Mạnh dạn canh tác giống cây ngoại giá trị cao
Cây wasabi được sử dụng để chế biến một loại gia vị cay quen thuộc, Việt Nam thường gọi là mù tạt. Ở Nhật Bản, wasabi được xem là loại thực phẩm cao cấp, nổi tiếng khó trồng và đắt đỏ. Nhu cầu tiêu thụ wasabi cho ăn uống, làm đẹp và chữa bệnh vì thế không ngừng tăng ở Nhật.
Hiệu quả ngoài mong đợi
Tại Việt Nam, do wasabi mới du nhập nên nhiều người chưa biết đến nó cũng như cách trồng thương mại loại cây này. Tuy nhiên, một vài mô hình trồng cây wasabi thử nghiệm đã rất thành công, hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Một trong số đó là mô hình trồng wasabi của anh Nguyễn Văn Tuyển ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tuyển cho biết năm 2013, anh đã biết tới loại cây này nhưng mãi đến năm 2020 mới chính thức trồng trong nông trại của mình. Phương pháp trồng đầu tiên anh lựa chọn là trồng trực tiếp trên đất hoặc các bầu giá thể. Ban đầu, anh trồng thử 20 cây giống wasabi do một người bạn cho. Sau vài tháng, số cây này sinh trưởng, phát triển tốt.
Sau đó, anh Tuyển được một công ty của Nhật Bản hợp tác trồng thử 10.000 cây giống. Cây trồng khoảng 15-18 tháng thì thu hoạch. Tháng 3-2022, anh nhổ tỉa những củ wasabi đầu tiên trong vườn đem bán, mầm ở những cây lớn được tận dụng để nhân giống trồng tiếp. Khoảng 20-25 củ wasabi được 1 kg, anh bán với giá 6 triệu đồng. Lá wasabi cũng bán được với giá 200.000 đồng/kg. Tuyển cho biết sản phẩm của anh hiện không đủ cung cấp cho thị trường.
Theo anh Tuyển, chi phí trồng wasabi khá lớn nhưng loại cây này đem lại doanh thu rất cao. Tính ra, lợi nhuận trồng wasabi so với nhiều loại cây khác cao hơn hẳn. Để trồng 1.000 m2 wasabi, chi phí bỏ ra có thể lên tới 800 triệu đồng nhưng doanh thu đạt khoảng 1,2 tỉ đồng. Do nhu cầu ngày càng lớn nên anh dự định sẽ mở rộng thêm diện tích 2.000 m2 để trồng loại cây này, cũng như chuyển đổi qua phương pháp trồng thủy canh để tăng năng suất.
Mô hình của ông Trần Lệ ở TP Đà Lạt cũng đạt hiệu quả như mong đợi. Ông Lệ là người có nền tảng khoa học vững chắc. Trước khi đến với wasabi, ông từng nghiên cứu trồng nhiều loại cây khác nhau, từ nhân giống trong phòng thí nghiệm đến giai đoạn hậu cấy mô hay thương phẩm. Ông làm rất bài bản, nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, đặc điểm từng loại cây để có phương pháp trồng phù hợp nhất. Cây wasabi cũng không ngoại lệ. Ông Lệ tiến hành gửi mẫu đất đi phân tích để kiểm tra độ phù hợp với yêu cầu của wasabi; nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm… để bố trí vườn trồng.
Khi thấy hiệu quả wasabi mang lại, ông Lệ mạnh dạn mở rộng diện tích trồng trong những cánh rừng bán nhiệt đới ở Tà Nung – ngoại vi Đà Lạt. Những trảng rừng wasabi của ông được các doanh nghiệp học hỏi và nhân rộng, sản xuất quy mô hơn để xuất khẩu ngược sang Nhật cũng như kết giao với nhiều nhà vườn nước ngoài nhằm học hỏi, tìm hướng phát triển mạnh loại cây này.
Không dừng lại ở việc phát triển wasabi tại Nam Tây Nguyên, ông Lệ còn nhắm xa hơn. Ông đã thử nghiệm trồng loại cây này trên các chỏm núi rừng ở Sơn La và Lào Cai vì hai nơi này có thể xây dựng thành vùng sản xuất giống wasabi lớn được.
