Mẹo dân gian tuyệt hay để loại bỏ bệnh mồ hôi tay chân
(QNO) – Vào những thời điểm giao mùa, nhất là mùa lạnh, ở một số người tay chân bị đổ mồ hôi rất nhiều. Tình trạng đổ mồ hôi khiến nhiều người gặp khó khăn trong quá trình làm việc và cảm giác rất khó chịu.
Nếu như mồ hôi đổ ra với lượng nhiều và liên tục thì cần nên theo dõi vì đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý trong cơ thể gây nên. Vậy ra nhiều mồ hôi tay, chân khi trời lạnh là biểu hiện bệnh gì?
Chúng ta sẽ gặp gỡ Chuyên gia Lê Tùng Lâm – trường Cao đẳng Y – Dược ASEAN để được hiểu rõ hơn và có cách chữa trị hiệu quả.
Thưa chuyên gia, việc bị đổ nhiều mồ hôi tay, chân là dấu hiệu của bệnh gì?
Bệnh ra mồ hôi tay chân là một căn bệnh xảy ra ở nhiều người do rối loạn hệ thần kinh thực vật hay còn gọi là thần kinh giao cảm (có vai trò điều hòa thân nhiệt). Bệnh này tuy không gây nguy hiểm nhưng lại khiến cho người bệnh vô cùng mệt mỏi và khó chịu, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, sinh hoạt, công việc và học tập của người bệnh.
Hiện tượng mồ hôi đổ nhiều ở tay, chân vào mùa lạnh có thể là dấu hiệu của chứng tăng tiết mồ hôi do rối loạn thần kinh thực vật, cường giao cảm gây nên.
Vào mùa đông, quá trình bài tiết mồ hôi giảm xuống cùng với việc cơ thể phải thay đổi để thích nghi với thời tiết lạnh khiến cho dây thần kinh giao cảm gửi đi các tín hiệu tới mạch máu buộc chúng co lại làm cho bàn tay, bàn chân trở nên lạnh ngắt và ẩm ướt. Phản ứng này xảy ra do hệ thần kinh giao cảm – hệ thần kinh có chức năng điều khiển hoạt động bài tiết mồ hôi và các hoạt động tự chủ khác trong cơ thể như nhịp tim, nhịp thở… bị kích thích quá mức.
Vào mùa hè, chúng ta bài tiết mồ hôi tự nhiên, mùa đông đến, sự bài tiết mồ hôi giảm cùng với việc cơ thể phải chống chọi với thời tiết lạnh dẫn đến các phản ứng của cơ thể như đã nêu trên.
Nguyên nhân khiến cho hệ thần kinh giao cảm bị kích thích quá mức có thể do căng thẳng, stress nặng nề và kéo dài, phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh hoặc do sử dụng các chất kích thích và đồ ăn, gia vị cay nóng…
Chuyên gia có thể giải đáp về nguyên nhân của bệnh như thế nào?
– Thiếu vitamin và chất khoáng: Vitamin và chất khoáng đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể, việc thiếu hụt các dưỡng chất trên do người bệnh sử dụng nhiều các thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất bảo quản sẽ là nguyên nhân gây nên tình trạng ra mồ hôi tay, chân vào mùa lạnh.
– Bệnh cường giáp: Các phản ứng trao đổi chất sẽ bị rối loạn khi tuyến giáp hoạt động quá mức, khiến cơ thể đốt cháy nhiều calo, tạo ra nhiều nhiệt và bài tiết nhiều mồ hôi hơn. Trường hợp người bệnh tiết mồ hôi tay chân do bệnh tuyến giáp thì thường có biểu hiện đi kèm như: run tay, hay hồi hộp, đánh trống ngực, mắt lồi, sụt cân nhanh…
– Tăng tiết mồ hôi thứ phát do bỏng lạnh do nhiệt độ quá thấp, u tuyến yên, thiếu máu bất sản, lao phổi…
– Hoặc ra mồ hôi tay, chân do nhiễm độc: Vì tính chất công việc hay một số nguyên nhân nào đó khiến cơ thể của chúng ta tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại từ không khí, nước, môi trường ô nhiễm… khiến cho cơ thể bị nhiễm độc sẽ phản ứng lại bằng cách bài tiết ra nhiều mồ hôi để đào thải chất độc ra khỏi cơ thể.
Cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy, người bệnh ra mồ hôi tay chân vào mùa lạnh có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư máu – một trong những loại ung thư bạch cầu ác tính gây rối loạn các hoạt động trong cơ thể, trong đó đặc biệt là hoạt động bài tiết khiến cơ thể xuất hiện tình trạng tăng tiết nhiều mồ hôi.
Tuy nhiên cũng không ngoại trừ các nguyên nhân gây nên tình trạng đổ mồ hôi tay, chân vào mùa lạnh có thể là do mặc quá nhiều quần áo hoặc ở trong phòng giữ nhiệt có nhiệt độ cao, hay do người bệnh bị một căng thẳng, bức xúc nào đấy. Điều này làm cho cơ thể tăng tiết mồ hôi nhưng đây là sự bài tiết sinh lý bình thường của cơ thể.
Dù cho tình trạng đổ mồ hôi tay, chân vào mùa lạnh xảy ra do nguyên nhân nào đi chăng nữa thì điều cần thiết là người bệnh nên tìm gặp bác sĩ để được biết rõ nguyên nhân và cách điều trị thích hợp càng sớm càng tốt.
Các triệu chứng để nhận biết một người mắc bệnh ra mồ hôi tay, chân là gì, thưa chuyên gia?
