Mẹo chữa nấc cụt ở trẻ sơ sinh – VnExpress

Tạm dừng việc cho bú để ợ hơi, sử dụng núm vú giả,… là những cách mẹ có thể sử dụng để ngăn chặn chứng nấc cụt ở trẻ.

Trẻ sơ sinh bị nấc cụt trong năm đầu tiên không phải vấn đề đáng lo ngại. Hiện tượng nấc cụt xảy ra khi cơ hoành của em bé co lại, dây thanh âm nhanh chóng đóng lại, không khí bị đẩy ra ngoài qua các hợp âm khép kín, tạo ra âm thanh nấc cụt. Cha mẹ lo ngại nấc cụt gây khó chịu cho trẻ sơ sinh, dưới đây là một vài cách chữa nấc cho bé.

Nấc cụt thường không gây hại cho em bé, cha mẹ nên để trẻ tự hết nấc. Ảnh: Medicalnewtoday

Nấc cụt thường không gây hại cho em bé, cha mẹ nên để trẻ tự hết nấc. Ảnh: Medicalnewtoday

Để bé ợ hơi: khi dạ dày trẻ sơ sinh chứa đầy không khí sẽ đẩy lên cơ hoành, gây co thắt. Việc tạm ngừng bú để trẻ ợ hơi làm giảm lượng không khí trong dạ dày giúp trẻ ngăn ngừa nấc cụt. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, nếu trẻ bú bình mẹ nên vỗ ợ sau khoảng 60-90 ml sữa. Trong trường hợp trẻ bú sữa mẹ, nên cho trẻ ợ hơi khi chuyển đổi giữa các vú.

Sử dụng núm vú giả: khi trẻ ngậm núm vú giả cơ hoành được thư giãn giúp trẻ hết nấc.

Nước chùm ngây: theo truyền thống, nước chùm ngây được sử dụng để điều trị đau bụng và các vấn đề về dạ dày. Một số loại thảo mộc kết hợp được với chùm ngây như gừng, thì là, hoa cúc, quế.

Xoa lưng cho em bé: xoa lưng và đung đưa qua lại giúp bé thư giãn, ngăn chặn sự co thắt gây ra nấc cụt.

Cha mẹ không nên làm theo một số bài thuốc “dân gian” chữa nấc cụt không có cơ sở khoa học như: kéo lưỡi, uống nước khi lộn ngược, nhảy nhót,… Những biện pháp này khiến trẻ sơ sinh khó chịu, thậm chí gây nguy hiểm.

Nguyên nhân gây nấc cụt ở trẻ sơ sinh

Nấc cụt không phải hiện tượng đáng lo, phản xạ nấc cụt giúp loại bỏ không khí dư thừa trong dạ dày. Nấc cụt ở trẻ sơ sinh thường không có lý do rõ ràng, việc bú mẹ đôi khi làm trẻ bị nấc do ăn quá nhiều, ăn quá nhanh, nuốt nhiều không khí,…

Thăm khám bác sĩ nếu trẻ bị nấc cụt thường xuyên. Ảnh: Medicalnewtoday.

Thăm khám bác sĩ nếu trẻ bị nấc cụt thường xuyên. Ảnh: Medicalnewtoday.

Trẻ bị nấc cụt thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng trào ngược axit, khi thức ăn đã được tiêu hóa một phần và axit trong dạ dày trào ngược lên qua đường ống dẫn thức ăn. Khi những chất lỏng này đi qua cơ hoành sẽ gây kích ứng, co thắt ở trẻ sơ sinh.

Để ngăn ngừa nấc cụt ở trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể cho trẻ ăn trước khi chúng đói, để giữ cho bé bình tĩnh. Cha mẹ cũng nên cho con ăn thường xuyên với lượng nhỏ, giữ thẳng lưng trong nửa giờ sau mỗi lần bú.

Quỳnh Anh (Theo Medicalnewtoday)