Mẹo dân gian khi cho be ăn dặm
Khi bé được tròn 6 tháng tuổi là thời điểm hệ tiêu hóa non nớt của bé đã tương đối hoàn thiện. Lúc này, mẹ nên bắt đầu cuộc hành trình mới ăn dặm cho bé khoa học, đúng cách, giúp bé bổ sung năng lượng từ thức ăn bên cạnh sữa mẹ.
Mục Lục
1. Vai trò quan trọng của ăn dặm
Ăn dặm cho bé hay còn được hiểu là cho bé làm quen và tập ăn các thức ăn thô nhưng không thay thế cho sữa mẹ, bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ
Khi bé đạt mốc 6 tháng tuổi , trẻ cần khoảng 700kcal/ngày để đáp ứng nhu cầu của cơ thể trong khi sữa mẹ lúc này chỉ có thể cung cấp gần 450kcal/ngày. Ngoài ra, trong giai đoạn này, lượng sắt vốn được tích trữ trong cơ thể đã giảm nhiều nên sữa mẹ cũng không đủ sắt bù đắp cho bé. Vì vậy, nếu bé không được bổ sung phần năng lượng bị thiếu hụt trên, bé sẽ chậm phát triển, thiếu máu và thể trạng của bé thường còi cọc.
2. Ăn dặm cho bé vào giai đoạn nào là tốt nhất?
Có nhiều người quan niệm, ăn dặm sớm giúp bé cứng cáp hơn hay ăn dặm muộn mới giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Đi sâu vào vấn đề này, các nhà khoa học cho hay khi trẻ trước hoặc 4 tháng tuổi, lượng Enzyme và các cơ quan của hệ tiêu hóa chưa thể thực hiện nhiệm vụ tiêu hóa hoàn chỉnh. Mặt khác, trẻ ăn dặm sớm sẽ khiến bé chán bú ti mẹ trong khi sữa mẹ mới chứa lượng chất dinh dưỡng thiết yếu cho bé. Vì vậy, cho bé ăn dặm sớm sẽ dẫn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sự phát triển bình thường, gây nguy cơ mắc bệnh về dạ dày và thận sớm,
Ngược lại, trường hợp cho bé ăn dặm muộn sau 6 tháng tuổi, nhu cầu năng lượng của bé cao mà sữa mẹ có thể không cung cấp đủ dẫn đến ảnh hưởng tới dinh dưỡng và thể chất của trẻ.
Tóm lại, ăn dặm cho bé tốt nhất là thời điểm trẻ được 6 tháng tuổi để đảm bảo cho sự phát triển tổng thể của bé.
3. Như thế nào là ăn dặm đúng cách?
Trong hành trình ăn dặm cho bé, mẹ cần sự kiên nhẫn, không nóng vội và quan sát theo dõi sở thích của con (con thích thú với loại món ăn nào) hoặc loại thức ăn nào gây dị ứng thì cần loại bỏ trong thực đơn. Dưới đây, MEDLATEC sẽ gợi ý cho mẹ một số mẹo khi cho bé ăn dặm.
Thực phẩm có sự kết hợp phong phú
Trong thực đơn ăn dặm, mẹ nên chuẩn bị các loại thực phẩm đa dạng và tăng cường bổ sung rau xanh, hoa quả tươi để tốt cho hệ tiêu hóa. Một số loại rau, củ quả được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích bao gồm: Chuối, bơ, cam, dưa hấu, bí đỏ, khoai tây, bông cải xanh,
Rau, củ, quả rất tốt cho trẻ ăn dặm
Bên cạnh đó, mẹ nên sử dụng các loại thịt đỏ và thịt gia cầm có màu sẫm vì hàm lượng sắt lớn. Sản phẩm được sản xuất từ sữa tốt cho hệ tiêu hóa của bé nên được ưu tiên hàng đầu đó là sữa chua làm từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nếu đảm bảo được yếu tố này bé sẽ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Cho trẻ ăn thức ăn từ loãng tới đặc
Món ăn cho bé khi mới tập ăn dặm không nên quá thô mà nên để bé làm quen với mùi vị kèm độ loãng nhất định sau đó mới đặc dần. Với lưu ý này, mẹ sẽ giúp cho hệ tiêu hóa của bé thích nghi được với thức ăn từ đơn giản đến phức tạp.
