#MentalHeal: Jessie Đoàn – “Còn nước là còn tát, còn thở là còn gỡ”
Mình sống ở Sài Gòn từ nhỏ, nhưng ba mẹ mình thì có gốc ngoài Bắc. Mẹ mình làm việc trong quân đội, cực kỳ nghiêm khắc, nói chung là mẹ có hết những “tính phụ huynh” điển hình – mẹ hay kiểm soát, lo lắng thái quá, đặt rất nhiều kỳ vọng lên con cái. Nói thật thì phụ huynh mình ai mà chẳng vậy, họ nghĩ đó là yêu thương, là quan tâm, chăm sóc. Nhưng với mình, những hành động đó lại là thứ đẩy mình đến bờ vực thất vọng và áp lực. Sự thương yêu sai cách của ba mẹ có thể sẽ vô tình ảnh hưởng không tốt đến tâm lý con cái, nhưng đôi khi họ không nhận thức được điều này.
Ba mình thì ngược lại. Ba từng có thời gian làm việc ở nước ngoài nên tư tưởng của ba cũng cởi mở và tâm lý hơn. Ba thương mình, biết cách nói chuyện với mình. Năm mình 14 tuổi thì ba mất. Lúc ấy hai chị gái mình đều đi du học hết, thành ra chỉ còn mình và mẹ sống với nhau. Ở cùng mẹ trong khoảng thời gian lâu như vậy, sống dưới sự kiểm soát và những kỳ vọng của mẹ, thú thực là mình áp lực lắm. Áp lực từ mẹ, từ việc mình không thể nào giải tỏa sự áp lực đó với ai.
Mình cứ chịu đựng như vậy đến năm 18 tuổi, mình đi du học trong một năm, rồi dịch bùng, thế là mình lại quay về Việt Nam. Trong một năm ấy mình đã bắt đầu có những triệu chứng về sức khỏe thể chất, như run tay, mất khống chế cảm xúc. Đến khi về nước, câu chuyện trước đó lại lặp lại, cộng thêm chuyện tình cảm không được như ý. Người bạn trai lúc đó của mình muốn chia tay vì anh ta có người mới, nhưng lại cố tình viện cớ là vì gia đình mình không thích anh ta, vì mình có bệnh tâm lý. Mình là người rất nặng tình cảm nên lúc đó mình shock rất nhiều, thậm chí còn có những suy nghĩ đổ lỗi cho bản thân và gia đình. Những bất đồng vốn đã chất chồng, nên những lý do bạn trai cũ đưa ra để chia tay càng khiến giọt nước trong mình tràn ly. Mình cảm thấy gia đình đang cản trở mọi con đường của mình, từ công việc đến tình cảm. Thế là thành ra những hiểu lầm rất lớn mà mình không thể nào xóa bỏ được.
Những chuyện ấy ập đến cùng một lúc khiến mình bị sang chấn tâm lý. Mình đi khám ngay khi nhận thấy những biểu hiện sinh học ra ngoài cơ thể cũng ngày càng rõ rệt. Mình được chẩn đoán trầm cảm. Mình không nói với ai, bạn bè không, gia đình lại càng không. Mình nghĩ mình có thể tự vượt qua cái bệnh này để sống tốt. Nhưng không, càng ngày bệnh càng nghiêm trọng nên mình phải nói với gia đình rằng: “cả nhà ơi, con bị trầm cảm”. Lúc đó gia đình mình không tin, mọi người chỉ nghĩ chắc con bé mới chia tay bạn trai, buồn rầu ủ dột nên nó nghĩ thế. Thế là mình lại tiếp tục trải qua chuyện đó một mình. Nhưng mình không thể vượt qua, các rối loạn tâm lý khác nhau lại kéo đến mình cùng một lúc. Ở thời điểm đó, mình không thể giữ cho bản thân tỉnh táo để học tập, làm việc hay làm bất cứ việc gì. Mình chỉ biết đau khổ và biết khóc thôi. Mình khóc không thể kiểm soát được, và mình cũng từng tự sát. Khi ấy mẹ mình mới thấy vấn đề quá nghiêm trọng nên mẹ mới đi tìm bác sĩ tâm lý cho mình. Sau khi được điều trị bằng thuốc, mình được khuyên nên đi trị liệu tâm lý. Mình đồng ý luôn. Mình quá tuyệt vọng rồi, làm được gì là mình sẽ làm. Như người ta hay nói đấy thôi, còn nước là còn tát, còn thở là còn gỡ.