Một mô hình trồng cây wasabi ở Việt Nam Ảnh: Biên Tân
Có thể trồng thương mại
Do giá trị kinh tế cao, những năm gần đây, nhiều người đã trồng thương mại wasabi bằng cách mô phỏng tự nhiên. Họ kết hợp sỏi làm giá thể với dòng nước sạch chảy qua. Ở điều kiện lý tưởng, để cây wasabi đạt chiều cao 60 cm phải cần tới 18 tháng mới thu hoạch được.
Vì đặc tính wasabi ưa mát nên các tỉnh Tây Nguyên và vùng núi như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Lào Cai… với khí hậu mát mẻ có ưu thế trong việc trồng loại cây này. Để có thể trồng wasabi ở Việt Nam với mục đích thương mại, đòi hỏi nhà vườn cần có sự kiểm soát sát sao trong suốt thời gian gieo trồng cho tới khi thu hoạch. Phương pháp thích hợp để trồng wasabi là thủy canh hồi lưu, ngoài ra còn có thể trồng trực tiếp trên đất.
Các nhà chuyên môn cho biết hệ rễ wasabi sinh trưởng khá dày nên trong môi trường thủy canh, cây này chỉ phù hợp trồng với mô hình media bed. Giá thể wasabi cần thoát nước tốt để tránh gặp phải tình trạng thối gốc và rễ. Wasabi không sinh trưởng tốt trong hệ thống thủy canh tĩnh vì nó khiến rễ cây không lấy được ôxy.
Khi trồng wasabi, nên sử dụng đá perlite hoặc sỏi làm giá thể, chiều sâu tối thiểu của khay trồng là 30 cm. Cần dùng hệ thống tưới nhỏ giọt không liên tục để rễ có thời gian lấy ôxy ngoài không khí. Trên khay trồng cần tạo ra một lớp khô vài cm. Wasabi cũng giống nhiều loài rau khác, rất dễ nhiễm bệnh nấm ở gốc và rễ nếu môi trường quá ẩm ướt.
Wasabi sau khi trồng 12-18 tháng có thể thu hoạch. Khi đó, đường kính của thân (củ) đạt 2,5 cm, chiều dài từ 15 – 17 cm. Hương vị wasabi tạo ra từ những chất dễ bay hơi, do đó sau khi thu hoạch cần nhanh chóng ướp lạnh để giữ mùi vị. Mỗi củ wasabi có giá từ vài triệu đồng trở lên, phần lá cây cũng có thể sử dụng để tạo ra hương vị đặc biệt cho các món ăn.
Những mô hình thử nghiệm trồng wasabi ở Việt Nam thành công đã cho thấy hiệu quả kinh tế cũng như triển vọng mới trong canh tác những loại cây du nhập từ nước ngoài. Từ đó, chúng ta có thể mở rộng hay đa dạng các loại cây giống cho thị trường Việt Nam, cũng như cung cấp thêm sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao cho người tiêu dùng trong nước và cung ứng cho xuất khẩu.
Có giá trị cả trong y học
Wasabi là loại cây có nguồn gốc từ Nhật Bản, tên khoa học là Eutrema japonicum, tên thường gọi là cải ngựa Nhật Bản. Rễ (củ) của nó được dùng làm gia vị và có vị cay cực mạnh. Vị cay của wasabi không giống vị cay của capsaicin trong ớt, sinh ra hơi có tác dụng kích ứng mũi hơn là tác dụng lên lưỡi.
Wasabi không những có nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể mà còn có một số giá trị trong y học. Cụ thể: Tăng sức đề kháng, giúp cơ thể phòng chống nhiễm vi sinh vật; phòng chống sự phát triển của khối u; tác dụng chống ngưng kết tiểu cầu; làm chậm quá trình lão hóa; điều trị các bệnh ngoài da; hỗ trợ kiểm soát cân nặng; hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp…