Mẹo giảm đau bụng ngày ‘đèn đỏ’
Chườm ấm bụng, massage vùng chậu, uống thuốc giảm đau không kê đơn, hoặc ăn rau, trái cây nhiều chất xơ và sắt… giúp giảm đau bụng kinh.
Bác sĩ Lê Võ Minh Hương, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết đau bụng kinh (thống kinh) là tình trạng thường gặp ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Cơn đau xuất hiện ở vùng bụng dưới, kéo dài 2-3 ngày hoặc lâu hơn. Mức độ đau thay đổi, từ nhẹ đến đau dữ dội. Một số trường hợp có thể kéo dài suốt chu kỳ kinh, tạo nên những cơn đau mạn tính dai dẳng.
Có hai kiểu thống kinh, gồm nguyên phát và thứ phát. Thống kinh nguyên phát là kiểu thường gặp nhất. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Thống kinh thứ phát là tình trạng đau bụng kinh do các bệnh lý, như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm vùng chậu mạn tính… hoặc tác dụng phụ của đặt dụng cụ tử cung tránh thai. Khi bị đau bụng kinh, phụ nữ nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa sản phụ khoa, để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Trường hợp không tìm thấy nguyên nhân (thống kinh nguyên phát), bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Đây là những loại thuốc có thể tự mua để giảm đau tạm thời, thuộc nhóm giảm đau kháng viêm không steroids (NSAIDs) như Ibuprofen, Diclofenac, bác sĩ Hương cho hay. Tuy nhiên, liều lượng thuốc cần được tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng và một số loại có thể có tác dụng phụ nếu uống quá nhiều. Nếu dự đoán được ngày hành kinh, chị em có thể sử dụng thuốc trước đó vài ngày.
Chườm bụng dưới bằng túi nước ấm khoảng 40 độ C làm giảm cơn đau bụng kinh. Ảnh: Asisoymujer.wordpress
Tắm nước ấm hoặc chườm bằng túi (hoặc chai) nước ấm khoảng 40 độ C lên vùng bụng dưới cũng giúp thư giãn và giảm đau ngày “đèn đỏ”. Ngoài ra, massage vùng chậu bằng cách xoa nhẹ bụng dưới, hai bên hông và thắt lưng cũng giúp giảm đau. Việc massage nên thực hiện vài ngày trước khi có kinh nguyệt và có thể kết hợp với dầu massage.
Bên cạnh đó, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có khuynh hướng khiến tình trạng viêm nặng thêm trong giai đoạn hành kinh, như tinh bột, đường, muối, thức ăn nhanh, chất béo bão hòa và các chất kích thích như rượu, caffein.
Tăng cường ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, giàu chất xơ (trái cây, rau, các loại đậu và ngũ cốc); giàu chất sắt (rau lá xanh đậm, bông cải xanh, đậu, ngũ cốc và các loại hạt); giàu axit béo thiết yếu, vitamin E, và có hoạt tính giảm viêm (cá hồi, cá mòi, cá trích, quả óc chó, hạt chia và hạt lanh, nghệ); giàu chất chống oxy hóa (cam, quả mọng, chocolate đen, rau bina và củ cải đường)… sẽ giúp giảm viêm, giảm đau do thống kinh.
Thêm nữa, tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn bằng yoga, pilates… giúp giải phóng endorphin – một hormone góp phần giảm đau. Khi nghỉ ngơi, chị em nên nằm nghiêng, đầu gối kéo vào ngực để giảm đau bụng và giảm áp lực ở lưng.
Riêng các loại thảo dược như trà hoa cúc, quế, gừng, hạt thì là… có thể giúp giảm triệu chứng thống kinh, song rất ít nghiên cứu chứng minh. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không có khuyến cáo về chất lượng, liều lượng cũng như độ tinh khiết của các chế phẩm này. Do đó, bác sĩ Hương cho rằng người dùng cần được bác sĩ tư vấn cụ thể trước khi sử dụng thảo dược để giảm đau.
Trường hợp không giảm đau sau khi sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn cũng như một số phương pháp trên, bác sĩ Hương khuyên phụ nữ đi khám, để được kê đơn các thuốc giảm đau khác.
Thư Anh