Máy cuốn rơm – Giải pháp cơ giới hóa sau thu hoạch lúa

2,167 lượt xem

1

lượt thích

Hiện nay, sau khi thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, thì lượng rơm, rạ rải trên cánh đồng vẫn đang là vấn đề chưa có hướng giải pháp của nhiều địa phương. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tổ chức hội thảo trình diễn máy cuốn thu gom rơm nhằm phục vụ chăn nuôi trâu, bò. Đây sẽ là hướng đi hạn chế tình trạng đốt rơm, rạ, đồng thời tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp này.

Hiện nay, việc ứng dụng cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa làm cho phụ phẩm rơm, rạ sau khi thu hoạch bị phun rải trên đồng ruộng khiến việc thu gom rất khó khăn. Thực tế lượng rơm, rạ được tận dụng chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại do không có nhu cầu sử dụng nên dẫn đến tình trạng người dân đốt rơm, rạ trực tiếp trên cánh đồng, gây ra ô nhiễm môi trường và làm chai cứng đất, giảm khả năng giữ nước, giữ phân bón, làm tăng chi phí sản xuất…. đặc biệt là lãng phí phụ phẩm nông nghiệp. 

Ông Tống Minh Sử – xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư: Sau ngày mà bà con trong thôn đốt rơm, rạ, khói bụi bay hết về khu dân cư, gây ảnh hưởng cuộc sống của người già, rồi cả trẻ nhỏ. Có máy cuộn thu gom rơm như này tôi rất phấn khởi. 

Ông Trần Minh Hưng – Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông Thái Bình: Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tổ chức buổi trình diễn máy cuộn rơm, với mục đích chính để tạo nguồn thức ăn trong chăn nuôi trâu, bò. Đối với Thái Bình, không có lợi thế về đồng cỏ, nên nếu chăn nuôi trâu, bò thì cần tận dụng tốt nguồn phụ phẩm nông nghiệp này. Giá 1 máy cuốn rơm là 350- 400 triệu đồng, nếu khoảng 4, 5 hộ chăn nuôi bò liên kết đầu tư là rất hợp lý.

Theo thống kê, sau thu hoạch lúa lượng rơm rạ để lại trên đồng ruộng khá lớn. Ước tính, riêng với 79.000 ha lúa vụ mùa của Thái Bình, mỗi vụ sẽ phun rải xuống đồng khoảng 500.000 tấn rơm rạ, trong đó riêng khối lượng rơm khoảng 150.000 tấn. Do đó, hiện nay, việc đưa máy móc vào thu gom rơm, rạ là điều hết sức cần thiết. Qua khảo sát, 1 máy cuốn thu gom rơm, rạ có công suất cuộn trung bình từ 50 – 60 cuộn rơm/giờ, trong 8 giờ, máy có thể cuốn khoảng 500 cuộn rơm tương ứng từ 7-8ha rơm. Và có thể cung cấp thức ăn cho từ 450-500 con bò mỗi ngày.

Anh Đoàn Văn Cường – chủ trang trại chăn nuôi bò tại xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư: Máy thu gom rơm rất hiệu quả, rất cần thiết tích trữ thức ăn chăn nuôi bò vào mùa đông, do thời tiết lạnh cỏ voi mọc ít nên cần nguồn thức ăn khác bổ sung. Sắp tới khi tăng số lượng đàn nuôi chắc chắn tôi sẽ đầu tư máy cuốn rơm.

Ông Lê Đình Ngọc – Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và vật tư nông nghiệp 159, Hà Nội: Công ty chúng tôi có 10 máy cuốn thu gom rơm, đã 4 năm nay thu gom ở ngoại thành Hà Nội, làm thức ăn chăn nuôi trang trại bò. Và đây là vụ đầu tiên chúng tôi đưa máy cuốn về để thu gom rơm nhằm hướng tới phục vụ công tác xây dựng trang trại lõi của tỉnh Thái Bình.

Để phục vụ cho chủ trương phát triển đàn trâu, bò thương phẩm của tỉnh theo hướng liên kết chuỗi thì nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi là rất quan trọng. Ngoài trồng cỏ, trồng ngô sinh khối thì người dân có thể tận dụng nguồn rơm rạ. 

Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thái Bình: Năm 2019 là vụ mùa bắt đầu ngành nông nghiệp liên kết với Công ty TT 159 thu gom rơm, các năm chúng tôi  tiếp tục đẩy mạnh liên kết thu gom rơm, rạ và đặc biệt là các phụ phẩm nông nghiệp khác.

Theo đánh giá, việc sử dụng máy cuốn thu gom rơm, rạ sẽ góp phần hạn chế tình trạng đốt rơm, rạ, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa, đồng thời tận dụng tối đa rơm cuộn làm thức ăn chăn nuôi trâu bò, phát triển nghề trồng nấm rơm…, góp phần tạo đà cho sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng ứng dụng công nghệ cao. 

Tuy nhiên, để máy cuốn rơm, rạ được nhân rộng thì rất cần có sự hỗ trợ, liên kết của các doanh nghiệp, và các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cần mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. 

Phương Thúy