Mão Mèo và hành trình đưa ống hút tre Việt Nam ra thế giới
Sinh năm 1987 – năm con mèo nên anh Nguyễn Văn Mão đã chọn tên Mão Mèo làm tên thương hiệu cho các sản phẩm ống hút và sáo trúc của mình. Sinh ra ở thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, Nghệ An nhưng có 14 năm ở Hà Nội. Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, đến nay Mão Mèo đã có hệ thống 29 cửa hàng bán sáo và ống hút. Đặc biệt, các sản phẩm ống hút tre thân thiện môi trường đã xuất khẩu đi hơn 30 nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Ba Lan…
Từ đơn hàng đầu tiên 6 triệu đồng đến doanh thu 60 tỷ đồng
Nói về cơ duyên sản xuất ống hút tre, anh Mão kể bản thân không phải là người nghĩ ra đầu tiên. Trước khi làm ống hút tre, Mão có hơn 10 năm làm sáo và là Chủ nhiệm CLB Sáo Trúc Trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội. Có lần, một người bạn ở nước ngoài về Việt Nam biết Mão chuyên về tre trúc đã hỏi “có nguyên liệu nào nhỏ hơn để làm ống hút không vì châu Âu sắp cấm ống hút nhựa?”
Mão đáp: “Được, tôi sẽ làm thử cho anh!”. Nói là làm, Mão làm thử cho người bạn chục ống hút tre và được khách nước ngoài ưa thích. Vậy là, Mão có đơn hàng đầu tiên 5000 ống hút.
“Một ống hút lúc đó bán được 1.200 đồng. Đơn hàng đầu tiên tôi nhận về 6 triệu đồng. Mặc dù không lớn nhưng tôi cảm nhận như khởi nghiệp thêm một lần nữa. Đây là cơ hội tạo dựng cho mình một nghề mới từ tre trúc Việt Nam, cũng giống như tôi đã từng phát triển thành công sáo trúc. Đó là cột mốc đầu tiên sản xuất ống hút mà tôi nhớ mãi đến tận bây giờ”, Mão kể.
Nhận thấy tiềm năng của việc sản xuất ống hút, Mão đến tất cả vùng nguyên liệu từng khai thác làm sáo, cắt cử người đi tìm nguyên liệu làm ống hút.
“Làm chừng nào hết chừng đấy, tôi nghĩ đây là cơ hội. Xưởng sản xuất dành phần lớn sản xuất ống hút, tuyển thêm người làm. Thời điểm sản xuất mạnh, Mão Mèo mở các xưởng ở Nghệ An, Hà Nội, Đồng Nai, Gia Lai.
Từ khi làm ống hút, rất nhiều khách nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Thụy Sĩ, Đức…tìm đến đặt hàng. “Khách nước ngoài rất cẩn thận, trước khi đặt hàng họ đều muốn đến xem xưởng, kiểm tra các quy trình. Thời điểm đó, 80% sản phẩm ống hút xuất sang cảng Hamburg của Đức đi tất cả các nước châu Âu, làm ngày làm đêm không kịp”.
Mão kể, cuối năm 2018 và đầu năm 2019 là thời điểm bán hàng mạnh nhất, nguồn thu chính là ống hút, doanh thu có những tháng 3-4 chục công hàng. Một năm thu về gần 60 tỷ, nhưng có khi trừ lại, thời điểm đầu không lãi vì “học phí” nhiều quá, thậm chí bị thất thoát, sau này rút kinh nghiệm ra lãi 5-10%.
Không gục ngã trước thất bại
Mặc dù có kinh nghiệm xử lý các sản phẩm tre trúc nhưng ở thời điểm sản xuất ống hút “phát triển nóng”, Mão Mèo cũng đã từng phải trả giá vì chủ quan.
Khi đưa lượng hàng đầu tiên từ xưởng trong Nam về xưởng Tân Kỳ, Nghệ An, tôi mất hơn 500 triệu vì nguyên liệu bị hỏng. Nguyên nhân là do nguyên liệu và thời tiết ở 2 vùng miền khác nhau. Khi đưa nguyên liệu về, tôi vẫn dựng trong nhà tôn, một thời gian không làm với thời tiết Nghệ An thì tre nứa bị mốc không xử lý được, chính vì thế phải bỏ đi nhiều, mấy chục xe ô tô chở đến rồi chở đi. Nguyên liệu làm ống hút “bất đắc dĩ” trở thành cây để mọi người trồng đỗ, làm ruộng vườn, thậm chí bỏ nhiều.
Anh Nguyễn Văn Mão tại xưởng sản xuất sáo trúc và ống hút ở Tân Kỳ, Nghệ An
Bài học xương máu đầu tiên khi khởi nghiệp với ống hút tre vừa qua thì dịch COVID-19 ập đến. “Lúc đó, mọi thứ dừng lại hết. Xưởng ở Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội đồng loạt dừng sản xuất để chuyển về một mối là Nghệ An.
Dịch ảnh hưởng đến toàn thế giới, ống hút sản xuất ra không xuất khẩu được, buộc tất cả nhân công phải nghỉ việc. Toàn bộ máy móc đắp chiếu. Mão kể, sau 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch, đến giờ khi xưởng trở lại hoạt động thì toàn bộ máy móc đều phải sửa lại vì dừng quá lâu không, nhà mái tôn gần như trở thành nhà hoang.
“Thời điểm đang sản xuất mạnh mà không xuất đi được, tôi phải dùng 3 nhà kho lớn mới có thể chứa hết lượng ống hút buộc phải sản xuất. Cứ nghĩ chắc mấy tháng ổn thôi, lượng hàng trong kho buộc sản xuất thêm mấy tháng đầu vào không có, tôi vẫn phải trả tiền điện, nhân công hàng trăm người. Gần như lấy hết những tiền lời lãi, tấp vào 3 nhà kho lớn. Tất cả đều đình trệ”, Mão nhớ lại thời điểm khó khăn nhất khi khởi nghiệp ống hút tre.
Khi được hỏi, ở thời điểm đó, anh có cảm thấy bi quan, Mão vui vẻ “bị lụt thì lút cả làng, không có gì buồn bã vì nó là ngoài ý muốn, phải chấp nhận”.
Ông Nguyễn Văn Khang, bố Mão Mèo
Ông Nguyễn Văn Khang, bố của anh Mão cho biết, quá trình khởi nghiệp của con trai gặp nhiều thất bại, mất lượng tiền tương đối nhưng với quyết tâm “thích là phải làm bằng được”, Mão đã từng bước khắc phục nghiên cứu, học hỏi trong và ngoài nước để làm.
“Mất mát là bài học kinh nghiệm, đã có ý chí phải làm cho bằng được. Không được lần này thì quyết tâm làm lần khác, không bỏ dở, không chịu thua được…”, ông Khang phấn khởi, sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, xưởng sản xuất đã hoạt động trở lại. Những ngày giáp Tết, ống hút tre và sáo trúc liên tục nhận được các đơn hàng từ nước ngoài.
Nhờ ống hút tre, cả làng đều có việc
Các xưởng sản xuất ống hút của Mão Mèo đặt tại khối 1, thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Những cây tre, nứa loại nhỏ chặt phơi khô ở Tây Nguyên và các huyện miền núi của Nghệ An như Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn khi khai thác được đưa về xưởng tuyển lựa, luộc, hấp sấy hợp vệ sinh, đóng gói chống ẩm, đóng thùng.
Toàn bộ nhân công của xưởng đều là người trong làng. Họ phụ trách nhiều khâu sản xuất khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Thái, công nhân ở xưởng cho biết đã làm ống hút được 7-8 năm nay còn sáo trúc cũng làm được 25-30 năm. “Tháng cao điểm nhất số lượng ống hút không kể được, công nhân 7-8 người làm 1 tuần mới kịp hàng. Mão trả bình thường cho anh em công nhân ai cao 9 triệu, mới làm chưa quen thì 6 triệu. Công việc tương đối nhàn, với mức sống ở nông thôn, đây là khoản thu nhập làm tôi hài lòng”.
