Marketing căn bản – Phân tích môi trường vĩ mô trong doanh nghiệp
Mục Lục
Phân tích môi trường vĩ mô
Ngày đăng: 05/03/2021
Doanh nghiệp không thể kiểm soát, thay đổi được các yếu tố của môi trường vĩ mô. Các yếu tố trong môi trường vĩ mô mang lại những cơ hội mới cũng như các thách thức đối với các doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp không thể thay đổi được môi trường vĩ mô, do vậy phải tìm cách thích ứng với nó thì mới có thể tồn tại và phát triển được.
Môi trường vĩ mô là gì? Có bao nhiêu yếu tố ảnh hưởng đến môi trường vĩ mô? Yếu tố nhân khẩu học bao gồm những gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Khi đi phân tích môi trường Marketing, doanh nghiệp cần phải đi phân tích cả 2 môi trường đó là Môi trường vi mô và Môi trường vĩ mô. Môi trường vi mô được chúng tôi phân tích ở bài trước.
Môi trường vĩ mô gồm các yếu tố, các lực lượng xã hội rộng lớn, có tác động đến toàn bộ môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể kiểm soát, thay đổi được các yếu tố của môi trường vĩ mô. Các yếu tố trong môi trường vĩ mô mang lại những cơ hội mới cũng như các thách thức đối với các doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp không thể thay đổi được môi trường vĩ mô, do vậy phải tìm cách thích ứng với nó thì mới có thể tồn tại và phát triển được.
Các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường vĩ mô
1. Môi trường nhân khẩu học
Môi trường dân số là mối quan tâm chính yếu đối với các nhà làm Marketing, vì dân chúng là lực lượng làm ra thị trường.
Nhân khẩu học là khoa học nghiên cứu về dân số trên các phương diện như tỷ lệ tăng trưởng, phân bố dân cư, cơ cấu lứa tuổi, tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết, cơ cấu lực lượng lao động, mức thu nhập, giáo dục và các đặc tính kinh tế – xã hội khác. Những kết quả nghiên cứu trên về dân số có thể được sử dụng để dự đoán nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trong tương lai. Biểu hiện ở các khía cạnh chủ yếu sau đây:
- Quy mô, tốc độ tăng dân số là hai chỉ tiêu phản ánh khái quát và trực tiếp quy mô nhu cầu thị trường ở cả hiện tại và tương lai. Nếu đi sâu xem xét hai chỉ tiêu trên ở từng khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng địa phương cho thấy từng nơi có quy mô và tốc độ tăng dân số là không giống nhau. Với các thay đổi như vậy dẫn đến sự cần thiết phải xác định lại những nhà kinh doanh và các điểm bán buôn hay bán lẻ.
- Sự thay đổi về cơ cấu lứa tuổi của dân cư sẽ làm thay đổi cơ cấu khách hàng tiềm năng theo lứa tuổi đối với các loại sản phẩm. Đến lượt nó, cơ cấu lứa tuổi lại tuỳ thuộc các nhân tố khác của đất nước như chuyển từ giai đoạn chiến tranh sang hoà bình, sự phát triển của ngành y tế bảo vệ sức khoẻ của nhân dân…
- Tỷ lệ các bộ phận của dân số tham gia vào lực lượng lao động xã hội bao gồm các loại lao động: nam, nữ; lao động trong tuổi và ngoài tuổi. Sự thay đổi cơ cấu ngành nghề của các loại lao động do tác động của quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước cũng làm thay đổi về nhu cầu về sản phẩm, hàng hoá. Những thay đổi nói trên đều có tác động đến Marketing đòi hỏi các nhà quản lý doanh nghiệp phải tính đến.
- Trình độ văn hoá giáo dục của dân cư. Hành vi mua sắm và tiêu dùng của khách hàng phụ thuộc vào trình độ văn hoá, giáo dục của họ. Đó là văn hoá tiêu dùng như văn hoá Nm thực, văn hoá thời trang, văn hoá trà… Những người có văn hoá cao sẽ có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn, họ có nhu cầu tiêu dùng những hàng hoá có chất lượng cao hơn.
Yếu tố nhân khẩu học bao gồm những gì?
