Mẹo nhỏ giúp giảm giật mình ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều và chỉ thức dậy để ăn, thay bỉm. Bé cũng thường xuyên bị giật mình khi ngủ, điều này khiến nhiều bà mẹ “tập đầu” rất lo lắng. Để hiểu được lý do của dấu hiệu giật mình ở trẻ sơ sinh và cách khắc phục, mẹ hãy cùng Momo Rabbit tìm hiểu nhé.
Em bé của tôi thường xuyên giật mình khi ngủ, liệu có phải bệnh không?
Giật mình, khóc rồi ngủ lại là nhịp sinh hoạt bình thường ở trẻ sơ sinh
Câu trả lời là không!
Trẻ sơ sinh giật mình khi ngủ là điều hết sức bình thường và mọi em bé đều như vậy. Bé có thể bị tác động bởi nguyên nhân bên ngoài hoặc cũng tự giật mình bởi các cơn co cơ đột ngột. Hệ thần kinh và cả cơ thể bé còn chưa hoàn thiện nên mọi tác động đều khiến bé hoảng sợ dẫn đến khóc, quấy. Do đó, dù bé có thường xuyên bị giật mình và khóc mẹ cũng đừng quá lo lắng, khi bé lớn hơn mọi thứ sẽ qua thôi.
Nguyên nhân hiện tượng giật mình ở trẻ sơ sinh
Mẹ thấy bé đang ngủ đột nhiên tay dang rộng, bàn tay hướng lên, rồi lại đột ngột co về phía người, lưng cong, chân tay co quắp, đó chính là dấu hiệu giật mình sinh lý thường gặp. Hiện tượng này thường xuyên xảy ra và gặp ở tất cả các bé trong độ tuổi sơ sinh. Ngoài nguyên nhân sinh lý do các cơn co cơ đột ngột không tự chủ, bé còn có thể bị giật mình khi ngủ bởi các nguyên nhân khác.
Bé nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh lớn đột ngột nên dễ giật mình
Tiếng động
Môi trường nhiều tiếng động, sinh hoạt của người lớn, tiếng xe cộ … đều có thể khiến bé thường xuyên bị gián đoạn giấc ngủ, giật mình, quấy khóc.
Ánh sáng
Phần da mí mắt của trẻ sơ sinh rất mỏng do đó mọi sự thay đổi về ánh sáng đều có tác động lớn với bé. Ánh sáng từ cửa sổ, ánh đèn, ánh sáng từ điện thoại, tivi … đều có thể khiến cho bé bị giật mình, tỉnh giấc.
Chuyển động
Mẹ đặt bé xuống giường/cũi sau khi ru bé ngủ khiến bé choàng tỉnh giấc? Các bé rất nhạy cảm với những chuyển động đột ngột, thay đổi độ cao bởi những chuyển động này khiến bé bị mất thăng bằng, sợ hãi.
Mẹo giảm giật mình ở trẻ sơ sinh Momo Rabbit mách nhanh cho mẹ
Khi đã hiểu rõ những nguyên nhân có thể khiến bé giật mình khi ngủ, mẹ sẽ có những cách phù hợp để giảm thiểu tình trạng này và giúp bé có giấc ngủ dài, sâu hơn.
Giữ bé gần người
Tạo cho bé cảm giác an toàn khi ngủ
Bé sẽ luôn cảm thấy an toàn khi được tiếp xúc với cơ thể bố mẹ, kể cả khi có chuyển động đột ngột. Do đó, khi bố mẹ muốn đặt bé xuống giường hay cũi không nên tách bé ra khỏi người mình ngay mà ôm bé và cúi xuống chậm rãi cho đến khi bé nằm xuống giường/cũi chắc chắn. Momo Rabbit nhắn bố mẹ cũng nên đặt tay lên người bé thêm một chút để bé yên tâm quay trở về giấc ngủ của mình thay vì lập tức rời đi. Khi bé có giật mình bố mẹ cũng nên tránh việc bế bé lên ngay, chuyển động bất ngờ này càng khiến bé hoảng sợ và khóc to hơn. Bố mẹ có thể nhẹ nhàng nắm tay bé, nằm cạnh và ôm bé vào lòng vỗ về. Như vậy bé sẽ cảm thấy hơi ấm của bố mẹ mà dần quên đi nỗi sợ khi bị giật mình.
Sử dụng khăn quấn
Quấn khăn là cách hữu ích giúp giảm giật mình khi ngủ
Nhiều mẹ lo sợ quấn bé bằng khăn sẽ cản trở vận động và sự phát triển của bé. Tuy nhiên một em bé được quấn khăn vừa đủ sẽ luôn được giữ ấm và hạn chế giật mình khi ngủ. Khăn quấn như một chiếc kén nhỏ bảo vệ bé, cho bé cảm giác như ở trong bụng mẹ, được che chở, đồng thời nếu bé có những cử động đột ngột cũng không khiến bé bị giật mình như khi nằm không quấn khăn.
Mẹ có thể áp dụng cách quấn khăn cho bé như những ngày đầu bé còn trong viện, sử dụng khăn lớn, mềm mại, không kích ứng da. Lưu ý quấn khăn cho bé vừa đủ để không dễ tuột mà cũng không khiến bé khó chịu. Phần cần quấn vùng thân, hông, và hạn chế ở vùng chân để bé được cử động thoải mái mẹ nhé.
Môi trường phòng ngủ an toàn
Môi trường ngủ an toàn, thoải mái giúp giấc ngủ của bé tốt hơn
Không ai muốn đi ngủ trong một căn phòng toàn tiếng động, ngập tràn ánh sáng cả, các bé cũng như vậy. Để giúp bé có những giấc ngủ tốt nhất bố mẹ hãy bảo đảm môi trường phòng ngủ của bé có ít ánh sáng nhất khi bé ngủ, hạn chế tối đa tiếng ồn, tiếng động đột ngột và luôn đảm bảo chỗ nằm của bé mát mẻ, thoáng khí.
Tuy nhiên bố mẹ cũng không cần quá khắt khe để khiến việc sinh hoạt trở nên khó khăn. Tiếp tục những sinh hoạt bình thường, sử dụng ánh sáng nếu cần, miễn là không tạo ra những thay đổi đột ngột khiến bé giật mình là được.
Các bé có thể bị giật mình thường xuyên cho tới ngoài 3 tháng tuổi, do đó bố mẹ hãy áp dụng triệt để những mẹo hữu ích Momo Rabbit vừa nêu để giảm giật mình ở trẻ sơ sinh nhé. Chúc bé sẽ có những giấc ngủ ngon để mau lớn, khỏe mạnh, đáng yêu.
Bài viết liên quan:
– Làm thế nào để con hết khóc dạ đề?
– Review bỉm đêm Momo Rabbit – Bí kíp ngủ xuyên đêm cho mẹ Việt
– Giấc ngủ của trẻ sơ sinh, bé ngủ bao nhiêu là đủ