Không giống như những căn bệnh khác, bệnh ra mồ hôi tay chân rất dễ nhận biết nhờ những triệu chứng điển hình như:
Lòng bàn tay, bàn chân luôn ướt đẫm mồ hôi, nhiều người còn nhỏ thành từng giọt tùy tình trạng ra nhiều mồ hôi ít hay nhiều.
Da tay nhợt nhạt
Lòng bàn tay lạnh và thường bị phù do lúc nào cũng có nhiều nước.
Vào mùa đông da tay lại thường rất khô ráp, bong tróc và hình thành các lớp tế bào chết trên tay.
Biểu hiện nặng của bệnh sẽ là ra mồ hôi liên tục không tự chủ, kèm theo ra mồ hôi ra nhiều ở da đầu, nách, cổ hoặc toàn thân.
Mồ hôi ra quá nhiều có thể dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc gây kích ứng da tay khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu và mất tự tin.
Chuyên gia có những lời khuyên nào dành cho người bị bệnh ra mồ hôi nhiều tay chân?
Người bị ra mồ hôi tay chân nên hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều thành phần hóa học Iot. Điều này đồng nghĩa với việc, bạn nên tránh ăn những loại rau như bông cải xanh (súp lơ), măng tây, hành trắng. Có thể ăn thịt nhưng ngoại trừ thịt bò, gan và gà tây.
Hoặc cũng có thể áp dụng theo một số mẹo dân gian rất dễ thực hiện.
Chuyên gia có thể nói thêm về một số mẹo dân gian để chia sẻ cho những người bị bệnh biết cách?
Để điều trị, bạn có thể áp dụng phương pháp mổ cắt hạch thần kinh giao cảm. Phương pháp này khá thành công, an toàn và không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên với những người không có nhiều kinh phí hay điều kiện để thực hiện phẫu thuật. Bạn có thể áp dụng những mẹo dân gian loại bỏ bệnh mồ hôi tay chân hiệu quả dưới đây:
Lá lốt
Có rất nhiều cách chữa dân gian để trị mồ hôi tay chân bằng lá lốt được ông cha truyền lại. Bạn có thể áp dụng 1 trong 3 cách dưới đây:
Cách thứ nhất: Bạn dùng thân, lá và rễ lá lốt xao vàng, phơi nắng, rồi sắc uống trong 7 ngày liên tiếp. Sau đó nghỉ 4 – 5 ngày rồi lại tiếp tục uống thêm 1 tuần nữa.
Cách thứ hai: Dùng lá lốt tươi, rửa sạch, cho vào nồi đun với 1,5 lít nước. Cho thêm một chút muối vào đun sôi. Sau đó bắc ra để nguội, khi nào nước còn âm ấm vừa đủ thì ngâm tay trong đó khoảng 20 phút. Áp dụng ít nhất một lần trong ngày liên tục trong vòng 1 tháng để đạt được hiệu quả chữa bệnh tốt.
Cách thứ ba: Bạn chế biến lá lốt thành những món ăn ngon hàng ngày như chả lá lốt, thịt rang lá lốt,trứng tráng lá lốt,… đảm bảo thơm ngon, dinh dưỡng lại có tác dụng chữa bệnh mồ hôi tay chân.
Chè xanh
Nước lá chè cũng có tác dụng chữa bệnh mồ hôi tay chân nhưng không được nhiều người biết đến. Giống như lá lốt, chè xanh không khó kiếm, lại có giá thành tương đối rẻ. Bạn có thể áp dụng theo phương pháp sau:
Rửa sạch lá chè xanh sau đó cho vào nồi đun với 2 lít nước.
Sau khi sôi, bạn để riêng khoảng 1 lít nước để uống trong ngày nhằm hỗ trợ điều trị bệnh đổ mồ hôi tay, chân từ bên trong.
Dùng 1 lít nước còn lại để ngâm tay. Không những giúp bạn có một làn da tay mịn màng mà còn giúp hạn chế tiết mồ hôi tay chân nữa đấy.
Ngải cứu
Ngải cứu có khá nhiều tác dụng chữa bệnh và rất tốt cho sức khỏe phái nữ. Điều này ai cũng biết. Tuy nhiên ngải cứu còn có khả năng điều trị chứng đổ mồ hôi chân tay khá hiệu quả.
Vào mùa lạnh, bạn cho cả cây ngải cứu vào bát, đốt rồi hơ bàn tay vào hơi nóng. Tinh dầu ngải cứu sẽ có tác dụng giảm đau đầu, làm ấm bàn tay của bạn, hạn chế tình trạng đổ mồ hôi tay chân.
Lá dâu tằm
Lá dâu tằm tươi đem rửa sạch, đun sôi làm nước uống có thể trị đổ mồ hôi tay, chân rất hiệu nghiệm. Bạn có thể kết hợp thêm với lá lốt, hạt sen, đường trắng để tạo thành một loại đồ uống dễ chịu. Ngoài lá dâu thì cành dâu khi kết hợp với cỏ xước và cây xấu hổ sắc lên uống cũng có tác dụng trong điều trị đổ mồ hôi tay, chân hiệu quả.
Muối
Phương pháp này đơn giản và dễ thực hiện nhất. Bạn dùng muối hạt hòa tan vào nước ấm để ngâm bàn tay và bàn chân mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể rang muối trên chảo nóng rồi hơ bàn tay và bàn chân. Hoặc cho muối vừa rang xong vào một tấm vải sạch rồi đem chờm vào chân tay. Cách này có thể giúp bạn trị chứng đổ mồ hôi chân, tay tuy nhiên mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên trì của bạn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia !
Theo nguoiduatin.vn