Mẫu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp mới nhất | MAN
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay đăng ký kinh doanh (giấy chứng nhận ĐKKD) luôn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Được coi như “giấy khai sinh” và khẳng định doanh nghiệp được thành lập một cách hoàn toàn hợp pháp dưới sự quản lý của Nhà nước. Trong bài viết sau, hãy cùng MAN tìm hiểu rõ hơn về điều kiện được cấp giấy chứng nhận và những vấn đề liên quan nhé.
Mục Lục
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là gì?
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là giấy chứng nhận hoạt động thành lập doanh nghiệp hợp pháp được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp cần có giấy chứng nhận ĐKKD để được công nhận về năng lực pháp lý và được bảo hộ quyền sở hữu tên doanh nghiệp.
Có thể nói, giấy chứng nhận ĐKKD là loại giấy tờ pháp lý đầu tiên mà bất cứ doanh nghiệp hợp pháp nào cũng đều phải có. Doanh nghiệp không được cấp loại giấy này sẽ được coi như không tồn tại và đang hoạt động trái pháp luật.
Hiện nay, giấy chứng nhận ĐKKD còn có tên gọi khác là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (giấy chứng nhận ĐKDN).
Theo khoản 15 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Giấy chứng nhận ĐKDN là văn bản dạng giấy hoặc dạng điện tử trong đó cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, được Cơ quan ĐKDN cấp cho doanh nghiệp.
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Dựa trên Điều 27 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần thỏa mãn những điều kiện sau:
- Ngành nghề ĐKKD không thuộc diện bị cấm đầu tư kinh doanh
- Tên doanh nghiệp được đặt hợp lệ
- Có đầy đủ hồ sơ ĐKDN theo đúng quy định
- Nộp đầy đủ lệ phí ĐKDN theo quy định
Nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Căn cứ trên Điều 28 Luật Doanh nghiệp năm 2020, giấy chứng nhận ĐKDN sẽ bao gồm những thông tin cơ bản sau đây:
Tên và mã số doanh nghiệp
Tên công ty được cấu thành bởi phần chung và phần riêng. Trong đó phần chung tương ứng với loại hình doanh nghiệp. Ví dụ như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân…
Phần riêng nhằm giúp phân biệt giữa các doanh nghiệp với nhau. Vì vậy theo quy định, doanh nghiệp không được đặt trùng tên hoặc gây hiểu lầm về loại hình doanh nghiệp.
Ngoài ra khi đặt tên doanh nghiệp cũng tuyệt đối không được xuyên tạc lịch sử, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Không được bổ sung các ký tự đặc biệt vào tên công ty, không lấy một phần hoặc toàn bộ tên của đơn vị Nhà nước.
Để tránh sự trùng lặp, bạn có thể kiểm tra danh sách tên công ty, doanh nghiệp đang hoạt động tại Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Mã số doanh nghiệp sẽ song song tồn tại cùng với tên doanh nghiệp. Mỗi đơn vị có một mã số doanh nghiệp khác nhau và đây cũng là mã số thuế của doanh nghiệp.
Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp
Trụ sở chính cũng là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được đặt trên lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó còn có thêm số điện thoại liên hệ và số Fax.
Thông tin về các tổ chức, cá nhân
Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, người đại diện pháp luật của công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn cần cung cấp đầy đủ thông tin: Họ tên, quốc tịch, địa chỉ liên lạc và số giấy tờ pháp lý.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên là cá nhân cần ghi rõ họ tên, quốc tịch, địa chỉ liên lạc và số giấy tờ pháp lý; thành viên là tổ chức cần nêu rõ tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính.
Vốn điều lệ, vốn đầu tư
Doanh nghiệp tư nhân cần nêu rõ vốn đầu tư, công ty cần nêu rõ vốn điều lệ.
Điều 34 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP nêu rõ: Các nội dung có trong giấy chứng nhận ĐKDN sẽ được công nhận là có giá trị pháp lý tính từ thời điểm doanh nghiệp được chính thức cấp Giấy chứng nhận. Một khi đã được cấp giấy chứng nhận ĐKDN mới thì Giấy chứng nhận cũ sẽ không còn hiệu lực.
Các mẫu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Các mẫu giấy chứng nhận ĐKDN hiện được đính kèm tại Phụ lục IV của Thông tư số 01/2021/TT-BKHDT.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là công ty TNHH hai thành viên trở lên
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là công ty cổ phần
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là công ty hợp danh
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện
Những quy định về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Thẩm quyền cấp và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Những doanh nghiệp thuộc các loại hình: công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân sẽ đăng ký cấp Giấy chứng nhận ĐKDN tại Phòng đăng ký kinh doanh trực thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư tại khu vực đặt trụ sở công ty.