Công đoạn cuối cùng sản xuất ống hút
Nguyễn Xuân Tuấn (22 tuổi) là một trong những công nhân trẻ nhất tại xưởng sản xuất ống hút. Tuấn cho biết em làm việc và ăn ở đây luôn. Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Tân Kỳ, học hết lớp 12 như bao bạn bè cùng trang lứa, Tuấn cũng có ý định học ĐH nhưng điều kiện không cho phép nên em đi làm.
“Trước đây em làm phục vụ nhà hàng, phụ hồ, thợ sơn gỗ, giát vàng nhưng công việc độc hại, lại không ổn định. Biết đến anh Mão, em xin làm thợ sản xuất ở đây. Công việc không nặng nhọc, đòi hỏi kỹ thuật mà nên tảng kỹ thuật mình có rồi nên vào làm đơn giản và cũng tương đối nhàn, phù hợp đam mê của mình là được thổi sáo”, Tuấn kể.
Nguyễn Xuân Tuấn, 22 tuổi làm việc tại xưởng sản xuất ống hút và sáo trúc tại Tân Kỳ, Nghệ An
Là một bạn trẻ gen Z, Tuấn nói em cũng từng muốn đi ra khỏi làng và quả thực Bắc -Nam em đều trải nghiệm đủ hết. Nhưng cuối cùng vẫn cảm thấy có một công việc gần nhà, gần cha mẹ vẫn tốt hơn. “Không phải đi xa mới kiếm được nhiều tiền. Anh Mão dễ tính hào đồng, công nhân ai cũng vui vẻ nên cảm thấy có niềm vui và động lực khi làm việc”.
Anh Mão chia sẻ, “mỗi khi khách nước ngoài nhận hàng xong, sử dụng và chụp hình với sản phẩm đồ tre của Việt Nam tôi rất vui. Bởi vì tôi cũng là người xuất phát từ làng nhưng đã có những sản phẩm vượt biên thì rất mừng”.
Ống hút tre Mão Mèo xuất khẩu đi hơn 30 nước trên thế giới nhưng việc tồn tại ở thị trường trong nước còn hạn chế. “99.99% là xuất khẩu. Quá trình sản xuất và bán lẻ cho những cửa hàng lớn và cửa hàng có thương hiệu, tỉ lệ bán ra so với tổng sản xuất được chỉ là 0.01%. Người Việt Nam chưa thực sự quan tâm ống hút tre vì giá thành không rẻ, 1 ống hút tre có giá 1000 đồng nhưng với 1000 đó có thể mua 20-30 ống hút nhựa. Chính vì thế ống hút tre chưa đứng vững thị trường Việt Nam mà mới chỉ ở thị trường nước ngoài”, anh Mão cho biết.
Theo anh Mão, ống hút tre chưa đứng vững ở thị trường Việt Nam
Sau dịch, Mão Mèo có những bước đi cẩn trọng hơn thời điểm ban đầu. Anh tiếp tục nghiên cứu, làm các sản phẩm khác từ tre như bộ dao thìa dĩa, khay trà, cốc, đũa, ống đựng vật dụng cho các nhà hàng, khách sạn ở châu Âu.
“Tre là biểu tượng của Việt Nam. Cứ nhắc đến lũy tre thì làng nào cũng có, ai cũng có tuổi thơ với cây tre không riêng gì tôi. Mong muốn của tôi là có nhiều nhà sản xuất, làm ra các sản phẩm tinh xảo, đưa đến tận tay người tiêu dùng, thu về lợi nhuận tốt hơn cho đất nước mình, khai thác hết được tiềm năng của cây tre.
Trong khởi nghiệp, tôi tâm niệm tập trung hết cỡ việc mình muốn làm, như luật hấp dẫn mọi thứ đều dồn vào cho mình thành công”, anh Mão nói./.