Dưới đây là 5 yếu tố nhân khẩu học bạn nên biết:
Độ tuổi
Tuổi tác là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tới nhu cầu mua sắm của con người ở bất kỳ giới nào. Thực tế, một cô gái trẻ tuổi sẽ ưa thích những mẫu váy sexy, kiểu dáng trẻ trung, quyến rũ. Ngược lại, các quý bà đứng tuổi lại hướng tới việc lựa chọn những chiếc đầm thanh lịch, kín đáo và sang trọng. Vì thế mong muốn của mỗi khách hàng ở từng độ tuổi sẽ có sự thay đổi rõ ràng. Đây chính là lý do mà nhóm tuổi được liệt kê vào một phân khúc thị trường của nhân khẩu học.
Giới tính
Theo như nghiên cứu của nhân khẩu học, tâm lý tiêu dùng của nam giới và nữ giới có sự khác biệt rõ nét. Phụ nữ thường đề cao tính hoàn thiện hơn và đa phần mua hàng theo cảm nhận của bản thân. Đặc biệt, những đánh giá về khách hàng trước đó đã sử dụng sản phẩm và tên tuổi của thương hiệu sẽ có tác động lớn tới quyết định mua hàng của chị em. Trong khi đó, nam giới trước khi lựa chọn sẽ ưu tiên xem xét kỹ các thông tin khách quan như: chất liệu, mẫu mã,… thay vì cảm nhận của bản thân.
Nghề nghiệp
Giáo viên và học sinh thường sử dụng phấn, bút, giấy vở,..Kỹ sư xây dựng khi thi công công trình không thể thiếu những trang phục bảo hộ như găng tay, mũ, quần áo, dây an toàn,….Hay một công nhân làm vườn thì luôn cần những dụng cụ chuyên dụng là máy cắt, máy tỉa cây, bình tưới nước. Mỗi nghề nghiệp khác nhau sẽ sử dụng những loại vật dụng, thiết bị khác nhau hay gọi chung là hàng hóa. Dựa trên đặc điểm này của nhân khẩu học, bạn sẽ rút ngắn được thời gian xác định thị trường tiềm năng cho sản phẩm, dịch vụ mà công ty mình cung cấp.
Mức thu nhập
Chắc hẳn bạn cũng rõ, những thương hiệu xe sang như Mercedes, Audi hay BMW thường hướng tới tập khách hàng chủ yếu là những người có nguồn thu nhập cao, giới thượng lưu giàu có. Giá trị của các mẫu xe này lớn hơn khá nhiều so với mặt bằng chung. Tương tự, trong giới xe bình dân thì không thể nhắc tới tên tuổi của Toyota. Như vậy, mức thu nhập cũng là một yếu tố giúp các doanh nghiệp khoanh vùng được tập khách hàng một cách nhanh chóng.
Quốc gia, dân tộc
Những ông lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm như KFC, Pepsi, Cocacola đều có những chiến lược quảng bá nội địa hóa trong từng quốc gia. Thông điệp của các quảng cáo này được xây dựng dựa trên tôn giáo, phong tục của mỗi địa phương, dân tộc. Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh doanh quốc tế, việc sử dụng nhân khẩu học trên cơ sở dân tộc, quốc gia đang ngày càng phổ biến.
Một số thông tin khác
Tùy vào tính đặc thù của từng loại sản phẩm mà doanh nghiệp đang ngắm tới mà có thể bổ sung cho quá trình nghiên cứu nhân khẩu học về khách hàng bao gồm các thông tin khác như: tình trạng hôn nhân, tôn giáo, trình độ học vấn, thâm niên làm việc, sở thích,… từ đây có thể xác định phân khúc và phân chia đối tượng cho từng sản phẩm cụ thể và tăng tỷ lệ bán hàng cao hơn.
Thông tin nhân khẩu học được sử dụng như thế nào?
Đa phần các công ty lớn sẽ tiến hành nghiên cứu nhân khẩu học để xác định hướng đi chính xác hơn cho chiến lược tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Thật quý giá khi bạn có thể dự đoán được khách hàng ở thời điểm hiện tại và khách hàng tiềm năng đến từ đâu. Bên cạnh đó, xu hướng nhân khẩu học cũng rất quan trọng vì quy mô của các nhóm nhân khẩu học khác nhau và chúng sẽ thay đổi theo thời gian khi chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh kinh tế, chính trị và văn hóa. Những thông tin này cũng giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định phân bổ vốn cho quá trình sản xuất và quảng cáo của mình hợp lý hơn.
Có lẽ bạn đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của nhân khẩu học trong việc phân tích thị trường cạnh tranh. Để có được chiến lược quảng bá thương hiệu, sản phẩm hay dịch vụ hiệu quả, doanh nghiệp cần nghiên cứu tỉ mỉ và chi tiết những yếu tố của nhân khẩu học.
