Mèo cào nguy hiểm như chó cắn

Mèo cào nguy hiểm như chó cắn - Ảnh 1.

Nên tiêm văcxin phòng dại cho chó mèo theo đúng định kỳ – Ảnh: DUYÊN PHAN

Vì tưởng mèo cào là bình thường, nên bệnh nhi không nói lại với gia đình và cũng không được tiêm ngừa, cháu bé tử vong ngay sau hơn một ngày nhập viện.

Dại vì mèo không ít

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Quân – trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, đây là ca tử vong liên quan đến mèo dại. 

Đại diện Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết: trước những năm 2000, số bệnh nhân dại do mèo bị dại cào, cắn, không được tiêm ngừa nhập viện chỉ xếp sau số ca liên quan đến chó dại. Gần đây chưa có thống kê riêng, nhưng vị này cảnh báo mèo rất gần gũi với người, nếu không tiêm ngừa cho mèo, nguy cơ làm lây dại sang người rất cao.

Thông thường người ta hay nghĩ chỉ có nguy cơ lây bệnh dại nếu bị chó, mèo hoặc các động vật mang virút dại cắn, nhưng thực tế chỉ cần bị các động vật mang virút bệnh dại cào và không được tiêm ngừa thì nguy cơ tử vong cũng rất cao.

Ông Khương Trần Phúc Nguyên – trưởng phòng thanh tra Chi cục chăn nuôi, thú y TP.HCM – khuyến cáo khi bị chó hoặc mèo cắn, cào, liếm… nạn nhân phải có ý thức rửa sạch vết thương, đi tiêm phòng trong vòng 7 ngày. Thông qua kiểm tra, bác sĩ sẽ có chỉ định tiêm kháng thanh (nếu vết thương gần não) và tiêm văcxin nếu vết thương không trực tiếp đe dọa đến tính mạng.

Mèo cào nguy hiểm như chó cắn - Ảnh 2.

100% tử vong nếu không xử trí kịp

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại do virút dại cổ điển gần như gây tử vong 100% trên người. Do đó khi một người bị động vật cắn, cào hoặc liếm cần phải nhanh chóng rửa vết thương ngay với xà phòng, dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 – 15 phút.

Ngoài ra để phòng ngừa, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod (nếu có), đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt. Khi bị cắn, tuyệt đối không dùng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm. Không băng bó, đắp thuốc kín vết thương.

Nếu nuôi động vật như chó, mèo mà không tiêm phòng thì lúc nào cũng có nguy cơ lây dại rất cao. Bởi vì các loài động vật, đặc biệt là mèo có tần suất tiếp xúc với chuột mang virút dại. Ngoài ra nguồn virút này có trong tự nhiên thông qua tuyến nước bọt của chó, mèo.

Ông Khương Trần Phúc Nguyên

Người bị chó dại cắn, thời gian ủ bệnh dại có thể kéo dài từ một vài ngày đến vài tháng, trong khi thời gian phát bệnh cho đến khi chết chỉ dao động từ 1 đến 7 ngày. “Trên 80% người mắc bệnh dại có các dấu hiệu đau hoặc ngứa ở vết cắn, kèm theo đó là sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài 2-4 ngày. 

Bị chứng sợ nước, tăng động, tức giận, không chịu được tiếng ồn, ánh sáng hoặc không khí. Đặc biệt ở giai đoạn sau, chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng, tỏ ra sợ hãi khi thấy cái chết sắp xảy ra…” – đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, khi bị chó mèo cắn buộc phải tiến hành điều trị, theo dõi trong vòng 10 ngày. Nếu con vật vẫn khỏe mạnh, có thay chế độ dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) thành chế độ tiêm văcxin.

Biểu hiện dại của chó, mèo

Đối với chó, mèo bị dại có các biểu hiện đặc thù là sự thay đổi trong hành vi thông thường của nó, chẳng hạn như cắn, cào khi không bị trêu chọc; ăn những thứ khác thường như gậy, móng tay; chạy mà không có lý do rõ ràng; thay đổi trong âm thanh, ví dụ sủa khàn và gầm gừ hoặc sủa không ra tiếng; tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép, thay đổi thói quen thường ngày hoặc chết đột ngột.

Không xem thường chó, mèo nhà nuôi

Để đề phòng bệnh dại lây lan sang người, trước hết phải ngừa cho chó, mèo. Tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất văcxin, nhưng thông thường người nuôi chó, mèo nên tiêm 2 mũi văcxin ngừa cho chó, mèo trong 6 tháng, hiệu quả phòng bệnh sau tiêm ngừa cho chó, mèo là 3 năm.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Quân khuyến cáo hiện đàn chó, mèo ở nhiều nơi nhiễm bệnh dại, tỉ lệ chó được tiêm phòng dại chỉ đạt gần 40%, chưa có thống kê tỉ lệ tiêm phòng trên đàn mèo, mỗi năm vẫn có khoảng 100 người tử vong do chó, mèo cắn, cào và làm lây bệnh dại. 

Rất nhiều người trong đó nghĩ chó, mèo nhà nuôi hiền lành, sạch sẽ, “vô tư” khi bị mèo, chó nhà nuôi, hàng xóm nuôi cắn, cào nên không thận trọng, dẫn đến bị dại.

Tuyến nước bọt làm lây bệnh dại

Bệnh dại có thể truyền qua vết cào xước của mèo – đây là thông tin cảnh báo trên trang web của Bệnh viện Johns Hopkins, Mỹ. Tuyến nước bọt làm lây lan bệnh dại từ một vật này sang vật khác cũng như con người. Khi con vật bị dại cắn vật hay người, nó sẽ lây truyền virút dại qua nước bọt. Những vết cào xước của mèo bị dại lên người nguy hiểm vì mèo thường có thói quen liếm móng vuốt của chúng.

Thời gian ủ bệnh của virút dại trong cơ thể người kể từ thời điểm bị bệnh này tấn công có thể trong khoảng từ 5 ngày cho tới hơn 1 năm, mặc dù thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 2-3 tháng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc rửa ngay lập tức, rửa kỹ vết cào, cắn của con vật nghi bị dại bằng nước và xà phòng là điều rất quan trọng, có thể xóa được nguy cơ tử vong.

Lãnh đạo phường cũng chưa biết thủ tục đăng ký nuôi chó mèo! Lãnh đạo phường cũng chưa biết thủ tục đăng ký nuôi chó mèo!

TTO – Nhiều phường cũng thừa nhận việc kiểm tra xử lý chó, mèo thả rông chỉ thực hiện khi có phản ảnh từ người dân