Mạng xã hội thế giới chuyển sang metaverse, mạng xã hội Việt đang ở đâu?

Thế Lâm

  –  

Chủ nhật, 02/01/2022 17:40 (GMT+7)

Sau khi Facebook chuyển tên công ty mẹ thành Meta thì mạng xã hội này cũng đang thúc đẩy mạnh hành trình chuyển đổi sang metaverse (vũ trụ ảo – viết tắt meta) và xem đó chính là tương lai phát triển để kinh doanh và kiếm tiền.

Trên thực tế, không ít người lầm tưởng metaverse là công nghệ sở hữu riêng của Facebook. Nhưng thực chất, vũ trụ ảo là thế giới công nghệ mới không riêng gì các mạng xã hội, mà cả game cùng nhiều lĩnh vực khác cũng hướng đến.

Theo thống kê, các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam tại thời điểm kết thúc năm 2021 với cái tên đứng đầu vẫn là Facebook, tiếp đến là YouTube, Zalo, TikTok, Viber, Instagram, Twitter, LinkedIn…

Về phía mạng xã hội Việt, ngoài Zalo với lượng người dùng trong nước hơn 60 triệu nằm trong Top 3 phổ biến nhất tại Việt Nam, các mạng xã hội Việt còn lại có thể kể đến là Mocha, Gapo, Lotus, Hahalolo…

Tuy nhiên, các mạng xã hội Việt như Gapo, Lotus, Hahalolo sau thời điểm năm 2019 ra mắt khá tập trung và rầm rộ, đến năm 2020 thi thoảng được các phương tiện truyền thông đề cập đến, thì năm 2021 vừa qua hầu như im ắng.

Theo Thạc sĩ Mai Tuyết chuyên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông – marketing, hiện các doanh nghiệp đã chuyển tỉ trọng khá lớn kinh phí sang cho hoạt động truyền thông là quảng cáo tiếp thị trên mạng xã hội. Tuy nhiên, các mạng xã hội Việt dường như vẫn chưa có được “phần” nào đáng kể trong “chiếc bánh” quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.

Nguyên nhân theo thạc sĩ Mai Tuyết, là lượng người dùng mạng xã hội Việt còn khiếm tốn, nhiều nhất cũng chỉ có 5-7 triệu người dùng (đó là theo số liệu công bố từ các mạng này chứ lượng người dùng thực chất và thường xuyên có thể còn thấp hơn), độ phủ thấp và chất lượng người dùng cũng thấp.

Thứ hai, mạng xã hội Việt sinh sau đẻ muộn đi theo hướng “nội dung là vua” đề cao tương tác, chia sẻ như Facebook nhưng lại chưa có sự khác biệt, cho nên dù không muốn nhưng vô hình chung lại phải cạnh tranh trực tiếp với Facebook và một số mạng xã hội khác, và tất nhiên kết quả như thế nào thì hoàn toàn có thể đoán trước được.

Cho dù về mặt chính sách, cơ chế dành cho người dùng đặc biệt là các KOLs (người nổi tiếng và định hướng dư luận), mạng xã hội Việt thoáng hơn, ưu đãi hơn, thậm chí chấp nhận chia sẻ doanh thu, lợi nhuận với người dùng thông qua một số cơ chế. Song khi sức hút người dùng chưa cao, những chính sách ưu đãi đó chưa thể phát huy được tác dụng.

Facebook thời gian qua xảy ra nhiều bê bối dẫn đến dư luận mất dần cảm tình mà trầm trọng nhất gần đây chính là vụ “hồ sơ Facebook” (Facebook Papers). Tuy nhiên, ngay cả khi không ít người dùng tại Việt Nam muốn từ bỏ Facebook song để tìm được một mạng xã hội khác tương xứng thay thế cũng không phải là chuyện đơn giản. Twitter ban đầu được xem như một ứng viên thay vai nhưng nhìn chung tính năng của mạng xã hội này còn khá hạn chế.

Trước ngưỡng cửa trào lưu chuyển hướng sang vũ trụ ảo của thế giới mạng xã hội và game blockchain, các mạng xã hội Việt lại có thêm một thách thức mới về chuyển đổi để bắt kịp trào lưu công nghệ mới trên thế giới.  

Thách thức mới đó, chính là xây dựng mạng xã hội meta Việt, đồng thời đây cũng là cơ hội mới để tạo ra nét đặc sắc riêng.