2. Môi trường chính trị và pháp luật
Các quyết định Marketing chịu tác động mạnh mẽ của những tiến triển trong môi trường pháp lý và chính trị. Môi trường này được tao ra từ các luật lệ, cơ quan chính quyền và những nhóm áp lực đã gây được ảnh hưởng cũng như sự ràng buộc được mọi tổ chức lẫn các cá nhân trong xã hội. Chúng ta sẽ phân tích vai trò và tác động của của môi trường này qua các khía cạnh chủ yếu sau:
– Tác động của hệ thống luật pháp trong nước tới Marketing có thể phân làm hai loại:
- Hệ thống các Luật, Pháp lệnh, Nghị định… có tác dụng điều chỉnh hành vi kinh doanh, quan hệ trao đổi, thương mại… của doanh nghiệp. Các luật này quy định rõ quyền và nghĩa vụ, lĩnh vực được cho phép kinh doanh,… của doanh nghiệp.
- Các hình thức bảo vệ người tiêu dùng.
Việc đặt ra pháp lý đối với doanh nghiệp có ba mục đích chính sau:
Trước hết là để bảo vệ cho giữa các công ty với nhau. Tất cả các nhà điều hành kinh doanh đều tán tụng việc cạnh tranh, nhưng lại cố muốn trung hoà nó khi sự cạnh tranh đụng chạm đến mình. Đã có nhiều đạo luật được thông qua nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh không công bằng.
Mục đích thứ hai trong việc điều tiết của chính quyền là để bảo vệ người tiêu thụ tránh được các giao dịch buôn bán không công bằng. Có một số xí nghiệp, mà nếu cứ để mặc họ, họ sẽ làm sản phẩm giả, nối dối trong quảng cáo, lừa đảo qua việc đóng bao bì, và gian manh trong chuyện giá cả.
Mục đích thứ ba trong việc điều tiết của chính quyền là để bảo vệ các lợi ích rộng lớn của xã hội, tránh khỏi các hành vi sai lạc. Điều này có thể xảy ra là tổng sản phẩm quốc gia thì tăng, mà chất lượng đời sống thì lại tuột giảm. Hầu hết các công ty đều không khứng chịu những phí tổn xã hội trong hoạt động sản xuất hoặc trong sản phẩm cuảa họ. Giá cả của họ sẽ được thấp hơn và doanh số được tăng cao hơn nếu họ gánh chịu các phí tổn xã hội này. Khi môi trường trở nên xấu đi, những đạo luật mới cùng các cưỡng chế của chúng sẽ tiếp tục còn nguyên hiệu lực hoặc mở rộng ra thêm. Các doanh nghiệp phải theo dõi những tiến trình này, khi phác thảo sản phẩm và chương trình Marketing.
– Cơ chế điều hành của chính phủ có tác động đến Marketing trong kinh doanh. Sự tác động của cơ chế thể hiện trên hai khía cạnh:
- Tính hiệu lực của pháp luật và các chính sách kinh tế của chính phủ
- Mức độ can thiệp và hình thức can thiệp của chính phủ vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Môi trường kinh tế
Các yếu tố chủ yếu trong môi trường kinh tế là hoạt động của nền kinh tế và mức độ tin tưởng của người tiêu dùng. Đây là hai bộ phận có liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng không giống nhau. Hoạt động của nền kinh tế là những gì thực tế đang diễn ra, còn mức tin tưởng của người tiêu dùng như thế nào về điều đang diễn ra.
Hoạt động của nền kinh tế được đánh giá bằng hệ thống các chỉ tiêu, trong đó quan trọng nhất là các chỉ tiêu: giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GNP và GDP); mức thu nhập bình quân đầu người; tỷ lệ thất nghiệp; lượng hàng hoá bán ra hàng tháng của các nhóm sản phẩm chủ yếu; tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; chỉ số tăng sản xuất của sản phẩm…
Mức độ tin cậy của người tiêu dùng chịu ảnh hưởng của các nhân tố chủ yếu sau:
- Sự biến động của chỉ số giả cả hàng hoá, tỷ lệ lạm phát. Khi người tiêu dùng thấy rằng giá cả đang tăng nhanh hơn thu nhập của họ, thì họ quan tâm nhiều hơn tới việc duy trì sức mua hiện tại của họ.
- Các thông tin kinh tế được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Các sự kiện khác về đời sống kinh tế – xã hội diễn ra ở trong nước và trên thế giới cũng có thể ảnh hưởng tới mức độ tin tưởng của người tiêu dùng.
Nếu như hoạt động của nền kinh tế là tốt và mức độ tin cậy của người tiêu dùng tăng, người làm Marketing có thể dự đoán rằng tổng lượng bán nói chung là tăng và những kiểu sản phẩm mà người tiêu dùng mua sẽ gắn liền với sự phát triển của ngành đó.
4. Môi trường văn hóa – xã hội
Văn hoá được hiểu là một hệ thống giá trị, quan niệm, niềm tin, truyền thống và các chuẩn mực hành vi của một nhóm người cụ thể. Văn hoá theo nghĩa này là một hệ thống những giá trị được cả tập thể giữ gìn. Văn hoá được hình thành trong những điều kiện nhất định về vật chất, môi trường tự nhiên, các điều kiện sống, kinh nghiệm, lịch sử của cộng đồng và có sự tác động qua lại với các nền văn hoá khác.
Các giá trị văn hoá – xã hội được hiểu là các ý tưởng được coi trọng hoặc các mục tiêu mà mọi người mong muốn hướng tới. Các giá trị văn hoá – xã hội có sự khác nhau giữa nhóm người này với nhóm khác, giữa dân tộc này với dân tộc khác. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế các nước và sự giao lưu các nền văn hoá có thể dẫn những thay đổi ít nhiều các giá trị văn hoá – xã hội có ảnh hưởng tới Marketing. Những thay đổi đó là:
- Thay đổi từ sự thoả mãn trong tương lai với sự thoả mãn tức thì. Trước đây có sự khác biệt rất lớn trong phong cách sống của người dân ở miền Bắc và miền Nam. Hiện nay ở miền Bắc đặc biệt thanh niên, đã chú ý hơn tới sự thoả mãn tức thì, biểu hiện ở ở sự phát triển hình thức bán hàng trả góp “mua bây giờ và trả sau này”. Có rất nhiều người, nhiều gia đình ở thành phố hướng tới các loại thực phẩm ăn nhanh hoặc đã qua sơ chế có thể nấu nướng nhanh chóng.
- Thay đổi hướng tới các sản phẩm tự nhiên. Ví dụ, vào những năm 60 thế kỷ 20, người tiêu dùng hướng tới việc sử dụng các sản phẩm dệt sợi nhân tạo hoặc bán nhân tạo. Hiện nay nhu cầu thị trường đã xuất hiện xu hướng quay trở lại với các sản phẩm sợi tự nhiên. Nhiều người muốn tạo ra môi trường tự nhiên riêng cho mình bằng cách trồng cây cảnh trong nhà, xây hòn non bộ,.. thúc đẩy các ngành nghề sản xuất cây giống, sản xuất bình gốm hoặc công nghệ khai thác đá…
- Thay đổi trong sự bình đẳng nam nữ, bình đẳng vợ chồng trong gia đình. Việc phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hoạt động lao động tạo ra thu nhập cho gia đình và các hoạt động xã hội khác đã tác động mạnh mẽ tới thị trường sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm ăn liền, thực phẩm đã chuNn bị sẵn, cơm hộp ăn trưa tại cơ quan…
Tóm lại, các giá trị văn hoá cốt yếu của một xã hội diễn đạt thành mối quan hệ với chính nó, với người khác, với các định chế, với xã hội, với thiên nhiên, và với vũ trụ. Điều đó đòi hỏi các nhà quản trị phải nắm rõ sự biến đổi của những giá trị văn hoá để có những chính sách Marketing phù hợp với các biến đổi theo thời gian.