Khi mình phát bệnh, gia đình mình bắt đầu cảm thấy hối hận, tại sao hồi đấy không tin nó để nó rơi vào tình trạng như thế. Nhưng mọi người không nghĩ rằng một phần lý do khiến mình như vậy là do gia đình, mà mọi người đổ lỗi cho những yếu tố khác, cho bạn trai cũ của mình. Đến khi bác sĩ giải thích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tâm lý của mình, gia đình mới chấp nhận họ cũng là một nguyên do. Mọi người đối xử nhẹ nhàng, nhường nhịn và ân cần với mình hơn, chẳng hạn như bây giờ ở nhà mẹ cũng cố kiềm chế để không la mắng hay cằn nhằn mình. Trong mắt người nhà, mình là một bệnh nhân, cách họ kiên nhẫn với mình là cách họ đang đối xử với một người bệnh.
Mình mắc bệnh trầm cảm mạn tính rồi, mình cũng xác định là phải sống và chiến đấu với nó cả đời. Cái bệnh này, nhất là vào thời gian đầu phát bệnh, ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của mình.
Trước đây mình mơ ước được học ngành Y và trở thành bác sĩ. Nhưng khi mình biết mình bị trầm cảm, mình buộc phải từ bỏ đam mê này. Trầm cảm không dừng lại ở câu chuyện bệnh tâm lý, nó cũng ảnh hưởng và biểu hiện ở sức khỏe thể chất, sức khỏe sinh học của mình. Mình bắt đầu bị run tay, bị lo âu, hoảng loạn đến mức không kiểm soát được. Đến nước đó rồi thì mình phải bỏ Y thôi, mình không cho phép bản thân tiếp tục đi học hay chữa bệnh cho bệnh nhân khi mà tay mình không vững, và cảm xúc của mình vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Sau đó mình đã suy nghĩ về con đường tiếp theo, và mình chọn truyền thông. Trước đây mình đã từng làm các công việc liên quan đến truyền thông, mình cũng thích truyền thông rất nhiều, chỉ là không thích bằng ngành Y mà mình muốn lựa chọn lúc đầu. Nhưng làm truyền thông một thời gian, mình tự thấy mình cũng có đầu óc sáng tạo, nên hiện tại mình hài lòng với con đường này. Mình vừa được học, được làm điều mình thích, vừa có nhiều thời gian hơn để chữa bệnh. Đó là những gì mình đã làm trong một năm vừa rồi.
Hiện nay, mình vẫn phải uống thuốc hàng ngày và định kỳ trị liệu tâm lý để kiểm soát được tâm trạng và cơ thể của mình. Tình trạng của mình khả quan hơn rồi, nhưng những ảnh hưởng thì không biến mất. Chẳng hạn như vào một khung giờ nào đó trong ngày mình sẽ bắt đầu cảm thấy bồn chồn, lo lắng, hoảng loạn; túm lại là một cảm giác không mấy dễ chịu. Hoặc mình sẽ thở gấp, tim đập nhanh. Bệnh tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến đầu óc mà còn tác động đến cơ thể của mình. Bệnh thuộc về thần kinh mà, mà thần kinh lại là cái thứ điều khiển toàn bộ con người mình. Những hiện tượng đó cũng là điều “đương nhiên phải có” mà thôi.
