Marketing Mix là gì? Ý nghĩa các yếu tố trong Marketing 4Ps, 7Ps

Marketing Mix là công cụ kinh doanh hiệu quả, được nhiều doanh nghiệp sử dụng để quảng bá tiếp thị sản phẩm, dịch vụ đến đúng thị trường mục tiêu.Vậy thế nào là Marketing Mix? Hãy cùng tìm hiểu.

1.Chiến lược Marketing Mix là gì?

Định nghĩa Marketing Mix hay Marketing Hỗn hợp chỉ tập hợp hoạt động kinh doanh tiếp thị được các công ty sử dụng để đạt được mục tiêu với tập khách hàng tiềm năng.

Chiến lược Marketing Mix chính là việc doanh nghiệp đặt sản phẩm/dịch vụ đang cung cấp vào chính xác đúng vị trí, đúng thời điểm, trong một mức giá phù hợp để có hiệu quả truyền thông tốt nhất đến khách hàng của mình. Tuy nhiên điều khó khăn ở đây là: làm thế nào để áp dụng lý thuyết ấy thành công vào thực tế.

Mô hình Marketing Mix vốn bao gồm 4 yếu tố, hay còn được gọi là mô hình 4Ps (Product, Price, Place, Promotion). Theo thời gian, với sự phức tạp và cải tiến hơn của công nghệ, dần dần xuất hiện thêm các sản phẩm về dịch vụ bên cạnh những sản phẩm vật lý truyền thống. Từ đó, mô hình này cũng được phát triển thành mô hình 7Ps với 3 yếu tố bổ sung (People, Process, Physical Evedence) giúp doanh nghiệp dễ dàng định hướng các kế hoạch chiến lược marketing hiệu quả hơn.

2. Marketing Mix 4Ps

Được coi là mô hình phổ biến nhất, Marketing 4Ps chính là nền tảng cho khái niệm Marketing Mix và sự phát triển của các mô hình khác sau này.

Product (Sản phẩm)

Product (sản phẩm) là một yếu tố quan trọng trong mô hình 4Ps. Một sản phẩm được tạo ra với mục đích chính là đáp ứng nhu cầu của một tập đối tượng khách hàng cụ thể. Sản phẩm có thể xuất hiện dưới dạng hàng hóa hữu hình như vật liệu, động cơ, đồ gia dụng…, hoặc vô hình như các dịch vụ ngân hàng, chăm sóc sức khỏe…

Là một doanh nghiệp, bạn cần đảm bảo rằng sản phẩm/dịch vụ mình đang cung cấp phục vụ chính xác nhu cầu của thị trường mục tiêu. Để làm được điều này, trong quá trình phát triển sản phẩm, bạn nên thường xuyên nghiên cứu thị trường, thực hiện các hoạt động gắn liền với mỗi giai đoạn cụ thể trong vòng đời sản phẩm (giai đoạn hình thành, phát triển, trưởng thành và thoái trào). Xác định nhu cầu của khách hàng còn giúp bạn cân đối nguồn cung sản phẩm ra thị trường và điều chỉnh phù hợp để đáp ứng thị hiếu khách hàng.

Hơn nữa, một marketer cũng gần xem xét, nghiên cứu kĩ lưỡng để đưa ra chiến lược marketing hợp lí, định vị thương hiệu sản phẩm, làm nổi bật những đặc tính duy nhất trong sản phẩm của bạn khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.

Price (Giá cả)

Giá cả là số tiền khách hàng cần trả để sở hữu sản phẩm hay sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp. Giá cả là vấn đề quan trọng trong Marketing Mix, đây cũng là yếu tố quyết định sự sống còn của một sản phẩm. Điều chỉnh giá bán sẽ tạo ra những tác động sâu sắc đến kế hoạch marketing và ảnh hưởng đến nguồn cung, nhu cầu cho sản phẩm trên thị trường cũng như doanh số của công ty.

Nếu định giá quá thấp, công ty sẽ phải tăng tổng số lượng bán sản phẩm theo chi phí để thu về lợi nhuận. Nhưng nếu định giá quá cao, khách hàng có thể sẽ bỏ qua những lợi ích sản phẩm bạn mang lại và dần chuyển sang sử dụng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, hãy nghiên cứu thật chính xác các yếu tố về giá thị trường, giá bán của các đối thủ, điểm giá, giá niêm yết, thời kỳ thanh toán, chiết khấu… để đưa ra quyết định về giá bán cho sản phẩm của mình thật phù hợp.

Place (Phân phối)

Phân phối là cho phép sản phẩm xuất hiện trưng bày, giới thiệu tại những địa điểm thuận tiện để người tiêu dùng có thể dễ dàng trao đổi mua bán và sử dụng. Hệ thống phân phối có thể là đại lý bán lẻ hoặc các kênh thương mại điện tử. Kênh phân phối cũng là một khía cạnh quan trọng trong quá trình đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Các chiến lược phân phối khác nhau như phân phối chuyên sâu, phân phối có chọn lọc, phân phối độc quyền hay nhượng quyền thương mại có thể được sử dụng kết hợp với nhau để tăng cường hiệu quả cho kế hoạch marketing mix.

Để làm được điều này, bạn cần phải có sự hiểu biết sâu rộng về thị trường mà doanh nghiệp đang cung ứng sản phẩm. Nhờ vậy, bạn sẽ khám phá ra những đặc tính cần thiết về kênh phân phối có thể bắt kịp xu hướng và làm hài lòng khách hàng trong thị trường mục tiêu.

