Mẹo chữa trào ngược dạ dày gây ho
Nhiều người thường cho rằng ho là vấn đề thuộc về hệ hô hấp. Tuy nhiên, trào ngược dạ dày gây ho kéo dài là tình trạng không hề hiếm gặp. Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng xảy ra khi các chất trong dạ dày trào lên thực quản. Các mẹo dân gian chữa trào ngược dạ dày gây ho từ gừng, lá hẹ,… được đánh giá là hiệu quả và an toàn với người bệnh.
1. Vì sao trào ngược dạ dày gây ho?
- Có tới 25% bệnh nhân ho mạn tính liên quan đến trào ngược dạ dày
Mặc dù, trào ngược dạ dày gây ho kéo dài không phải là triệu chứng điển hình. Nhưng có tới 25% bệnh nhân ho mạn tính có liên quan đến trào ngược dạ dày. Một số nghiên cứu còn cho kết quả lên tới 40%. Ho là phản xạ thông thường của cơ thế, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân xấu gây hại cho sức khỏe. Ho mạn tính được định nghĩa là tình trạng ho kéo dài từ 8 tuần trở lên. Ho lâu ngày có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản,….Tình trạng ho do trào ngược dạ dày gây ra thường được giải thích thông qua hai cơ chế.
Xem thêm
Cơ chế đầu tiên cho rằng ho xảy ra như một hành động phản xạ do acid dạ dày trào vào thực quản.
Cơ chế thứ hai cho rằng dịch vị dạ dày trào lên thực quản dẫn đến thức ăn và acid dạ dày chảy vào thanh quản và cổ họng. Loại trào ngược này được gọi là trào ngược họng – thanh quản (LPR). Trào ngược họng – thanh quản có thể dẫn đến ho như một cơ chế bảo vệ để chống lại tình trạng trào ngược.
2. Đặc điểm xác định trào ngược dạ dày gây ho
Ho được coi là bệnh lý của hệ hô hấp. Tuy nhiên, trào ngược dạ dày gây ho nhiều không phải là trường hợp hiếm gặp. Các đặc điểm của ho do trào ngược dạ dày bao gồm:
- Tính chất ho: thông thường trào ngược dạ dày gây ho có đờm.
- Thời gian ho: trào ngược dạ dày gây ho kéo dài. Một đợt ho của bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản có thể lên đến trên 8 tuần.
- Các đợt ho chủ yếu xảy ra vào ban đêm hoặc sau khi ăn.
- Ho thường xảy ra khi người bệnh đang nằm.
- Ho không kèm theo hen suyễn hay chảy dịch mũi.
- Trên phim chụp X-Quang không cho thấy tổn thương ở phổi
- Ho có thể đi kèm các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, khản tiếng, đau vùng thượng vị,…
3. Mẹo chữa trào ngược dạ dày gây ho tại nhà
Trào ngược dạ dày, ho có đờm thường khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau đớn. Các mẹo chữa trào ngược dạ dày gây ho từ thiên nhiên được áp dụng giúp tiêu đờm, giảm ho, giảm các giác vướng víu, khó chịu ở cổ họng.
3.1 Trà gừng
- Trà gừng là mẹo chữa trào ngược dạ dày gây ho thường dùng nhất
Gingerol trong gừng là chất chống viêm, kháng khuẩn mạnh mẽ. Gừng được sử dụng phổ biến để tiêu đờm, giảm ho.
Cách dùng: Rửa sạch, nướng gừng trên lửa đến khi vỏ cháy xém. Giã nát gừng, thêm nước đun sôi khoảng 10 phút. Uống nước gừng khi còn ấm. Có thể ngậm bã gừng làm cơn ho nhanh chóng dịu lại.
3.2 Lá hẹ hấp mật ong
- Lá hẹ hấp mật ong trị ho cho cả người lớn và trẻ nhỏ
Lá hẹ không chỉ có lợi cho các bệnh đường ruột còn có tác dụng trị ho rất tốt. Lá hẹ chứa Saponin có tác dụng giảm đờm, giảm ho.
Cách dùng: Chuẩn bị một nắm lá hẹ. Rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ thành khúc 2-3cm. Cho lá hẹ vào bát, thêm mật ong vừa đủ. Hấp cách thủy lá hẹ trong vòng 10-15 phút. Ăn lá hẹ cùng nước ngay khi còn nóng. Mỗi ngày có thể ăn khoảng 1-2 lần. Lưu ý: không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
3.3 Nước muối ấm
- Súc miệng bằng nước muối ấm là mẹo chữa ho đơn giản nhất
Nước muối có tính sát khuẩn giúp làm sạch cổ họng, giảm các hơn ho.
Cách dùng: Pha một thìa muối vào một cốc nước ấm, súc miệng mỗi ngày khoảng 2-3 lần.
4. Thuốc điều trị trào ngược dạ dày gây ho
Thông thường, các mẹo chữa trào ngược dạ dày gây ho chỉ có tác dụng giảm ho tạm thời. Nếu không điều trị đúng cách, tình trạng ho có thể tái diễn nhiều lần. Dù ho do trào ngược dạ dày thực quản hay nguyên nhân khác, người bệnh cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để xác định chính xác nguyên nhân. Nếu ho do trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh cần được sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày. Hiện nay, các thuốc thông thường được sử dụng điều trị trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:
- Thuốc kháng acid: thuốc có tác dụng trung hòa với acid Hcl của dạ dày, tăng độ pH trong dạ dày (muối nhôm, muối magnesi)
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): có tác dụng ngăn tiết acid (esoprazole, omeprazole, rabeprazole,….)
- Thuốc kháng thụ thể H2: có tác dụng kháng histamine làm giảm tiết acid (tagamet, ranitidine, zantac…)
- Ngoài ra, các thuốc long đờm, tiêu đờm, giảm ho được sử dụng để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.
5. Lối sống lành mạnh là chìa khóa điều trị trào ngược dạ dày
Bên cạnh các thuốc điều trị triệu chứng, lối sống lành mạnh hơn là yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ tái phát trào ngược dạ dày và ho do trào ngược dạ dày.
- Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Uống đủ nước sẽ giúp làm đờm loãng ra, người bệnh sẽ dễ chịu hơn.
- Không uống rượu bia, đồ uống có cồn.
- Không uống trà, cà phê, đồ uống chứa caffein.
- Không ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế gia vị, cà chua, cam quýt,…
- Chia nhỏ bữa.
- Không ăn trước khi đi ngủ.
- Ngừng hút thuốc lá.
- Ngủ cao đầu.
- Thư giãn, tránh căng thẳng.
BS. Nguyễn Thị Nga