Mất bản gốc, dùng giấy khai sinh bản sao có chứng thực được không?

(PLO)- Việc chứng thực bản sao từ bản chính chỉ được các cơ quan nhà nước thực hiện khi có các bản chính giấy tờ.

Gần đây, PLO nhận được nhiều thắc mắc của bạn đọc gửi về liên quan đến trường hợp giấy khai sinh bản gốc đã mất, chỉ còn bản sao giấy khai sinh thì có thể dùng bản sao để đi sao y chứng thực được không.

Trả lời vấn đề này, Luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết bản sao có hai dạng, một là bản sao giấy khai sinh được cấp từ sổ gốc (sổ hộ tịch) và bản sao y giấy khai sinh (bản sao y từ bản chính).

Điều 3 Thông tư 23/2015 quy định rõ về giá trị pháp lý của các loại bản sao. Theo đó, bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, Điều 18 Nghị định 23/2015 cũng xác định các giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao từ bản chính bao gồm: Bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; bản chính giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Như vậy, căn cứ vào quy định hiện hành có thể thấy việc chứng thực bản sao từ bản chính chỉ được các cơ quan nhà nước thực hiện khi có các bản chính giấy tờ.

Trong trường hợp này, nếu giấy khai sinh bản chính đã mất, để phục vụ cho các giao dịch thì bạn có thể về UBND cấp xã nơi đăng ký khai sinh để làm thủ tục cấp bản sao giấy khai sinh từ sổ hộ tịch (bản sao có giá trị như bản chính), hoặc làm thủ tục trích lục giấy khai sinh.

Chứng thực bản sao: Nguồn internet

Bộ Tư pháp trả lời về thời hạn của bản sao chứng thực

(PLO)- Bộ Tư pháp cho biết pháp luật chứng thực không quy định về thời hạn sử dụng bản sao chứng thực từ bản chính.

ĐẶNG LÊ