Máy thu hoạch ngô đa năng

Máy thu hoạch ngô đa năng

Tháng 8/2004, bà con quanh Nông trường Tô Hiệu (Mai Sơn -Sơn La) được chứng kiến chiếc máy TBN – 02 thay người “bẻ” ngô, công việc này trước đây không ai nghĩ máy có thể làm được. Chỉ sau 3 ngày, với 2 người phục vụ, chiếc máy đã thu hoạch được 3ha, tỷ lệ hao hụt 1,04%, thấp hơn so với dự kiến (3%). Tính trung bình, năng suất làm việc của máy đạt 0,14 ha/giờ. Những nông dân có mặt khi đó hoàn toàn bị chinh phục bởi tính ưu việt của máy. Trước đây, để thu hoạch được 1ha ngô, bà con phải cần 40 – 50 lao động. Tuy nhiên, việc sử dụng lao động phổ thông không phải lúc nào cũng có, nếu không thu hoạch kịp, ngô có hiện tượng nảy mầm làm ảnh hưởng tới chất lượng và năng suất. Nếu có chiếc máy này thì mọi việc trở nên đơn giản. “Tiếng lành đồn xa”, đến nay, chiếc máy đã có mặt ở khắp mọi nơi trong cả nước.

Về hoàn cảnh ra đời của máy, TS Đỗ Hữu Khi, Trưởng phòng Nghiên cứu cơ giới hoá thu hoạch, đồng thời là tác giả của TBN – 02, cho biết: Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nhiều giống ngô mới được đưa vào sản xuất, năng suất, sản lượng cũng như chất lượng ngô không ngừng được nâng lên. Đầu những năm 1970, nhà nước đã cho nhập máy thu hoạch ngô KOP -1 4 của Liên Xô cũ. Tuy nhiên, do cồng kềnh, tỷ lệ hao hụt lớn (12%) nên máy không thu hút được sự chú ý của nông dân. Xuất phát từ những yếu tố này, năm 2001, Viện đã nghiên cứu và chế tạo máy thu hoạch ngô TBN – 02 nhằm giảm tối thiểu tỷ lệ hao hụt và thuận tiện cho người sử dụng.

Liên hợp máy TBN – 02 gồm những bộ phận chủ yếu như bàn bẻ bắp, băng tải, thùng chứa bắp, phay băm thân cây, khung treo trước và sau. Về nguyên lý hoạt động, bộ phận vơ gạt BTN – 02 ở phía trước bàn bẻ bắp sẽ dần đỡ cây lên đưa vào hàng cắt giữa, xích gạt có nhiệm vụ gạt về phía sau vào hai trục bẻ, do bắp ngô to hơn thân cây nên không thể lọt qua khe hở giữa hai trục này. Bắp ngô sau khi bẻ rơi xuống sẽ được chuyển tới băng tải vào thùng chứa phía sau. Thân ngô chuyển động ra phía sau dưới trục bẻ, được phay cuốn vào, băm nhỏ, rải trên ruộng. Điểm đặc biệt của TBN – 02 là ngoài nhiệm vụ thu hoạch bắp, dưới tác dụng của lực nén, thân cây bị đưa vào vỏ phay chịu lực cắt giữa móng búa và răng nên bị băm nhỏ. Đây sẽ là nguồn phân bón tại chỗ có tác dụng tăng độ phì nhiêu của đất, giảm nguy cơ bạc màu và trở thành nguồn phân bón sinh học hiệu quả cho đồng ruộng, có thể giúp năng suất cây trồng tăng 10-15%. “Nhiều nông dân sau khi được chứng kiến chiếc máy thu hoạch ngô hoạt động đã không khỏi ngạc nhiên, đúng là chiếc máy diệu kỳ” – TS. Khi cho biết.

Máy TBN – 02 chỉ cần một người ngồi trên xe điều khiển, khi máy đầy bắp sẽ xả ra đầu bờ. Theo tính toán của TS. Khi, để thu hoạch được 1ha bắp, cần 27 công bẻ và 20 công dọn ruộng, với chi phí 30.000 – 35.000 đồng /lao động /giờ, bà con phải chi trả 1, 5 triệu đồng. Còn với máy TBN- 02 chỉ phải bỏ ra 398.000 đồng, mỗi chiếc máy TBN – 02 có thể làm bằng 40 – 50 lao động phổ thông. Mặc dù giá thành hơi cao (100 triệu đồng /chiếc) nhưng với công suất và hiệu quả của máy thì chỉ sau 2 năm, người mua sẽ thu hồi được vốn.

Tuy nhiên, TS. Khi cũng lưu ý, để sử dụng chiếc máy thu hoạch ngô này, đòi hỏi các lô thửa phải có diện tích khoảng 5.000m2. Ngày 8/10/2004, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận TBN – 02 là một trong những chiếc máy đa năng, hiện đại, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp – nông thôn.


Nguồn: Kinh tế nông thôn, 05/03/2007