái niệm, các bước được tiến hành tuần tự và có kế thừa. Tính hệ thống và liên tục của mô hình 5E giúp phát triển đồng thời kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học.