Mẫu hợp đồng dịch vụ pháp lý mới nhất năm 2023

Thực tiễn tư pháp và bảo đảm quyền con người trên thế giới đã cho thấy, hoạt động TGPL có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo đảm và hiện thực hóa các quyền con người. ở Việt Nam, điều này càng cần thiết, nhất là trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà người nghèo, vùng sâu, vùng xa và đối tượng chính sách chiếm một tỷ lệ tương đối lớn.

 

4. Pháp luật quốc tế và quốc gia về quyền được trợ giúp pháp lý

Quyền được TGPL hay quyền tiếp cận TGPL là một quyền cơ bản trong hệ thống quyền con người, là một quyền cụ thể của quyền tiếp cận tư pháp (hay quyền tiếp cận công lý). Nội hàm của nó là những yêu sách chính đáng của cá nhân hoặc nhóm người nhất định về việc được tiếp cận hệ thống dịch vụ và tư vấn pháp lý miễn phí dựa trên quy định của pháp luật. Quyền được TGPL khác với hoạt động TGPL ở chỗ, đó là phạm trù dùng để chỉ khả năng và năng lực của chủ thể thụ hưởng sự TGPL được pháp luật bảo đảm; trong khi đó, hoạt động TGPL chỉ hệ thống và cách thức cung cấp dịch vụ TGPL. Chủ thể của quyền TGPL là cá nhân. Chủ thể của hoạt động TGPL là nhà nước và xã hội. Hoạt động TGPL có hiệu quả hay không tuỳ thuộc vào cơ chế thực thi nó và việc xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động dựa trên quyền và lợi ích của đối tượng thụ hưởng làm xuất phát điểm, đồng thời làm phương tiện và mục đích cho toàn bộ hoạt động TGPL.

Quyền tiếp cận tư pháp nói chung và tiếp cận TGPL nói riêng được quy định tại một số công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự – chính trị năm 1966, Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Quyền được TGPL được ghi nhận đầy đủ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 khẳng định ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được tôn trọng và bảo đảm.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Chương IV về người tham gia tố tụng có những quy định về bảo đảm quyền được TGPL của công dân.

>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình gọi số: 1900.6162

Thêm nữa, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị, đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường vai trò và chất lượng của hệ thống tư pháp trong việc bảo đảm quyền con người ở nước ta. Chiến lược này cũng chú trọng vào việc tăng cường năng lực của cán bộ tư pháp, xây dựng nền tư pháp độc lập, vững mạnh và nâng cao vai trò của luật sư như là một điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm tốt quyền tiếp cận công lý và TGPL của người dân.

 

5. Bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý: thành tựu và thực trạng

Trong những năm qua, hoạt động TGPL và việc bảo đảm quyền được TGPL đã đạt những thành tựu đáng kể, góp phần tích cực vào việc cải thiện và thúc đẩy việc thụ hưởng các quyền con người và quyền công dân của người dân. Kết quả đáng khích lệ của hoạt động TGPL phản ánh tinh thần của chiến lược cải cách tư pháp, quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và đặc biệt từ hệ quả của sự ra đời của Luật TGPL và Luật Luật sư. Theo số liệu khảo sát của Cục TGPL, Bộ Tư pháp, tính từ năm 1997 cho đến năm 2007, cả nước đã có tới hơn một triệu người được TGPL, trong đó có tới 65.337 người được nhận đại diện và bào chữa; 19.937 người được hoà giải thông qua sự TGPL. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn pháp lý thông qua hình thức cung cấp thông tin pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục vẫn là hoạt động chủ đạo của công tác TGPL, với 994.423 người nhận được sự TGPL theo hình thức này. Trong số các đối tượng chính sách được TGPL, có tới hơn một nửa là người nghèo, điều này cũng phản ánh tương đối sát thực tiễn người nghèo cần TGPL (1). Ngoài ra, trong số những đối tượng nhận TGPL, có tới hơn 40% là phụ nữ đã phản ánh thực tế phụ nữ là một trong những đối tượng cần phải được đặc biệt quan tâm và ưu tiên trong hoạt động cung cấp TGPL.