Ăn dặm cho bé theo tiêu chí ít và nhiều
Hệ tiêu hóa của trẻ không thể xử lý kịp nếu lượng thức ăn quá mức cho phép. Do đó, thức ăn không những cần sự phong phú mà lượng thức ăn cũng chỉ nên tăng dần, điều này có ý nghĩa giúp cho hệ tiêu hóa được luyện tập tốt hơn. Ví dụ: Mức ban đầu của các thành phần thực phẩm là 5 gram sẽ được tăng dần và tăng đều khoảng 10 gram.
Món ăn có màu sắc thu hút
Từ 6 tháng tuổi trở đi, bé rất thích khám phá thế giới xung quanh và dễ thu hút bởi những đồ vật có hình dạng sinh động, đáng yêu. Dựa theo đặc điểm này, nếu món ăn có màu sắc bắt mắt, sặc sỡ, và các trang trí dễ thương sẽ khiến bé chú ý hơn. Chẳng hạn, bột và cháo là hai cách chế biến thông dụng nhất, mẹ nên tích cực thay đổi màu sắc như có màu xanh của rau cải, màu vàng của trứng gà, màu cam từ củ cà rốt, Khiến trẻ thích thú hơn mà không bị cảm giác nhàm chán.
Các món ăn có màu sắc đẹp thu hút bé hơn
Không ép bé ăn
Xuất phát từ lý do mong con mình được cao lớn, mập mạp, nhiều bậc cha mẹ tìm mọi cách để con ăn theo ý muốn của mình, nếu con lười ăn họ sẽ ép bé ăn mà không hề lường được sự nguy hại từ việc ép ăn gây ra:
Bé không chủ động được nhu cầu ăn của bản thân, bị lệ thuộc vào việc người lớn cho ăn nên không có thói quen tự giới hạn lượng thức ăn.
Ép ăn khiến giảm cảm giác thèm ăn của bé.
Bé cảm thấy bị căng thẳng, áp lực dẫn đến chán ghét mỗi khi ăn.
Ép bé ăn quá nhiều khiến bé quá no, bị ngấy nên bé nôn ra.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng, việc ép ăn gây ra nhiều mặt tiêu cực và ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của bé. Khi bé không muốn ăn, nhiều phụ huynh không tránh khỏi tâm lý lo lắng thậm chí sợ con bị ốm, không tăng cân, Nhưng theo các chuyên gia, hãy để trẻ đói, không nên ép ăn và nên cho trẻ ăn uống theo nhu cầu của cơ thể trẻ. Đặc biệt khi thấy bé từ chối ăn tiếp, cha mẹ cần tạm dừng việc ăn dặm trong thời gian ngắn khoảng 4 – 7 ngày rồi mới quay lại tập luyện cho bé ăn dặm.
Tạo không khi vui tươi, thoải mái khi ăn dặm
Trong mỗi bữa ăn gia đình, không khí ấm cúng, vui tươi sẽ giúp các thành viên ăn ngon miệng hơn và ăn được nhiều hơn. Đối với trẻ nhỏ cũng vậy, nếu bé được ăn một món có màu sắc hấp dẫn, không khí xung quanh bé vui nhộn, thoải mái chắc chắn bé sẽ có một bữa ăn vui vẻ. Mẹ có thể trò chuyện với bé, anh chị của bé ngồi xung quanh động viên, khích lệ bé ăn.
Tạo không khí vui vẻ khi bé ăn dặm
Bữa ăn dặm đầu tiên đa số các bé đều hợp tác tốt với cha mẹ. Tuy nhiên, những lần sau, kết quả có thể không được như lần đầu. Nếu nhận thấy bé không còn háo hức, vui vẻ há miệng mà tỏ ra khó chịu, ngoảnh mặt đi thì có thể bé đã không muốn ăn nữa. Lúc này, mẹ không nên dọa nạt để ép con ăn mà nên kiên nhẫn chờ đợi thử lại.
Phương pháp ăn dặm hiện đại
Hiện nay, ngoài phương pháp ăn dặm truyền thống thì những người mẹ Việt Nam còn áp dụng các phương pháp của người nước ngoài đó là: Phương pháp bé tự chỉ huy và phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Hai phương pháp này đều có ưu điểm rất lớn đó là phát huy tinh thần độc lập của bé, bé ăn theo nhu cầu và tốt cho sức khỏe cũng như như phát triển của trẻ.
Với những nội dung về ăn dặm cho bé và đưa ra những ý kiến để mẹ có hành trang tham khảo ăn dặm sao cho đúng cách cho bé, MEDLATEC hi vọng mẹ và bé sẽ đồng hành với nhau thật vui vẻ, hạnh phúc trong cột mốc phát triển mới của bé – ăn dặm!