Masan sẽ xuất khẩu ‘lẩu bò riêu cua Hà Nội’ tự sôi
Cho rằng các sản phẩm về đồ uống và hoá mỹ phẩm rất khó có thể đưa ra thế giới, Masan cho biết sẽ chỉ làm những sản phẩm Việt Nam có lợi thế.
Ngày 24/4, CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) và hai công ty con Masan Consumer (mã MCH), Masan MEATLife (mã MML) đồng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tại TP HCM.
Trình bày định hướng, chiến lược của Masan Consumer, ông Trương Công Thắng – Chủ tịch HĐQT The CrownX cho biết, mục tiêu của công ty trong 5 năm tới (2023-2027) là đạt doanh thu từ 80.000-100.000 tỷ đồng, trong đó 85% từ nội địa và 15% xuất khẩu.
Hiện nay, “global bussiness” (mảng xuất khẩu) mới chiếm từ 3 đến 4% trong tổng doanh thu, Masan Consumer đặt mục tiêu đến 2027, doanh thu xuất khẩu sẽ chiếm 15% trong tổng doanh thu. Trong đó, thị trường nước ngoài được xây dựng thương hiệu với các sản phẩm chủ lực Omachi, Vinacafe, Chinsu.
Nhãn hiệu Chinsu đã ra mắt tại thị trường Nhật Bản và theo ông Thắng, các sản phẩm này sẽ tham dự các hội chợ, tháng 5 tham gia thị trường Hàn Quốc, cuối tháng 8 sang tháng 9 sẽ tham gia thị trường Mỹ và Châu Âu.
Trong lộ trình lâu dài đưa ẩm thực Việt Nam ra với thế giới Masan Consumer sẽ theo đuổi các tiêu chuẩn cao nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng. “Nếu một công ty có thể đưa thực phẩm Việt Nam ra ngoài thế giới thì chúng ta có thể làm điều đó tốt nhất”, ông Trương Công Thắng tự tin nói.
Tại đại hội, Chủ tịch The CrownX giới thiệu sản phẩm xuất khẩu “lạ” của MCH trong thời gian tới. Đó là “lẩu bò riêu cua Hà Nội” – sản phẩm lẩu tự sôi, không cần nước nóng, bếp gas, không cần đồ khô, chỉ cần đổ nước lọc vào gói sản phẩm trong thời gian 5-10 phút.
Ông Thắng cho biết, sắp tới Masan Consumer sẽ cung cấp cho người tiêu dùng toàn cầu các sản phẩm bún, cháo, phở, hủ tiếu… Việt Nam mà không cần phải đun nấu, giữ nguyên toàn bộ hương vị, với công nghệ mới của Masan. Hiện sản phẩm đã nhận được đơn đặt hàng xuất sang Nhật Bản.
The CrownX vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng doanh thu chính của Masan (90.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng) năm 2023, với tỷ trọng đóng góp hơn 70%. Công ty dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 65.000 tỷ đồng đến 72.300 tỷ đồng, tăng 16% đến 29% so với năm 2022.
Trong đó, WinCommerce (WCM) dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 36.000 tỷ đồng và 40.500 tỷ đồng vào năm 2023, tăng khoảng 23% đến 38% so với cùng kỳ. Động lực chính của sự tăng trưởng này là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng.
Doanh thu thuần của Masan Consumer (MCH) dự kiến đạt 30.500 tỷ đồng và 33.500 tỷ đồng vào năm 2023 nhờ tập trung vào nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng 15% đến 30% so với năm trước. Về hàng tiêu dùng có thương hiệu Masan, MCH đặt mục tiêu doanh thu 50.000 tỷ đồng với 20% tỷ suất lợi nhuận hoạt động vào năm 2025.
Phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi
Tại đại hội, Masan trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu từ 90.000-100.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000-5.000 tỷ đồng.
Mức chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ chi trả 8% (800 đồng/cp) đã được tạm ứng cho cổ đông. Việc tạm ứng cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty được ủy quyền cho HĐQT tùy thuộc vào kết quả kinh doanh, kế hoạch kinh doanh và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền.
HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông Ji Han Yoo và bầu bổ sung bà Chae Rhan Chun thay thế trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024.
Bà Chae Rhan Chun sẽ đại diện cho phần vốn của SK Investment Vina I Pte. Ltd với hơn 131,8 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 9,26% vốn điều lệ của Tập đoàn Masan.
Bên cạnh đó là các tờ trình về phát hành cổ phiếu ESOP tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành với giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp; phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế; phát hành cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi với tổng số lượng chào bán dự kiến tối đa là 10% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán.
Sản phẩm lẩu, cơm tự sôi… không phải mới trên thị trường quốc tế. Chúng có mức giá khá cao so với các sản phẩm mì đóng hộp ăn liền thông thường. Đối với lẩu tự sôi, sản phẩm bao gồm đầy đủ những nguyên liệu phù hợp, còn điểm khác biệt nằm ở gói tự sôi. Một chiếc gói tự sôi được ép kín bên trong có hỗn hợp magie, sắt và muối. Khi tiếp xúc với nước thì magie sẽ tham gia phản ứng oxi hóa kim loại và tạo ra nhiệt tăng cao cũng như phản ứng xảy ra mạnh hơn nhờ có thêm thành phần sắt và muối.
Phương pháp gia nhiệt bằng gói tạo nhiệt vốn không phải là một cách làm mới trong cuộc sống, vì chúng cũng từng được áp dụng trong quân đội để làm nóng thực phẩm. Tuy nhiên, việc làm nóng này cần đảm bảo nguyên tắc các gói hóa chất được đóng gói kỹ càng để không có khả năng thôi nhiễm trong quá trình sử dụng, cũng như dụng cụ có khả năng chịu đựng nhiệt độ cao.