Promote (Quảng bá)

Promotion là tất cả các phương pháp truyền thông một nhà tiếp thị có thể sử dụng để cung cấp thông tin về sản phẩm đến tập đối tượng mục tiêu. Đây là yếu tố có thể giúp doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động định vị thương hiệu và bán hàng. Promotion bao gồm những thành tố nhỏ cấu thành như:

  • Tổ chức bán hàng (sales organization)
  • Quan hệ công chúng (public relation)
  • Quảng cáo (advertising)
  • Tiếp thị (sales promotion)

Quảng cáo thường là các hoạt động truyền thông yêu cầu doanh nghiệp trả phí như quảng cáo trên truyền hình, radio, báo in và trên Internet. Ngày nay, quảng cáo đang dịch chuyển từ môi trường offline sang online (digital marketing). Quan hệ công chúng (hay còn gọi là PR) là các phương thức truyền thông không trả phí trực tiếp như họp báo, triển lãm, tổ chức sự kiện,…

Truyền thông lan tỏa/truyền miệng (word-of-mouth) là một dạng truyền thông tiếp thị tận dụng sự lan tỏa từ những đánh giá tích cực của khách hàng, sự truyền miệng của các cá nhân để thúc đẩy hoạt động bán hàng cho sản phẩm.

Từ ấn tượng tốt về sản phẩm hay dịch vụ qua các hình thức truyền thông, khách hàng sẽ dễ dàng đồng ý kí kết các giao dịch mua bán hơn, gia tăng tỉ lệ chuyển đổi với khách hàng tiềm năng. Vì vậy, bạn cần cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố như ngân sách, thông điệp truyền thông, đối tượng khách hàng mục tiêu để xác định chiến lược truyền thông thực sự phù hợp.

3. Marketing Mix 7Ps

Mô hình Marketing Mix 7Ps chính là mô hình mở rộng của Marketing Mix 4Ps, dành riêng cho việc cung cấp các dịch vụ vô hình. Ngoài 4 yếu tố của mô hình 4Ps, mô hình 7Ps bổ sung thêm 3 khía cạnh sau:

People (Con người)

Khía cạnh people (con người) ở đây vừa là đối tượng khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến, vừa là những nhân sự, đại diện thương hiệu của công ty, những người trực tiếp tiếp xúc, trao đổi và tham gia cung cấp dịch vụ tới khách hàng.

Để có góc nhìn bao quát về nhu cầu hay thị hiếu của khách hàng, từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp cho dịch vụ cung ứng, bạn có thể tham khảo cách thực hiện các cuộc khảo sát thị trường, thu thập ý kiến. Nhân viên trong doanh nghiệp – những người trực tiếp cung cấp dịch vụ đến tay khách hàng cũng giữ một vai trò rất đỗi quan trọng xuyên suốt chiến lược marketing. Ngoài ra, việc thường xuyên thu thập phản hồi từ các nhân viên và khách hàng, cũng như truyền tải mong muốn, thông điệp của doanh nghiệp đến họ cũng là một cách hay để thúc đẩy sự phát triển của công ty.

Process (Quy trình)

Các quy trình và hệ thống trong tổ chức cũng có ảnh hưởng đến quá trình marketing. Những quy trình, hệ thống này sẽ giúp doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ ra ngoài thị trường.

Bạn cần chắc chắn rằng doanh nghiệp đã xây dựng một hệ thống, quy trình chuyên nghiệp, bài bản, có thể tiết kiệm chi phí trong việc cung cấp dịch vụ đến tay khách hàng. Quy trình nhắc đến ở đây bao gồm các quy trình về phân phối sản phẩm, quy trình thanh toán (dành cho khách hàng) hay các hệ thống xuất nhập, lưu trữ kho hàng, vận tải logistic,…

Physical Evidence (Yếu tố môi trường)

Trong marketing với các sản phẩm dịch vụ, yếu tố môi trường vật chất là một đặc điểm cần nhắc đến. Môi trường vật chất ở đây chính là không gian gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi giữa người cung cấp dịch vụ với khách hàng, là nơi khách hàng sử dụng dịch vụ. Nó có thể hữu hình là những yếu tố như không gian nội thất, cách bài trí cửa hàng, đồng phục nhân viên… Hoặc cũng có thể là những điều trừu tượng hơn như thái độ tiếp đãi, sự hỗ trợ chăm sóc khách hàng của nhân viên…

Physical Evidence có thể đem lại lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp, giúp công ty nổi bật trong mắt khách hàng. Chẳng hạn như khi nhắc đến không gian cafe hiện đại, thích hợp cho các hoạt động làm việc, trao đổi, người ta thường sẽ nhắc đến chuỗi cửa hàng The Coffee House. Hay khi nhắc đến thái độ chăm sóc khách hàng chuẩn mực, dịch vụ nhiều tiện ích đa dạng, ta nghĩ ngay đến Google

Có thể nói rằng, yếu tố môi trường hay cả 6 yếu tố nêu trên nếu được sử dụng kết hợp với một chiến lược hợp lí sẽ mang lại hiệu quả định vị thương hiệu, tạo nên lợi thế cạnh tranh vượt trội cho doanh nghiệp so với các đối thủ, từ đó là hiệu quả về bán hàng cũng được nâng cao, doanh thu cũng được tối đa hóa.