Mẹo hay phòng tránh và cứu vãn tình trạng bẹp đầu ở trẻ sơ sinh mẹ nào cũng cần biết

Thói quen cho bé nằm nhiều khiến cho đầu trẻ bị bẹp hoặc méo mó khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng.

Đầu bẹt là gì?

 

Hiện nay nhiều bà mẹ lo lắng khi phát hiện đầu của con mình bị bẹt sau gáy hoặc hai bên. Đầu bẹt là hiện tượng phẳng xương sọ, và hay xảy ra ở phần mặt sau của sọ nhưng cũng có thể là một bên sọ. Hiện tượng này thường xảy ra với trẻ sơ sinh 2-3 tháng tuổi hoặc cũng có thể là ngay từ khi sinh ra.

 

Nguyên nhân gây đầu bẹt

 

 

Trẻ bị bẹp đầu do nằm nhiều ở 1 tư thế.

 

Bác sĩ nhi khoa Denis Leduc – cựu chủ tịch của Hội Nhi Khoa Hoa Kì cho biết nguyên nhân chính và chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do áp lực. Ông giải thích xương hộp sọ của các bé rất mềm và vẫn đang tiếp tục phát triển khiến cho nó rất dễ bị méo dạng. Khi cha mẹ cho bé nằm ở một tư thế quá lâu sẽ khiến cho hộp sọ bị đè nén.

 

Làm thế nào để ngăn ngừa đầu bẹt cho trẻ

 

Tình trạng đầu trẻ sơ sinh bị méo thường không gây ảnh hưởng tới não bộ, tuy nhiên nó lại làm mất tính thẩm mỹ. Dù vậy mẹ không cần quá lo lắng bởi phần lớn các bé đều có thể tự điều chỉnh trở lại theo thời gian phát triển của hộp sọ. Tình trạng méo đầu ở trẻ có thể điều chỉnh dễ dàng trước khi bé được 6 tháng tuổi. Sau tháng 6 tuổi, trẻ ít nằm mà ngồi nhiều hơn, hộp sọ cũng cứng cáp hơn nên sẽ tự điều chỉnh dần.

 

Thay đổi vị trí nằm của bé thường xuyên là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa đầu bẹt cho trẻ.

 

– Thay đổi tư thế ngủ: Nên cho bé ngủ ở nhiều tư thế khác nhau. Thường xuyên nằm ở một tư thế duy nhất rất dễ khiến cho bé bị bẹt đầu.

 

 

– Cho bé tập lẫy: Khi gốc rốn đã bị rụng thì mẹ đã có thể cho bé tập lẫy. Đặt một tấm chăn mềm ở phía dưới để bé cảm thấy êm ái, không bị đau. Thoạt đầu bé sẽ không thể giữ được tư thế này lâu bởi đầu của trẻ sơ sinh khá nặng so với trọng lượng của cơ thể và cơ cổ còn yếu. Khi bé lớn hơn chút nữa thì bé sẽ rất thích lẫy, đặc biệt là khi có một món đồ chơi thú vị nào ở trên giường.

 

– Để giúp con điều chỉnh, mẹ nên thường xuyên thay đổi hướng gối đầu của trẻ. Không nên đặt bé nằm nghiêng về một bên đầu hoặc chỉ nằm thẳng đầu trong thời gian dài.

 

– Mẹ cũng lưu ý tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ dụng cụ nào được quảng cáo sẽ giúp đầu bé cố định để tránh các nguy cơ đột tử hoặc gây hại cho sự phát triển của trẻ.

 

– Khi cho con bú, mẹ nên để bé bú đều hai bên vú mẹ để bé không bị kê đầu quá nhiều về một bên.

 

– Nếu đặt bé ngồi trên ghế xe hơi hay ghế dành cho trẻ sơ sinh, mẹ cũng cần chú ý giúp bé đổi tư thế thường xuyên, bởi trẻ sơ sinh thường có xu hướng ngồi ngả đầu về một phía.

 

 

– Mẹ cũng có thể nhờ các bác sỹ chuyên khoa tư vấn những bài tập, những động tác đúng cách “nắn đầu” cho con nhẹ nhàng mà không gây tổn thương cho bé. Cách này sẽ giúp cho đầu bé sớm trở lại bình thường.

 

Nếu bé lớn hơn 6 tháng tuổi mà bị bẹp đầu, mẹ mới đưa bé đi bác sỹ thì thời gian điều trị sẽ kéo dài lâu hơn. Bố mẹ nên lưu ý rằng không được tự mình mua các loại mũ nắn chỉnh đầu cho bé, tự điều trị cho bé mà không có ý kiến chỉ định của bác sỹ. Điều này sẽ nguy hiểm tới sự phát triển toàn diện của bé.

 

Vy Vy (Th)