Mía chín vàng, nông dân như ‘ngồi trên đống lửa’
Thứ Hai 21/02/2022 , 11:55 (GMT+7)
Một số hộ trồng mía như đang ‘ngồi trên đống lửa’ vì mía đã chín vàng nhưng vẫn chưa được thu hoạch…
Tết Nhâm Dần 2022 đã qua được 2 tuần, khắp các vùng nguyên liệu mía đã bước vào giai đoạn cuối vụ thu hoạch. Nhờ được mùa được giá, tâm lý bà con nông dân năm nay rất phấn khởi. Tuy nhiên, một số hộ trồng mía lại như đang “ngồi trên đống lửa” vì mía đã chín vàng nhưng vẫn chưa được thu hoạch.
Nhiều tác hại khi mía thu hoạch trễ
Sau 3 năm gặp nhiều khó khăn, giá mía xuống thấp do thị trường mía đường thế giới suy thoái, vụ thu hoạch 2021-2022 với nhiều tín hiệu tích cực đã đem đến hy vọng cho người trồng mía. Tuy vậy, đối với một số hộ trồng mía thì hy vọng dần dần chuyển thành nỗi lo khi mía đã chín vàng.
Ông T.V.T, nông dân trồng mía tại xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết ruộng mía nhà ông đã chín hẳn, thân và lá ngả vàng nhưng vẫn chưa được thu hoạch. Nếu trồng vào vụ Đông Xuân trước Tết năm ngoái, thì tính đến thời điểm này, cây mía đã bước qua tháng sinh trưởng thứ 13. Với thời gian dài như vậy, các giống chín sớm và chín trung bình sẽ giảm chữ đường và sinh khối, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu người trồng mía. Không chỉ vậy, nhiều bà con cũng lo lắng ruộng mía chín vàng, chưa thể thu dọn thực bì đang tiềm ẩn nguy cơ hoả hoạn rất lớn, nhất là vào cao điểm mùa khô như hiện nay.
Mía chín vàng chậm thu hoạch sẽ có nhiều tác hại lâu dài.
Song song đó, vụ mía trước kéo dài cũng dẫn tới nhiều hệ lụy cho vụ mía sau. Đối với các diện tích mía cần phá gốc trồng lại, việc thu hoạch trễ khiến công tác làm đất bị trì hoãn, nếu rơi vào mùa khô khiến đất cứng gây ra nhiều khó khăn cho việc cày bừa. Nếu phải trồng lệch vụ như vậy, bà con cũng sẽ không tận dụng được nước mưa để tưới mía, buộc phải bơm nước từ sông lên, ngoài khiến chi phí tăng thêm, cây mía còn chịu ảnh hưởng xấu từ xâm nhập mặn. Cây mía trồng trễ sẽ không đủ thời gian sinh trưởng trong vụ sau, từ đó làm giảm năng suất, chữ đường và khả năng lưu gốc, tái sinh. Hệ quả là thiệt hại không chỉ trong một vụ, mà còn ảnh hưởng đến các vụ trồng sau.
Nông dân “tự cứu mình”
Trước tình hình này, một số nông dân buộc phải bán mía cho thương lái chính là hành động tự cứu lấy mình. Đối với các hộ có ký hợp đồng nhận vốn của doanh nghiệp, tình trạng chậm thu hoạch dẫn đến cây mía mất năng suất, chữ đường không chỉ khiến người nông dân có nguy cơ mất trắng lợi nhuận sau một năm canh tác vất vả, mà còn tạo ra rủi ro vướng vào nợ nần. Chính điều này khiến một số bà con cực chẳng đã phải chấp nhận bị mang tiếng phá vỡ hợp đồng để bán mía cho thương lái.
Cực chẳng đã, một số nông dân buộc phải bán mía cho thương lái.
Bên cạnh đó, do một số nguyên nhân, nhiều hộ trồng mía tại Sóc Trăng ngay từ đầu vụ đã không ký hợp đồng nhận vốn và bao tiêu với doanh nghiệp. Đối với những hộ này, việc bán mía cho thương lái là một giao dịch dân sự bình thường, dựa trên cơ sở tự nguyện, “thuận mua vừa bán”.
Chỉ còn khoảng vài tuần nữa là vụ thu hoạch mía 2021/2022 sẽ kết thúc, tại một số địa phương, cây mía đã lên xanh, chuẩn bị bước vào thời kỳ vươn lóng. Trong khi đó, vẫn còn những hộ trồng mía đang phải ngóng chờ từng ngày để được hưởng “vị ngọt” muộn màng từ công sức lao động của chính mình.