Nhưng cho đến thời điểm này, mình đã đỡ hơn nhiều rồi. Mình vẫn buồn, căn bệnh trầm cảm vẫn không đi mất. Nhưng so với một năm trước, bây giờ mình đã biết cách kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Sau này khi đã đỡ bệnh, mình đi theo bác sĩ tâm lý của mình và trở thành thư ký của thầy. Việc đó hóa ra lại rất hữu dụng với mình. Mình quan sát và áp dụng những bài tập để giải tỏa áp lực, chẳng hạn như tập hít thở. Mỗi khi gặp áp lực, mình biết mình nên nghĩ gì, làm gì để cảm thấy đỡ hơn. Mình cũng bắt đầu thực hành thiền tỉnh thức. Thiền tỉnh thức về cơ bản là mình làm mọi việc chậm lại, chú tâm hơn, không vội vã. Không phải cứ ngồi một chỗ, khoanh chân, nhắm mắt thì mới gọi là thiền. Mình có thể thiền tỉnh thức bất cứ lúc nào, chẳng hạn như lúc đi bộ mình thả lỏng cơ thể, thả lỏng tâm trí, chú tâm vào bước chân đi, vào ngọn gió lướt qua, vào đóa hoa bên đường. Hay như lúc lắng nghe khách hàng của mình nói chuyện, mình sẽ nghe với tâm thế là nghe kể chuyện, mình đang thưởng thức câu chuyện đấy, chứ mình không nghe vì công việc của mình yêu cầu như vậy. Bài tập đó giúp mình nhiều lắm. Mỗi lần học online, họp hành, trò chuyện, hay khi bị đặt vào một tình huống tương đối gấp rút, căng thẳng, mình biết cách giữ cho bản thân bình tĩnh hơn để đối mặt với những chuyện đó.
Về cơ bản, công việc của mình khi đi theo thầy mình là lắng nghe. Có những khách hàng của thầy là phụ nữ, họ có những vấn đề khó nói với đàn ông, và trong trường hợp đó mình sẽ là người nghe họ kể chuyện, ghi chép lại để thầy mình đưa ra những biện pháp trị liệu tốt nhất phù hợp với hoàn cảnh họ đang gặp phải. Khá may mắn là khách hàng ngày càng tin tưởng mình hơn, họ dần dỡ bỏ những rào cản khi chia sẻ với mình. Mình thấy tốt lắm.
Dĩ nhiên, việc lắng nghe không chỉ đơn giản là… lắng nghe. Mình phải tập cách lắng nghe trong tỉnh thức, và lắng nghe mà không phán xét. Mình lắng nghe với một tâm lý thực sự thoải mái, mình giữ một khoảng cách nhất định để chỉ tập trung vào cảm xúc, vấn đề của khách hàng, và phương pháp giúp họ vượt qua vấn đề đó. Việc lắng nghe không phán xét cũng không hề dễ dàng, một bác sĩ tâm lý hay nhà trị liệu tâm lý phải mất rất nhiều thời gian, cần rất nhiều thực hành mới có thể làm được điều đó. Theo mình, không phán xét có nghĩa là tạm không quan tâm đến khái niệm đúng – sai. Vì bạn biết đấy, cái đúng, cái sai rất mơ hồ, có thể người ta đúng ở thời điểm này nhưng lại sai ở thời điểm khác. Vì thế, việc phân định tính đúng – sai của câu chuyện không còn giá trị trong quá trình lắng nghe khách hàng, bởi mục đích của quá trình này về cơ bản chỉ là để mình biết được chuyện gì đang xảy ra với họ, nguyên do cốt lõi là gì, và xác định xem vấn đề nằm ở đâu để mình giải quyết ngay ở đó.
Nhưng như mình đã nói, đây là một điều khó, rất rất khó. Bản thân các therapist và bác sĩ tâm lý khi hành nghề cũng phải có cho mình một người đồng hành (partner). Như thầy mình chẳng hạn, thầy phải lắng nghe và trị liệu rất nhiều khách hàng, thầy đã tiếp xúc với những trường hợp đau khổ nhất, khó tin nhất. Tất cả những câu chuyện, những cảm xúc đó cũng có khả năng ảnh hưởng đến tâm lý của thầy. Vậy nên bên cạnh việc thực hành thiền tỉnh thức và lắng nghe không phán xét, thầy vẫn cần có một partner, một người để thầy “xả van” hết những suy nghĩ và cảm xúc của thầy ra.
