Miền đất hươu sao
TP – Nghề nuôi hươu đã có truyền thống lâu đời ở vùng đất Hương Sơn- Hà Tĩnh quê tôi. Đối với con hươu sao, tôi gần gũi và quen thuộc nó như trẻ con đồng bằng bắc bộ chơi thân với con trâu, con bò suốt những năm tháng tuổi thơ.
Dòng họ nhà tôi vốn ở Nam Đàn- Nghệ An, khoảng đầu thế kỷ mười chín mới di cư sang vùng Hương Sơn – Hà Tĩnh. Vì di cư sau nên cơ bản vùng thấp, vùng trồng được cây lúa nước thì đã có chủ hết rồi nên ông cố nội phải dắt cả nhà vào tận chân núi Ba Mụ nằm trên dãy Trường Sơn sát với biên giới nước Lào dựng trại, phát rừng làm rẫy kiếm kế sinh nhai.
Ngày đó chắc chắn rằng vùng núi phía tây Hà Tĩnh nơi cố nội tôi hạ trại còn hoang vu và âm u lắm. Từ cái âm u của núi rừng đó nên đã có biết bao câu chuyện được kể truyền lại đến nay cho con cháu, trong đó kể nhiều nhất vẫn là chuyện hươu sao (và hổ). Nhưng hổ thì nay gần như biến mất, chỉ còn lại hươu.
Huyền thoại hươu
Có một số tài liệu viết rằng ở Việt Nam, việc chăn nuôi thuần dưỡng hươu sao chỉ mới xuất hiện vào những năm 1920, 1930. Năm 1979, trong một lần theo ông nội đi cắt nhung hươu tôi đã hỏi ông là con hươu sao có từ ngày nào ở vùng Hương Sơn này, ông nội nói: “Không biết, khi ông sinh ra đã thấy người ta nuôi hươu sao trong chuồng”.
Những năm tuổi trẻ ông tôi đi rừng thỉnh thoảng vẫn thấy hươu rừng, nhiều khi còn nhặt được gạc hươu đưa về làm mắc treo áo. Thỉnh thoảng phường săn họ bắn hoặc bẫy được hươu sao về làm thịt cho cả làng ăn, nhung thì sấy khô làm thuốc bồi bổ cho người già.
Ngày cố nội tôi còn sống vào rừng làm rẫy trồng lúa thường bị hươu kéo hàng đàn về phá, đêm nào cũng phải có người ra rẫy ngủ để canh.
Ngày ông ngoại tôi còn sống, đã có lần tôi hỏi: “Nghề nuôi hươu sao ở quê mình có từ bao giờ hở ông?”. Ông nhìn tôi cười rồi lắc đầu.
Năm đó ông đã chín mươi tuổi. Tưởng ông già, lẫn nên không thể nhớ, nhưng trong một mùa cắt nhung hươu, ông kể: “Khi ông lớn lên đã biết trong làng mình có con hươu sao nhưng chưa được thấy bao giờ và nhà ai có hươu thì cũng cứ thực thực hư hư không biết được.
Những nhà có hươu thường là nhà giàu, kín cổng cao tường. Nghe nói hươu nhát người lắm nên quanh năm suốt tháng cũng chỉ nhốt trong chuồng, cấm người lạ đến xem. Năm cải cách, chia phần cho người nghèo, ông được người ta chia cho nuôi một con hươu đực, nhưng rồi không biết nuôi, cho ăn lung tung nó chết mất”.
Ông ngoại tôi cũng không biết là nghề nuôi hươu ở quê tôi có tự bao giờ. Tôi cũng đã đi hỏi nhiều người già trong làng. Họ cũng không biết, chỉ trả lời là lâu lắm rồi, lâu như của trời cho thì biết vậy.
Hươu sao vốn nhát người, vũ khí tự vệ duy nhất của hươu có lẽ là tính nhanh nhẹn của chân, thính nhạy của tai và mũi, nên việc săn hươu cũng khó, chỉ cần đi không khéo, chân giẫm phải cành khô gãy là hươu đã phát hiện ra và chạy mất không thể bắn được.
Hươu rất tinh mũi, nếu người thợ săn đi phía trên hướng gió thì dù cách xa hàng kilômét hươu cũng phát hiện được và chạy vào rừng. Chính vì vậy mà dùng súng chẳng mấy khi bắn được hươu.
Sự thính nhậy của hươu còn phải kể đến vị giác, không ai bẫy bằng mồi mà bắt được hươu mặc dù hươu rất thích ăn các loại hạt ngũ cốc. Hươu thích ăn lạc, nhiều lần tôi đã thử khi cho hươu ăn lạc, nhón lấy một hạt ngậm trong miệng rồi bỏ chung vào trong rổ, điều kì lạ là hươu sẽ ăn hết tất cả lạc trong rổ chỉ còn trừ lại đúng hạt lạc mà con người đã ngậm vào.
Các loại trái như mít non, chuối hay bắp chuối, hươu cũng đều rất thích ăn, nhưng nếu lấy chiếc dao vừa thái thịt để thái trái mít non cho hươu ăn thì hươu sẽ không ăn. Hươu thích ăn cơm nhưng nếu bát đựng cơm có dính nước mắm hay mùi tanh của cá thì hươu không hề đụng tới.
Người ta thường săn hươu vào mùa xuân là mùa hươu đực có nhung, cũng là mùa giao phối của hươu. Không phải khi có bạn tình hươu mụ mị mà quên đi chuyện bảo vệ tính mạng của mình. Mà chính là do cặp nhung trên đầu của hươu đực.
Nhung khi mới lên đang còn non, có màu hồng và mềm như một cục thịt thừa. Khi ấy chỉ cần va chạm mạnh là nhung sẽ bị giập nát. Chính vì vậy mà mùa có nhung hươu, đực thường rất hiền, chúng chẳng thể đánh nhau, tranh giành hươu cái như độ mùa đông.
Để giữ cho cặp nhung non trên đầu, mỗi khi chạy hươu đực thường vác đầu ngửa mặt lên trời. Đây là thời điểm thích hợp nhất để săn hươu. Phường săn được lập khoảng chục người, ban đầu họ tiếp cận đàn hươu từ hướng dưới gió, làm sao được gần nhất, sau đó xua đàn hươu về phía rừng rậm có nhiều cây dây leo và những cái hố đào sẵn, những chiếc bẫy rút, bẫy chùm.
Hươu chạy vào đó do có cặp nhung trên đầu kềnh càng nên không thể chạy nhanh, cặp nhung càng dài thì càng có nguy cơ bị cành cây, dây leo cản lối, nên thường bị bắn hoặc bị sập bẫy, rơi xuống những cái hố đào sẵn mà bị bắt.
Chỉ có cách đó mới bắt được hươu chứ thực chất đi săn để rình bắn hươu thì gần như là chuyện không tưởng, kể cả hổ báo cũng chẳng mấy khi bắt được những con hươu khỏe mạnh.
Hươu sao thường sống ở trảng cỏ, rừng thưa có nhiều cỏ, lá non và gần nguồn nước. Độ cao thường không quá 500 m. Hươu sao thường sống thành đàn 3 – 5 con, có khi hàng chục con. Hương Sơn là huyện miền núi phía tây Hà Tĩnh, dưới chân dãy Trường Sơn giáp biên giới Việt – Lào có đầy đủ điều kiện tự nhiên để hươu sao sinh sống.
Gập ghềnh nghề nuôi hươu
Ngày tôi lớn lên thì không thấy nhà nào trong làng nuôi hươu nữa. Khi bắt đầu biết bơi, chúng tôi thường bơi qua sông Ngàn Phố chỗ con sông Con hợp dòng để sang trại hươu xem hươu. Sang đó tôi được nghe khá nhiều chuyện hài hước về hươu.
Chuẩn bị lấy nhung hươu.
Ngày đó quê tôi chưa có điện lưới thắp sáng, đường đi lối lại cũng đang còn cách trở nhiêu khê lắm, có thể nói đó là điều kiện lý tưởng cho những nhóm ăn trộm vặt. Khốn nỗi làng cũng chả có gì hơn ngoài nải chuối, buồng cau nên một ngày đẹp giời có một nhóm rủ nhau trèo vào trại hươu trộm hươu con.
Chẳng biết họ tiến hành như thế nào nhưng đúng là trại có mất hươu, công an về điều tra không ra, cuối cùng nhờ một vụ ghen tuông mới tìm ra thủ phạm.
Số là người vợ thấy chồng lâu ngày không thăm hỏi gì đến mình, tức khí mới làm um lên, cứ tưởng chồng có cơ sở hai. Khi không còn biết thanh minh thanh nga như thế nào nữa, người chồng mới trưng cái của quý bị sưng chù vù lên cho vợ xem. Thì ra, anh chồng cùng đồng bọn mò vào trại trộm hươu, không may bị hươu đá vào chỗ hiểm. Công an khi đó mới lần ra được thủ phạm.
Sau ngày Đổi Mới, xóa bỏ hợp tác xã lại đúng lúc những người đi xuất khẩu lao động hết hợp đồng về nước. Những người đi lao động nước ngoài về có đồng tiền trong tay nhưng không biết đầu tư vào đâu, làm việc gì. Nhìn quanh quất thấy quê hương chỉ có con hươu sao là độc đắc, là đáng đầu tư nên họ đổ xô đi mua hươu làm giống.
Nhiều người mua trong khi giống hươu có hạn nên hươu cái mới ba tháng tuổi bị đẩy giá lên cao tót vời những 50 – 55 triệu đồng một con (thời điểm năm 1987 đến 1990, năm mươi triệu đồng có thể mua được một ngôi nhà ở Hà Nội). Người dân Hương Sơn đảo điên trong vòng xoáy của thị trường.
Có gia đình đã bán đi ngôi nhà lim năm gian chỉ để chung nhau mua được có một chân hươu. Có vị cán bộ to sắp đến ngày nghỉ hưu nhưng tự nguyện xin được nghỉ một cục để lấy tiền mua hươu. Có không ít gia đình đã gán vợ đợ con để lao theo vũ điệu hấp dẫn của hươu sao.
Rồi tai họa đã gõ cửa nhiều gia đình ở Hương Sơn. Giá hươu khi bị thổi lên tới đỉnh liền vội vã tụt xuống tới đáy kéo theo bi kịch của bao gia đình.
Khi hươu đã tụt đáy như vẫn tiếp tục gây tai nạn. Có không ít trọc phú mới nổi muốn khẳng định mình liền mua cả cặp nhung hươu mới nhú mơn mởn về bỏ vào nồi nấu cháo ăn một mình, hay làm thịt cả con hươu để uống tiết, đánh tiết canh…; cuối cùng, bổ béo đâu không thấy, chỉ thấy người ngợm trương lên và nứt nẻ, chảy nước vàng. Nhiều người chết chỉ vì bổ quá.
Bây giờ thì hươu sao đã được trả về đúng vị trí của nó. Nó cũng bình đẳng như những vật nuôi khác trong gia đình. Từ khi hươu sao được trả về với giá trị thực của nó, người dân Hương Sơn đã xem nuôi hươu sao là một nghề bình đẳng với những nghề khác trong huyện.
Hươu sao chủ yếu ăn lá, cỏ và thân cây như đỗ, lạc, ngô… nên không phải bỏ vốn nhiều trong việc chăn nuôi. Chỉ về mùa nhung, người chăn nuôi mới phải cho hươu đực ăn thêm chất tinh để hươu đổ đế, lên nhung được to hơn, cân nặng hơn.
Chính vì vậy mấy năm gần đây ở Hương Sơn nghề nuôi hươu phát triển rất mạnh, hiện toàn huyện có trên 21.000 con. Tập trung nhiều nhất ở các xã Sơn Diệm, Sơn Giang, Sơn Quang, Sơn Lâm, Sơn Trung, Sơn Châu, Sơn Tây, Sơn Hồng.
Đã xuất hiện nhiều trang trại nuôi hươu của người dân. Ở Sơn Lâm có trang trại lên đến trên 50 đầu hươu, thu nhập hằng năm từ việc bán hươu giống, bán nhung, cho hươu đực phối giống…tổng cộng có hộ gia đình mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi năm tổng thu nhập cũng trên 10 triệu đồng.
Một con hươu đực trưởng thành trong một năm cho thu hoạch trên dưới 1 kg nhung, giá thời điểm đầu năm 2010 khoảng 8 triệu đồng/ 1kg, còn hươu giống đủ 3 tháng tuổi giá bán từ 6 đến 8 triệu một con.
Với tiềm năng và lợi thế của Hương Sơn – là huyện miền núi với hơn 80% diện tích rừng và đất rừng – thì việc phát triển chăn nuôi hươu đang là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp nông thôn và thực sự là con đường làm giàu của các hộ nông dân.
