‘Mày biết tao là ai không’, phạt 10 triệu đồng, và còn gì nữa?
Tội phạm tình dục luôn phải được xử lý nghiêm khắc và triệt để. Nếu nó được quyền lực dung túng thì càng đòi hỏi phải có những hành động nghiêm khắc, mạnh mẽ hơn.
‘Mày biết tao là ai không’, phạt 10 triệu đồng, và còn gì nữa?
Tội phạm tình dục luôn phải được xử lý nghiêm khắc và triệt để. Nếu nó được quyền lực dung túng thì càng đòi hỏi phải có những hành động nghiêm khắc, mạnh mẽ hơn.
Khuất Thu Hồng
Nhà nghiên cứu
TS Khuất Thu Hồng tốt nghiệp khoa Tâm lý trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow năm 1984 và lấy bằng tiến sĩ Xã hội học tại Viện Xã hội học năm 1997. Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của bà bao gồm giới, tình dục và hoà nhập xã hội cho các nhóm thiệt thòi. Bà từng công tác tại Viện Xã hội học và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Từ năm 2003 đến nay, bà là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS).
Thang máy, xe khách, và giờ lại đến máy bay – những vụ việc quấy rối, sàm sỡ gần đây phản ánh một xu hướng ngày càng đáng lo ngại: Dường như không còn môi trường nào an toàn cho phụ nữ.
Câu chuyện vị khách thương gia tên Vũ Anh Cường có hành vi sàm sỡ khách nữ và tiếp viên trưởng trên chuyến bay của Vietnam Airlines đang tạo ra nhiều phản ứng trong dư luận. Mức “xử phạt kịch khung” 10 triệu đồng của Cảng vụ Hàng không miền Bắc đối với ông Cường dường như vẫn chưa đủ để dư luận tiếp tục đặt câu hỏi: Ông Cường liệu có bị cấm bay? Còn hình thức xử lý tiếp theo với vị doanh nhân này hay không?
Thế nhưng, câu hỏi làm “dậy sóng” dư luận và mạng xã hội nhất trong suốt một tuần vừa qua lại xuất phát từ chính ông Vũ Anh Cường. Khi bị xử lý vì hành vi quấy rối, vị doanh nhân này đã lớn tiếng đe dọa bằng câu nói: “Mày biết tao là ai không?”.
Thực ra, bản thân câu nói ấy không còn xa lạ. Các giai thoại lẫn câu chuyện thực tiễn đã cho thấy: Nhiều người có những vị trí nhất định trong xã hội, được đánh giá có vị thế, nhận thức, khi vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật đã tự cho mình cái quyền đứng trên tất cả.
Khi bị phát hiện có hành vi xấu, nhiều người thường đem những vị thế xã hội hoặc những mối quan hệ quen biết của mình ra để mong gây áp lực cho người khác.
Khi bị phát hiện có hành vi xấu, họ thường đem những vị thế xã hội hoặc những mối quan hệ quen biết của mình ra để mong gây áp lực cho người khác. Đây là việc khá phổ biến trong xã hội những năm gần đây.
Ông Vũ Anh Cường có những mối quan hệ quen biết “lớn” đến cỡ nào vẫn còn là một dấu hỏi. Thế nhưng, việc ông này dùng câu nói “Mày biết tao là ai không?” như một “lệnh bài miễn tử” với suy nghĩ nó sẽ giúp mình phủi mọi trách nhiệm đối với hành vi quấy rối tình dục – trong bối cảnh xã hội đang có nhiều hoài nghi vì cách xử lý chưa thoả đáng các vụ tai tiếng liên tiếp gần đây – là một động thái không thể xem nhẹ, cho qua như đóng phạt rồi thôi.
Giữa tháng rồi, Bộ trưởng Lao động Mỹ Alex Acosta đã phải từ chức giữa cơn bão chỉ trích vì từng ký thỏa thuận xử nhẹ tay tỷ phú Jeffrey Epstein, kẻ xâm hại tình dục trẻ vị thành niên hồi năm 2008.
