Mẹo xử lý khi bị kiến lửa đốt bạn nên biết

TRUNG HIẾU (Theo HowStuffWorks)

  –  

Chủ nhật, 14/11/2021 19:00 (GMT+7)

Kiến lửa là loài côn trùng hung hãn, chúng có thể đốt bạn ngay khi cảm thấy bị đe dọa. Vết đốt của kiến lửa gây đau đớn, ngứa ngáy, sưng tấy và có thể để lại sẹo. Dưới đây là một số mẹo xử lý khi bị kiến lửa đốt mà bạn nên biết.

Mẹo xử lý khi bị kiến lửa đốt bạn nên biếtNếu người bị kiến lửa đốt gặp phải những phản ứng dị ứng nghiêm trọng, hãy đưa họ tới bệnh viện (Nguồn: HowStuffWorks).

Nâng phần cơ thể bị kiến đốt

Trong trường hợp bị kiến lửa đốt đơn thuần, bạn hãy nhanh chóng nâng phần cơ thể bị kiến đốt lên cao. Điều này sẽ giúp giảm sưng tương đối hiệu quả.

Làm sạch vết đốt

Bạn nên rửa vết kiến lửa đốt bằng nước xà phòng thật nhẹ nhàng để loại bỏ bụi bẩn, đất cát.

Chườm gạc lạnh

Gạc lạnh có tác dụng làm giảm sưng. Bạn hãy đắp gạc lạnh vào vết đốt trong 20 phút, sau đó lấy ra nghỉ 20 phút. Lặp lại quá trình này cho đến khi cảm thấy da dịu hơn và bớt sưng.

Cách làm gạc lạnh vô cùng đơn giản: Đầu tiên, bạn bỏ đá viên vào túi nilon, sau đó nhúng khăn bông dưới vòi nước lạnh và quấn quanh túi đá.

Uống thuốc kháng histamin hoặc bôi kem hydrocortisone

Thuốc kháng histamin dùng để trị dị ứng có thể giúp giảm ngứa. Bạn có thể uống 1 viên sau mỗi 8-12 tiếng khi cần. Bên cạnh đó, bạn hãy tìm mua kem hydrocortisone. Loại kem này có tác dụng giảm ngứa và khó chịu.

Sử dụng hỗn hợp nước và muối nở xoa vào vết kiến đốt

Trong trường hợp bạn không tiện đến hiệu thuốc để mua thuốc hãy sử dụng nước và muối nở tại nhà. Trộn nước và muối nở với tỷ lệ 1:1 thành bột nhão. Đắp hỗn hợp lên vết kiến đốt nhiều lần trong ngày cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

Đừng gãi

Nọc độc của kiến lửa khiến cơ thể phản ứng bằng cách tạo thành một vết phồng rộp hoặc mụn mủ nhỏ, có khả năng bảo vệ, gây ngứa và mềm khi chạm vào. Đừng gãi. Việc làm vỡ các mụn mủ dễ dẫn đến nhiễm trùng.

Theo dõi các phản ứng dị ứng

Vết đốt của kiến lửa có thể gây nên một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng như: Đau ngực, đổ mồ hôi nhiều, buồn nôn, sưng tấy vùng bị đốt, sưng lưỡi, nói lắp hoặc khó thở. Tuy nhiên, những phản ứng trên khá hiếm gặp. Nếu người bị đốt chẳng may gặp phải những triệu chứng đó, hãy ngay lập tức đưa họ tới bệnh viện gần nhất.