Những năm gần đây, khi cuộc sống của người dân đã khá hơn, cứ vào độ đầu năm mới, người ta lại tìm về Hương Sơn để được tận mắt chứng kiến cảnh bắt hươu, cưa nhung và được uống ly rượu huyết hươu đỏ thắm đầu năm lấy hên, lấy lộc.
Cưa nhung.
Thường khi mua được cặp nhung ưng ý, người ta liền ngâm vào bình rượu để uống dần. Có không ít người phàn nàn là sao uống đến vài cặp nhung mà vẫn… không thấy gì, vợ vẫn không khen lấy một lời.
Sở dĩ không thấy gì bởi vì cái khâu chế biến không đúng cách nên nhung không phát huy được tác dụng chứ không lẽ cái câu: “Sâm, nhung, quế, phụ” của người xưa lại không đúng? Thực chất ngâm cả cặp nhung vào rượu chỉ là một trong nhiều cách chế biến nhung mà thôi, phải tùy bệnh mà chế biến mới được.
Có người mua cả cặp nhung hươu mới nhú mơn mởn về bỏ vào nồi nấu cháo ăn một mình, hay làm thịt cả con hươu để uống tiết, đánh tiết canh… cuối cùng bổ béo đâu không thấy, chỉ thấy người ngợm trương lên và nứt nẻ, chảy nước vàng. Nhiều người chết chỉ vì bổ quá.
Như để chữa bệnh liệt dương, người già đái đêm thì nhung hươu phải được bỏ lông, thái nhỏ cùng với bột sơn dược bỏ chung vào túi vải, thả vào bình rượu để nơi thoáng mát đến bảy ngày thì đem uống, mỗi lần chỉ uống ba thìa canh thôi.
Còn nếu người bị đau lưng, mỏi gối, sợ lạnh, liệt dương… do thận dương hư suy, tinh huyết khuyết tổn sinh bệnh thì lại phải thái nhỏ nhung hươu, đông trùng hạ thảo ngâm với rượu 50 độ uống dần thì mới mong tác dụng.
Còn trẻ con còi xương, chậm lớn, hoa mắt, ù tai, đái đêm… thì nên tán nhỏ nhung hươu thành bột, cho vào trong quả trứng gà hấp lên cơm, ngày một quả ăn khi đói bụng thì đảm bảo sau hai mươi ngày nhìn con cái phẳn hẳn lên như được uống thuốc tiên.
Hươu sao như một thứ lộc trời ban cho người dân Hương Sơn, đã không ít người ở các vùng khác đến Hương Sơn mua hươu giống về nuôi nhưng không mấy kết quả và đối với khách thập phương thì họ cũng chỉ thích về Hương Sơn đầu năm để cắt lộc hươu. Cắt lộc đầu năm không chỉ là việc mua bán thông thường mà còn là một nghi lễ.
Về Hương Sơn không chỉ để mua nhung hươu mà còn để thăm một vùng văn hoá, thăm mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – người đã đưa nhung hươu sao vào sách thuốc của mình. Thăm và ngâm tắm suối nước nóng Sơn Kim, thăm cửa khẩu Cầu Treo, đi đò trên sông Ngàn Phố và thăm những địa danh xưa của Phan Đình Phùng, Cao Thắng, của tráng sĩ Ngàn Trươi, Ngàn Phố.
Hầu như tất cả các bộ phận của cơ thể hươu đều được sử dụng triệt để. Giá trị lớn nhất, đầu tiên phải kể đến là nhung hươu. Nói tới vị thuốc bổ, quý, trong Đông y người ta thường kể đến. Nhung hươu có tác dụng tốt đối với toàn thân: nâng cao thể lực, bệnh nhân ăn ngủ tốt hơn, bớt mỏi mệt, những vết thương chóng lành, lợi tiểu, tăng nhu động ruột và dạ dày, ảnh hưởng tốt đến việc trao đổi chất đạm và mỡ.
Thầy thuốc Việt Nam còn dùng nhung hươu phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa những chứng bệnh: liệt dương, đái rắt, nước tiểu đục như nước gạo, miệng khô, lưng đau, tinh huyết khô kiệt. Nhân dân cũng có thói quen dùng nhung hươu để chữa các bệnh tả, lỵ…Các nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học phương Tây cũng cho thấy nhung hươu có thể dùng điều trị bệnh viêm khớp.
Hươu bao tử, gạc xương và nhiều bộ phận khác của hươu cũng có tác dụng chữa bệnh.
Nguyễn Thế Hùng
[email protected]
Theo Báo giấy