Những Hộ kinh doanh sẽ tiến hành đăng ký cấp Giấy chứng nhận ĐKKD tại Phòng Tài chính – Kế hoạch trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể làm thủ tục xin Giấy chứng nhận ĐKKD tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp sẽ được Nhà nước cấp lại Giấy chứng nhận ĐKDN trong trường hợp Giấy chứng nhận bị hư hỏng, bị mất hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác. Doanh nghiệp đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận phải nộp lệ phí theo quy định.
Thủ tục đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận ĐKDN như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh tại khu vực đặt trụ sở chính của doanh nghiệp và nộp văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận ĐKDN.
Bước 2: Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ xem xét đề nghị cấp lại trong tối đa 03 ngày làm việc, tính từ ngày tiếp nhận văn bản đề nghị cấp lại.
Trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Doanh nghiệp thuộc 1 trong những trường hợp sau đây sẽ bị thu hồi lại Giấy chứng nhận ĐKDN:
- Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cung cấp những thông tin sai sự thật
- Doanh nghiệp được thành lập bởi những đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp, căn cứ trên khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020
- Doanh nghiệp đã ngừng kinh doanh 01 năm mà không khai báo với Cơ quan thuế và Cơ quan đăng ký kinh doanh
- Doanh nghiệp không nộp báo cáo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh căn cứ trên điểm c khoản 1 Điều 216 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 trong thời hạn tối đa là 06 tháng tính từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản hoặc hết hạn gửi báo cáo.
- Những trường hợp khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc của Tòa án theo quy định pháp luật.
Quy trình thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Nếu muốn điều chỉnh nội dung của Giấy chứng nhận ĐKDN thì doanh nghiệp cần đăng ký lại với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Thời hạn đăng ký thay đổi
Doanh nghiệp phải đăng ký điều chỉnh nội dung của Giấy chứng nhận ĐKDN trong thời hạn 10 ngày tính từ ngày có thay đổi.
Thời hạn giải quyết
Trong tối đa 03 ngày làm việc tính từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải đánh giá hồ sơ có hợp lệ hay không và cấp Giấy chứng nhận ĐKDN mới cho doanh nghiệp. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cần gửi văn bản thông báo cho doanh nghiệp về nội dung cần sửa đổi hoặc bổ sung.
Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận ĐKDN thì cần gửi văn bản thông báo cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Thủ tục đăng ký thay đổi
Thủ tục đăng ký điều chỉnh thông tin của Giấy chứng nhận ĐKDN cho từng trường hợp cụ thể đã được nêu rõ tại Điều 47 đến Điều 55 và từ Điều 61 đến Điều 64 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Thủ tục đăng ký thay đổi theo quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài
Sau đây là quy trình đăng ký điều chỉnh thông tin của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài:
Trong thời hạn 15 ngày làm việc tính từ ngày quyết định, bản án của Tòa án hoặc phán quyết của Trọng tài đi vào hiệu lực, doanh nghiệp cần gửi đề nghị đăng ký thay đổi thông tin Giấy chứng nhận ĐKDN cho Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.
Những giấy tờ nộp kèm hồ sơ đăng ký gồm có: bản sao bản án, phán quyết của Trọng tài hoặc quyết định của Tòa án đã đi vào hiệu lực.
Trong thời hạn 03 ngày tính từ ngày tiếp nhận đề nghị đăng ký thay đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cần xem xét và cấp Giấy chứng nhận ĐKDN mới căn cứ trên quyết định, bản án của Tòa án hoặc phán quyết của Trọng tài đã đi vào hiệu lực.
Nếu hồ sơ không hợp lệ thì Cơ quan ĐKKD cần gửi văn bản thông báo về thông tin cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp đề nghị đăng ký thay đổi. Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận ĐKDN mới thì Cơ quan ĐKKD cần gửi văn bản thông báo cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn nắm rõ hơn về những quy định liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cập nhật một số mẫu Giấy chứng nhận năm 2023. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, doanh nghiệp hãy liên hệ ngay với MAN theo hotline +84 (0) 903 963 163. MAN luôn sẵn lòng giúp doanh nghiệp giải quyết mọi vướng mắc trong quá trình làm thủ tục đăng ký kinh doanh.
Ban biên tập: Man.net.vn
5/5 – (1 bình chọn)