Hoạt động TGPL trong thời gian qua đã góp phần đáng kể vào việc thụ hưởng quyền tiếp cận công lý và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của những người nghèo, đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, trẻ em và phụ nữ. Nó góp phần quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là ở địa phương, và tới những đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội, nhờ đó họ nâng cao được nhận thức về pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ dân sự và hình sự có liên quan. Hoạt động TGPL đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của cán bộ, công chức và người dân về pháp luật cũng như quyền và nghĩa vụ liên quan của cán bộ, công chức đối với nhân dân. Theo ý nghĩa đó, TGPL tăng cường việc bảo đảm và hiện thực hoá các quyền con người và quyền công dân của các cá nhân.

Cùng với sự ra đời của Luật TGPL và Luật Luật sư, các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật đã góp phần tích cực vào cải thiện nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật cũng như việc nâng cao vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của những người tham gia hoạt động tố tụng và các trợ giúp viên pháp lý, các cộng tác viên đối với việc bảo đảm quyền được TGPL của đối tượng thụ hưởng. Chẳng hạn, Mục I của Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tài chính – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Toà án nhân dân tối cao số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng quy định về trách nhiệm của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án cần phải cung cấp thông tin và hướng dẫn tiếp cận TGPL cho bị can, bị cáo và các đương sự liên quan. Cơ quan tố tụng khi giải thích cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật tố tụng thì phải giải thích cho họ về quyền được TGPL và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về TGPL (điểm 4, Mục I của Thông tư liên tịch). Đây là những điểm mới trong công tác thực thi pháp luật và bảo đảm quyền con người của các cá nhân, đặc biệt là quyền được TGPL từ nghĩa vụ thực thi của các cơ quan tố tụng và cán bộ áp dụng pháp luật.

Bên cạnh những thành tựu nói trên, việc bảo đảm quyền được TGPL của người dân vẫn còn nhiều bất cập.

Một trong những bất cập, hạn chế của việc bảo đảm quyền được TGPL cho người dân là hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết, cụ thể về tiêu chí thụ hưởng quyền được TGPL của các đối tượng được nêu trong Điều 10 của Luật. Hơn nữa, đối tượng được TGPL theo quy định của Luật còn hạn chế và chưa phản ánh đầy đủ tinh thần nhân văn, nhân đạo của pháp luật nước ta cũng như của việc thực thi nghĩa vụ của Việt Nam đối với chuẩn mực quốc tế về quyền con người được thể hiện trong các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Chẳng hạn, Luật TGPL chỉ thừa nhận quyền được TGPL cho đối tượng là trẻ em không nơi nương tựa, chứ chưa phải là trẻ em nói chung, cũng như đối tượng là người nghèo mà chưa có những quy định mở rộng cho những đối tượng có thu nhập thấp hoặc những người thất nghiệp, vô gia cư… Trong khi đó, pháp luật quốc tế quy định rằng, trẻ em là đối tượng đặc biệt cần phải được bảo vệ và có quyền được tiếp cận tư pháp và TGPL miễn phí. Điều 40 (khoản b, đoạn ii) của Công ước quốc tế về quyền trẻ em cũng khẳng định, bất cứ trẻ em nào bị khởi tố là đã vi phạm pháp luật hình sự đều có quyền được trợ giúp về pháp lý hoặc sự trợ giúp thích hợp khác cho sự biện hộ của mình. Điều 14 (khoản 3, đoạn d) của Công ước quốc tế về quyền dân sự – chính trị quy định trong quá trình xét xử với một tội hình sự, mỗi người đều có quyền được tự bào chữa hoặc nhờ sự giúp đỡ về pháp lý do mình lựa chọn, được nhận sự TGPL mà người ấy không phải trả tiền nếu không có đủ điều kiện chi trả (2). Thực tiễn tư pháp ở các quốc gia châu Âu và Toà án châu Âu cũng cho thấy, đối tượng thụ hưởng TGPL không chỉ là những người không có khả năng chi trả trong các vụ án hình sự, trong quá trình tố tụng hình sự, mà còn cả cho những vụ án dân sự – trong quá trình tố tụng dân sự (3). Thực tiễn này đặt ra kinh nghiệm cho hoạt động TGPL ở Việt Nam dựa trên cách tiếp cận quyền. Thêm nữa, ở Việt Nam, đối tượng được TGPL hiện nay chưa bao hàm những người cũng được coi là yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và chiếm số lượng khá lớn là phụ nữ ở nông thôn. Nhiều vụ án dân sự, hình sự liên quan đến quyền và lợi ích của nhóm đối tượng này đã xảy ra, nhưng không phải tất cả họ đều có thể có quyền được TGPL.

Trong bất kỳ một xã hội văn minh, dân chủ nào, luật sư đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động tố tụng và bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, vai trò của luật sư ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Cùng với sự thiếu hụt về số lượng là chất lượng của đội ngũ luật sư. Hiện cả nước mới chỉ có hơn 4.000 luật sư trên tổng số 86 triệu dân, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. So sánh với các quốc gia phát triển như Vương quốc Anh, tỷ lệ luật sư trên số dân là 1/430(4); Hoa Kỳ là 1/300 dân (5). Trong khi đó, tỉ lệ của Việt Nam là 1/25.000 dân, chỉ xấp xỉ bằng 1/60 so với Vương quốc Anh. So với những quốc gia trong khu vực, tỷ lệ luật sư trên người dân của nước ta vẫn là rất thấp. Quốc gia láng giềng Trung Quốc có tỉ lệ luật sư trên số dân là 1/12.000(6), Hàn Quốc là 1/4.400(7) và Nhật Bản là 1/5.500 dân (8). Sự thiếu hụt đội ngũ luật sư ở nước ta đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền được TGPL của người dân. Ngoài ra, hệ thống giáo dục pháp luật và nghề luật nước ta trong những năm qua chưa thực sự chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng hành nghề và trang bị tri thức pháp luật quốc tế và quốc gia về quyền con người. Hệ quả là đội ngũ luật sư – những người tham gia trực tiếp vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân còn hiểu rất mơ hồ và thiếu sâu sắc về quyền con người. Đó là chưa kể đến những luật sư thiếu nhiệt tình, thiếu đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

Thêm nữa, hiện nay chúng ta vẫn chưa có các luật sư công có trách nhiệm tham gia hoạt động TGPL và cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí. Mặc dù pháp luật khuyến khích sự tham gia tự nguyện, tích cực và chủ động đối với hoạt động TGPL, nhưng thực tiễn cho thấy sự tham gia ở mức độ rất hạn chế của đội ngũ luật sư vào hoạt động TGP. Điều này cũng có thể giải thích là do sự thiếu hụt đội ngũ luật sư nói chung cũng như sự vắng bóng của đội ngũ luật sư công nói riêng trong hệ thống tư pháp Việt Nam. Thêm nữa, phần lớn các luật sư tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong khi nhu cầu được TGPL lại chủ yếu nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo dự kiến của Bộ Tư pháp, trong những năm tới, chúng ta phải cần từ 18.000 đến 20.000 luật sư mới có thể đáp ứng được nhu cầu tiếp cận dịch vụ pháp lý của người dân.

TGPL là hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí (mặc dù ngân sách cho hoạt động được nhà nước chi trả), nhưng chất lượng của loại hình dịch vụ này chưa thực sự bảo đảm và đạt kết quả tốt. Chẳng hạn, trong các vụ việc đại diện và bào chữa cho những người tham gia tố tụng thuộc đối tượng thụ hưởng TGPL, chưa có được sự đại diện và bào chữa của các luật sư hoặc bào chữa viên có kinh nghiệm. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận công lý và quyền tiếp cận công lý của người được thụ hưởng TGPL.

Là hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hoá và nền kinh tế thị trường, ở các thành phố lớn ngày càng có nhiều người lao động nhập cư đến từ các địa phương lân cận. Theo con số chưa đầy đủ của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, tại những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, có đến hàng trăm nghìn người lao động nhập cư đang làm việc và tìm việc trong các khu vực kinh tế khác nhau (9). Họ thường là đối tượng bị thiệt thòi và phải chịu đựng những điều kiện lao động khắc nghiệt, hay gặp rắc rối về việc chi trả, bồi thường phát sinh trong quan hệ lao động. Rõ ràng, người lao động nhập cư là nhóm người chịu thiệt thòi mới trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó là khoảng nửa triệu công dân Việt Nam đang lao động ở nước ngoài ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ nhiều khi bị lạm dụng, bị vi phạm bởi những nhà tuyển dụng, người chủ lao động trong khi hiểu biết về pháp luật của họ rất hạn chế, nhất là pháp luật của nước sở tại. Không ít lao động này vì điều kiện lao động hà khắc mà tự ý đơn phương từ bỏ hợp đồng lao đồng và trôi nổi trên thị trường lao động bất hợp pháp nên họ càng dễ dàng bị lợi dụng và vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp. Họ thực chất cũng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, hơn nữa là nhóm người thiểu số trong xã hội ấy. Tuy nhiên, họ vẫn không là đối tượng được TGPL.

Đối với các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như: phụ nữ, trẻ em, người tàn tật, những người thiểu số, quyền được tiếp cận tư pháp nói chung và quyền được TGPL nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc thụ hưởng quyền con người trên thực tế. Việc bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương này sẽ không thể có hiệu quả và đầy đủ nếu nhận thức về quyền cũng như cơ chế trợ giúp không có tính thực thi cao. Kinh nghiệm của các địa phương trong những năm qua đã cho thấy rõ điều này. Tuy nhiên, trong hoạt động TGPL, các trung tâm TGPL địa phương chưa hoạt động có hiệu quả vì đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên chưa thực sự nắm vững pháp luật nói chung và quyền con người nói riêng (10).

 

6. Một số đề xuất bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của công dân

1. Hoạt động tư pháp nói chung và TGPL nói riêng cần phải được xây dựng dựa trên việc định hướng về quyền hay tiếp cận dựa trên quyền. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền trong hoạt động TGPL đòi hỏi các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL và các cơ quan công vụ tham gia vào hoạt động này phải thay đổi nhận thức, hành vi và kỹ năng thực hành TGPL. Điều đó đặt ra yêu cầu đào tạo một cách có hệ thống tri thức về cách tiếp cận dựa trên quyền và về quyền con người cho chủ thể thực hiện TGPL. TGPL được thực thi dựa trên việc định hướng vào các giá trị thụ hưởng về quyền tiếp cận công lý và quyền được TGPL của người dân.

2. Quyền tiếp cận công lý và quyền được TGPL của người dân sẽ không thể được đảm bảo hiệu quả nếu thiếu vắng sự nhận thức tương đối đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của chính người dân. Chừng nào người dân còn mơ hồ về quyền của mình, chừng đó không tránh khỏi những hạn chế tất yếu của người dân trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu như người dân không biết mình có những quyền gì và để thực hiện được quyền cần phải làm gì, họ sẽ vẫn chưa thể tiếp cận được với hệ thống TGPL và tư pháp. Cuộc khảo sát gần đây của UNDP tại Hà Nội trong khuôn khổ dự án về quyền tiếp cận tư pháp (năm 2004) đã chỉ ra rằng, trình độ nhận thức pháp luật và quyền con người nói chung còn rất hạn chế trong dân chúng (11). Cuộc khảo sát của UNDP năm 2006 cũng cho thấy chỉ 6% người nghèo, gia đình chính sách… hiểu rằng họ có quyền được trợ giúp pháp lý (12). Điều đó hiển nhiên đã hạn chế khả năng tiếp cận và thụ hưởng các quyền của người dân. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, đơn giản, hướng đến con người là cần thiết để người dân dễ hiểu. Hơn nữa, ngoài việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật thì phải nâng cao dân trí để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân.

3. Để hoạt động TGPL đạt hiệu quả và thực chất, cần có sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc thụ hưởng quyền được TGPL sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự phối kết hợp, hợp tác chặt chẽ và đồng bộ giữa đội ngũ làm công tác TGPL (trợ giúp viên pháp lý, luật sư và cộng tác viên) và các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, kiểm sát, toà án).

4. Cơ chế bảo đảm và thực thi quyền TGPL của người dân cần phải được đặc biệt chú trọng tới cả hai yếu tố là tự nguyện và bắt buộc trong hoạt động cung cấp TGPL cho đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh phương thức khuyến khích và động viên sự tham gia tự nguyện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ pháp lý tham gia vào hoạt động TGPL, Nhà nước cần có những chính sách bắt buộc, ví dụ các luật sư cần phải nhận chỉ tiêu TGPL mỗi năm hoặc theo định kỳ để đảm bảo rằng cung cấp TGPL cho đối tượng thụ hưởng là nghĩa vụ của người luật sư. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Anh, Mỹ và cả Trung Quốc (13) cho thấy điều này.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về quyền con người cho đội ngũ luật sư là tất yếu cần thiết trong chiến lược cải cách hệ thống tư pháp nói chung cũng như chiến lược cải cách hoạt động TGPL nói riêng. Nhà nước cần đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ luật sư để nhanh chóng đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Đội ngũ luật sư phải được tăng cường về chất lượng và số lượng. Mở rộng quyền và nghĩa vụ của luật sư, đồng thời cần có những cơ chế thực thi thích hợp để tăng cường vai trò của luật sư trong hoạt động cung cấp TGPL cho người dân.

5. Trên thực tế, người được TGPL là người dân tộc thiểu số cũng tương đối lớn. Rất nhiều người trong số họ không thể nói được tiếng Việt. Để bảo đảm quyền được TGPL của nhóm người này, Nhà nước nên có chính sách đào tạo đội ngũ phiên dịch viên. Đội ngũ phiên dịch viên sẽ giúp cho việc chuyển tải thông điệp của Nhà nước đến người dân và mong muốn của người dân đến các cơ quan nhà nước được tốt hơn, bảo đảm kịp thời quyền và lợi ích của người được TGPL.

6. Đối với người lao động nhập cư, Nhà nước cần có những sự điều chỉnh về hệ thống pháp luật và chính sách nói chung cũng như về cơ chế bảo đảm và thực thi pháp luật về TGPL nói riêng để trao quyền được TGPL cho người lao động nhập cư. Một trong những biện pháp bảo đảm thực tiễn đó là hệ thống công đoàn địa phương cần có sự quan tâm đối với nhóm đối tượng lao động nhập cư và tham gia cùng với các cơ quan, tổ chức cung cấp TGPL khác của Nhà nước và xã hội, giúp họ tiếp cận được với công lý và TGPL khi xảy ra những tranh chấp lao động hay những vi phạm quyền, lợi ích của người lao động từ giới chủ sử dụng lao động.

7. Cuối cùng, phải xác định rằng, dù TGPL là dịch vụ miễn phí cho người nghèo, nhóm dễ bị tổn thương và đối tượng chính sách, thì chất lượng dịch vụ ấy cũng phải ngang bằng với chất lượng dịch vụ pháp lý có thu phí, bởi hoạt động này là nhằm bảo vệ quyền con người cho những đối tượng nhất định. Vì vậy, Nhà nước nên quy định cụ thể về nghĩa vụ cung cấp dịch vụ TGPL của các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia TGPL. Đó là công việc đương nhiên của họ chứ không phải là hoạt động ban ơn. Ngoài ra, phải đặt quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng được TGPL bình đẳng thực sự về quyền tiếp cận pháp lý so với các đối tượng có chi trả khác.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi về email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.