5. Môi trường công nghệ – kỹ thuật
Môi trường kỹ thuật, công nghệ được hiểu là các nhân tố có liên quan đến việc sử dụng các công nghệ mới. Mỗi thay đổi về kỹ thuật với mức độ khác nhau ở các khâu trong hệ thống kinh doanh đều có tác động đến Marketing. Trên cơ sở sử dụng rộng rãi máy vi tính, điện thoại, các nhà sản xuất có thể thực hiện việc mua bán sản phẩm theo dự định phù hợp với kế hoạch sản xuất. Các sản phẩm thô được thay thế bằng các sản phẩm tinh vi, hiện đại với công nghệ cao; các sản phẩm máy móc sử dụng xăng dầu được thay thế dần bằng việc sử dụng năng lượng mặt trời, hoặc năng lượng nguyên tử… Người bán lẻ sử dụng các hệ thống kiểm tra điện tử trong việc thanh toán với khách hàng. Tất cả những thay đổi kỹ thuật nói trên đều ảnh hưởng tới Marketing trên phương diện chủ yếu như: làm thay đổi tập quán và tạo ra xu thế mới trong tiêu dùng; tạo ra nhiều sản phẩm mới thay thế sản phẩm cũ; làm thay đổi chi phí sản xuất và năng suất lao động do vậy làm thay đổi bản chất của sự cạnh tranh theo các hướng như: thay đổi kiểu dáng, nhãn hiệu, bao bì, phong phú thêm các hình thức quảng cáo bằng kỹ thuật đồ hoạ và cải tiến sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
Nhà Marketing cần theo dõi những thay đổi sau đây trong kỹ thuật, công nghệ:
- Nhịp độ gia tăng của biến đổi kỹ thuật
- Các cơ may canh tân vô hạn
- Kinh phí nghiên cứu và phát triển (R&D) cao
- Tập trung vào những cải tiến thứ yếu
- Sự điều tiết ngày càng tăng
Tóm lại, các nhà làm Marketing cần hiểu biết sự biến đổi nơi môi trường kỹ thuật và việc các kỹ thuật mới có thể phục vụ nhu cầu con người như thế nào. Họ cần phải làm việc mật thiết với các nhân viên R&D để khuyến khích việc nghiên cứu có tính chất định hướng theo thị trường nhiều hơn.
6. Môi trường tự nhiên
Hiện nay, môi trường tự nhiên đang được các nước trên thế giới nhất mực quan tâm bởi lẽ sự phát triển của khoa học công nghệ của những nước tiên tiến đang gây tổn thương nghiêm trọng đến môi trường thiên nhiên của nhân loại. Sự mất cân đối sinh thái sẽ tạo ra những thảm hoạ không lường trước được. Vì vậy, các nhà làm Marketing cần phải biết đến những đe doạ và cơ may có dính đến bốn xu hướng trong môi trường thiên nhiên:
– Sự khan hiếm những nguyên liệu nào đó đang xảy ra: chất liệu của trái đất bao gồm những thứ có tính chất vô tận như không khí,… và những thứ có hạn gồm hai loại: tài nguyên có hạn nhưng tái tạo lại được như rừng và thực phẩm; và tài nguyên có hạn nhưng không thể tái tạo lại được như dầu hoả, than đá, và những loại khoáng sản khác.
– Phí tổn về năng lượng gia tăng: dầu hoả, một trong số những nguồn tài nguyên có hạn nhưng không thể tái tạo lại được, đang tạo thành vấn đề hết sức quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai. Các nền kinh tế chính yếu trên thế giới đang phụ thuộc nặng nề vào dầu hoả và cho đến khi những dạng năng lượng thay thế có tính hiệu năng chi phí khác được tìm ra, dầu hoả vẫn sẽ tiếp tục thống trị bức tranh kinh tế và chính trị của thế giới.
– Mức độ ô nhiễm gia tăng: điều không thể tránh khỏi là một số hoạt động kỹ nghệ sẽ làm thiệt hại đến chất lượng của môi trường thiên nhiên. Các chất thải hoá học, chất phóng xạ, và độ thuỷ ngân trong biển đang ở mức nguy hiểm, sự vung vãi trong môi trường những vỏ đồ hộp, đồ nhựa, các chất liệu bao bì khác có tính chất phân huỷ theo đường sinh học.
– Sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền trong việc quản trị tài nguyên thiên nhiên: nhiều cơ quan khác nhau đang đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ môi trường. Sự bảo vệ đó có thể sẽ làm cản trở sự phát triển trong việc gia tăng nhân dụng khi các cơ sở kinh doanh buộc phải mua thiết bị kiểm soát ô nhiễm thay vì mua thiết bị sản xuất tân tiến hơn.
Những yếu tố nói trên có thể trở thành cơ may cũng có thể là đe doạ đối với các nhà làm Marketing. Cấp quản trị Marketing cần phải quan tâm đến môi trường thiên nhiên, vừa để đạt được những tài nguyên cần thiết, vừa để tránh làm thiệt hại đến môi trường. Thay vì chống đối tất cả các hình thức điều tiết, cơ sở kinh doanh nên giúp đỡ việc triển khai những giải pháp có thể chấp nhận được trong các vấn đề về nguyên liệu và năng lượng đang đặt ra cho đất nước.
>> Mời bạn đọc tham khảo: Phân tích môi trường vi mô Marketing