Mình từng đọc qua và tiếp xúc với một số trường hợp mà những bệnh nhân của các căn bệnh tâm lý không thể tìm được sự giúp đỡ mà họ cần ở các bệnh viện tâm thần, hay thậm chí là những phòng khám tư ở Việt Nam. Mình rất hiểu vì chính bản thân mình cũng đã có trải nghiệm tương tự. Mà với những người có vấn đề về tâm lý như chúng mình, chỉ cần một lần như vậy cũng đủ để chúng mình đánh mất niềm tin vào việc chữa trị, trị liệu; trong khi đó lại là lối thoát để tình trạng của chúng mình tốt hơn. Mình đã rất may mắn khi tìm được thầy mình, được thầy trị liệu và nhìn thấy bản thân đang tốt hơn từng ngày.
Có hai điều mình lưu ý để đánh giá xem liệu mình có thể tin tưởng một phòng khám tâm lý hay không. Trước hết, mình sẽ tìm hiểu về chuyên gia tâm lý của phòng khám xem họ đã học ở đâu, có chứng chỉ hành nghề không, có kinh nghiệm và chuyên môn hay không. Thứ hai, mình phải có không gian riêng để mình được nói chuyện một – một với chuyên gia tâm lý của mình, để mình được an toàn và thoải mái kể hết những tâm tư, cảm xúc, những trăn trở, những nỗi lòng của mình.
Như lời giới thiệu lúc đầu, hiện mình đang là admin Jessie của @key4.health. Câu chuyện mình đến với @key4.health là một cái duyên. Mình có follow kênh @sex_and.smoking của anh Đại Tổng, và ngay khi thấy anh đăng story tìm cộng tác viên đồng hành cùng anh, mình đã quyết định apply. Mình và anh Đại Tổng có cơ hội gặp mặt trực tiếp trong một chuyến đi Hà Nội của mình ngay sau đó, và mình ngay lập tức bị thuyết phục bởi những quan điểm truyền thông của anh, những góc nhìn và suy nghĩ hoàn toàn không phán xét. Với mình, anh Đại Tổng là một người văn minh, và mình nể phục anh vì điều đó. Vậy là mình quyết định “đầu quân” cho anh, ban đầu là với vị trí thư ký toà soạn, và sau này là admin của một kênh mới trong hệ thống Key4 – Key4.Health.
Hiện tại, những bài đăng trên feed của key4.health hầu như đang tập trung vào chủ đề sức khỏe thể chất. Còn những nội dung về sức khỏe tinh thần, mình sẽ truyền tải qua Story. Instagram Story có lượng tương tác cao hơn, mà Instagram Story cũng có những tính năng cho phép đặt câu hỏi, bày tỏ quan điểm một cách ẩn danh để nhờ đó, các bạn followers cũng có một không gian đủ an toàn để chia sẻ những câu chuyện của mình và có được sự đồng cảm từ một cộng đồng vốn xa lạ.
Về lâu dài, mình cũng hy vọng trên mạng xã hội sẽ có những không gian an toàn để tất cả mọi người có thể thoải mái chia sẻ những vấn đề cá nhân và tìm kiếm sự giúp đỡ. Mong rằng thông qua những không gian như vậy, những cộng đồng văn minh, an toàn với những thành viên có trách nhiệm sẽ được hình thành. Đó sẽ là nơi chúng ta cùng đọc, cùng đóng góp ý kiến để giải quyết những vấn đề hiệu quả nhất. Chúng ta đều cần phải có trách nhiệm với những câu từ mình nói ra, biết nói những lời hay ý đẹp, thay vì lợi dụng không gian mạng để phán xét, cười cợt và đẩy mọi chuyện đi quá xa tầm kiểm soát.
Chiến dịch #MentalHeal có sự đồng hành cùng dự án Đường dây nóng Ngày Mai (0963061414) – một dự án cộng đồng, phi lợi nhuận, do tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng, và được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên tâm huyết. Ngày mai cung cấp sơ cứu tâm lý, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là người trẻ trầm cảm và người thân của họ. Hotline luôn sẵn sàng lắng nghe mà không phán xét. Ngoài ra, Ngày mai cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần.