Mẹo nấu ăn ngon như đầu bếp
Món ăn ngon miệng, đẹp mắt phụ thuộc nhiều vào độ tươi mới của nguyên liệu, dụng cụ nhà bếp, kỹ thuật chế biến, trình bày.
Dưới đây là một số cách của đầu bếp chuyên nghiệp mà bạn có thể học theo để giúp bữa ăn gia đình ngon như nhà hàng.
Chọn nguyên liệu
Nguyên liệu là yếu tố đầu tiên quyết định sự thơm ngon của món ăn. Tôm ươn dù chế biến cách nào, thịt vẫn nhão, không còn ngọt, chắc. Rau già nhiều xơ sẽ không thể giòn, ngọt như loại non. Mặc dù ướp gia vị và chiên nướng có thể che giấu phần nào độ cũ của thực phẩm nhưng ai tinh miệng đều dễ nhận ra thực phẩm tươi và cũ, thực phẩm sống và đông lạnh.
Kinh nghiệm để chọn rau củ quả mới hái là nên nhìn vào cuống còn xanh. Rau củ quả đúng mùa thường tươi ngon hơn trái mùa. Cá tôm muốn tươi nên mua khi còn sống, thịt tươi sẽ không có mùi lạ…
Vài mẹo khi xào nấu
Đầu bếp không trút nguyên liệu vào chảo xào một lượt. Bởi đổ đầy thức ăn vào chảo khiến món ăn chín không đều, chưa kể các nguyên liệu cần thời gian trên lửa khác nhau. Họ xào nhiều lần, ví dụ xào thịt trước, sau đó xào rau củ riêng. Khi tất cả nguyên liệu chín tới, mới đem trộn vào với nhau, xào sơ lượt cuối.
Để món xào ngon, xào riêng từng phần, khi các nguyên liệu chín tới, mới đem trộn vào với nhau, xào sơ một lượt cuối. Ảnh: heart.org.
Các món rau xào trong quá trình nấu nướng thường bị khô, hàm lượng nước dinh dưỡng có trong rau thường bị bay hơi. Để giữ lại dinh dưỡng, khi chảo nóng, thêm 2-3 thìa canh nước để hơi nước nóng có thể làm rau chín tới mà không tiêu hao quá nhiều lượng nước ngọt có sẵn trong rau, củ.
Muốn cơm ngon, dẻo, cần lưu ý về cách vo gạo, ngâm gạo cũng như đảo cơm. Sau khi vo gạo, nên ngâm gạo khoảng 15-30 phút rồi mới nấu. Khi cơm chín tỏa khói, nồi đã sang chế độ giữ ấm, có thể rút điện ra và để yên không mở nắp trong vòng 10-15 phút, giúp cơm khô bề mặt, chín đều và hạt cơm không dính vào thân nồi.
Kỹ thuật nêm nếm gia vị
Nêm gia vị nên theo nguyên tắc: loại nào lâu thấm thì nêm trước. Trong món cần nêm muối và đường, thì nêm đường trước tiên, rồi tới muối, sau đó là giấm, xì dầu, nước mắm, cuối cùng là bột ngọt. Các gia vị có mùi hương đặc trưng như xì dầu, nước mắm nên có thời gian nấu càng ngắn càng tốt. Xì dầu có chứa đường, nếu cho xì dầu sớm vào món ăn, đường sẽ bị phân hủy và tạo ra mùi chua, đắng.
Với món hầm, có các loại củ, nên cho muối vào sớm hơn để muối ngấm đều vào củ.
Với món rau luộc, nên nêm muối trước khi nước sôi, vì nhiệt độ sôi của nước muối cao hơn nhiệt độ sôi của nước thường, giúp rau xanh hơn.
Với các món nướng, nếu ướp muối trước khi nướng, muối sẽ hút hết nước trong miếng thịt, khiến thịt bị khô sau khi nướng, đồng thời làm giảm lượng vitamin và khoáng chất. Để thịt mềm, nên ướp với hỗn hợp sốt được pha chế từ dầu mè, rượu vang, tỏi, hành, tiêu…
Lựa chọn dụng cụ làm bếp
Dù bạn có kỹ thuật nấu nướng tốt bao nhiêu, nguyên liệu tươi ngon thế nào mà dụng cụ làm bếp không phù hợp, món ăn cũng không trọn vẹn và có thể khiến bạn khó khăn khi nấu nướng.
Đầu tiên nên chọn dao sắc, phù hợp với vật bạn định cắt thái. Hẳn sẽ rất khó chịu nếu ăn một bát canh sườn gặp đầy những vụn xương do người chặt không dứt khoát hoặc dùng phải chiếc dao quá cùn. Khi dao cùn, nếu không có đồ mài dao, bạn có thể mài dao vào trôn bát sành sứ.
Ngoài dao sắc, bạn còn cần một cái thớt kê chắc chắn. Để thớt không trơn trượt khi băm thái thực phẩm, có thể đặt thớt lên khăn bông ướt.