Thời điểm đó, ông Acosta là công tố viên ở Nam Florida. Năm 2008, Epstein thừa nhận tội danh đề nghị mua dâm, lĩnh án tù 13 tháng và bị đưa vào danh sách tội phạm tình dục. Tuy nhiên, thỏa thuận trên cho phép tỷ phú khét tiếng này ra khỏi cơ sở giam giữ 6 ngày trong tuần để đến nơi làm việc.
Tháng 2/2019, một thẩm phán ở Florida ra phán quyết khẳng định văn phòng công tố của ông Acosta đã vi phạm pháp luật khi ký thỏa thuận này. Và đầu tháng 7, tỷ phú Epstein bị bắt tại New York vì tội buôn bán nô lệ tình dục vị thành niên. Các công tố viên New York cho biết gã tỷ phú bệnh hoạn “săn” những “con mồi” rất trẻ, chỉ 14-15 tuổi.
Ngay sau khi Epstein xộ khám, truyền thông Mỹ đồng loạt phanh phui mối quan hệ trong quá khứ của đại gia này với cựu Tổng thống Bill Clinton, đương kim Tổng thống Donald Trump và nhiều người nổi tiếng khác.
Một vấn đề khác cũng được truyền thông nước này đặt ra: Hình thức xử lý nhẹ tay đối với Epstein không phải là trường hợp duy nhất những người đàn ông có tiền, có quan hệ được bao che bởi hệ thống công quyền. Và đó là một trong những trở ngại lớn nhất đối với phong trào #MeToo bảo vệ quyền phụ nữ trước nạn quấy rối tình dục.
Tội phạm tình dục luôn phải được xử lý nghiêm khắc và triệt để. Nếu nó được quyền lực dung túng thì càng đòi hỏi phải có những hành động nghiêm khắc, mạnh mẽ hơn.
Thông điệp từ vụ bê bối trên rất rõ: Tội phạm tình dục luôn phải được xử lý nghiêm khắc và triệt để. Nếu nó được quyền lực dung túng thì càng đòi hỏi phải có những hành động nghiêm khắc, mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh việc bảo vệ phụ nữ trước mối nguy quấy rối tình dục vốn đã khó khăn tại Việt Nam, thông điệp đó càng phải được thể hiện dứt khoát hơn bao giờ hết.
Năm 2014, một báo cáo có tên “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” do tổ chức ActionAid chỉ ra: Rất nhiều đàn ông ở Việt Nam nghĩ việc trêu ghẹo phụ nữ là “bình thường” và thậm chí chính phụ nữ cũng thấy vậy, dù họ cảm thấy “không thoải mái” và đôi khi “sợ hãi”.
Báo cáo trên tiến hành khảo sát 2.000 người tại Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, “87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng”.
Bản chất hành vi quấy rối tình dục đã đáng lên án. Nếu kẻ quấy rối là người có địa vị hoặc cậy nhờ những mối quan hệ quen biết của mình để thoát tội thì càng phải được xử lý nghiêm khắc hơn. Đó mới chính là công bằng.
Việc dùng vị thế xã hội hay mối quan hệ thân quen với “ông nọ, ông kia” để gây áp lực cho thấy thực tế trong xử lý từng có sự nể nang, nương nhẹ, bỏ qua.
Việc dùng vị thế xã hội hay mối quan hệ thân quen với “ông nọ, ông kia” để gây áp lực cho thấy thực tế trong xử lý từng có sự nể nang, nương nhẹ, bỏ qua.
Không thể để pháp luật hay các quy ước của chúng ta tồn tại ở một chuẩn mực kép. Tức là cùng một hành vi vi phạm nhưng với người này thì bị xử lý, với người khác lại không. Việc thực thi pháp luật không nghiêm dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, bất chấp luân thường đạo lý.
Luật pháp phải rất nghiêm minh, thống nhất cách áp dụng với bất kỳ ai. Có như vậy, tâm lý ỷ thế, cậy quyền mới không còn đất để dung dưỡng để từ đó, thay đổi nhận thức xã hội và răn đe những người khác.
Hiệu quả của câu nói “Mày biết tao là ai không?” trong nhiều trường hợp khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc lại.
Và có lẽ, sau vụ việc này, câu hỏi của ông Vũ Anh Cường sẽ trở thành câu hỏi tu từ. Vì cả xã hội sẽ bắt đầu biết ông là ai.