Mang thai tuần 41: Mẹ bầu cần chú ý nhiều hơn – YouMed

Chắc hẳn khi mang thai tuần 41, mẹ bầu sẽ có rất nhiều cảm xúc đan xen. Trải qua hơn 9 tháng 10 ngày (tương đương 40 tuần) nhưng vẫn chưa chuyển dạ. Vậy liệu rằng thai kỳ này có bình thường hay không? Có cần phải khám bệnh, tầm soát gì hay không? Và có nên kích thích chuyển dạ hay không? Tất cả những băn khoăn ấy sẽ được YouMed giải đáp qua bài viết sau đây.

1. Mang thai tuần 41 có phải là thai kỳ bất thường?

Mang thai tuần 41 nhưng vẫn chưa sinh con làm không ít mẹ bầu lo sợ. Nguyên nhân chủ yếu là vì mẹ bầu nghi ngờ điều này sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì hiện tượng này lại khá bình thường.

Xem thêm bài viết cùng chủ đề: Ốm nghén khi mang thai

Mang thai tuần 41 chưa sinh mà dân gian gọi là “chửa trâu” sẽ làm cho nhiều thai phụ lo lắng. Tuy nhiên, thực tế thì em bé đôi lúc chỉ muốn được ở trong bụng mẹ lâu hơn một tí mà thôi. Thai trên 42 tuần mới được gọi là thai già tháng, đồng thời cần chấm dứt thai kỳ.

Thai phụ mang thai tuần 41
Thai phụ mang thai tuần 41

Chính vì vậy, trong suốt tuần mang thai này, mẹ bầu hãy giữ tâm lý bình tĩnh nhất. Các bạn hãy lạc quan mà chợ đợi đến giây phút chuyển dạ. Và một chuyến vượt cạn sẽ đến vào một ngày nào đó. Người mẹ sẽ hạ sinh em bé, cho ra đời một thiên thần nhỏ bé đáng yêu.

2. Đổi thay trên cơ thể người mẹ

Mẹ bầu sẽ phải trải qua rất nhiều đổi thay trên cơ thể khi mang thai, không chỉ riêng tuần 41. Từ ngực, bụng, da cho đến hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn. Tất cả đều thay đổi theo xu hướng có lợi nhất cho thai nhi.

Chính đặc điểm này làm cho mẹ bầu cảm nhận được sự khác biệt rất rõ so với trước khi mang thai. Trong những giây phút cuối cùng của một thai kỳ, cơ thể của người mẹ cũng dần thay đổi. Với chức năng là có sự chuẩn bị chu đáo nhất cho sự ra đời của em bé.

Tham khảo thêm bài viết: Những điều bạn cần biết về tiêm ngừa khi mang thai

Đến tuần lễ này, mẹ bầu sẽ không còn thấy mình tăng cân nhanh như những tuần trước đây. Tuy nhiên, chính vì sự lo lắng về em bé trong bụng  khiến một số thai phụ có thể bị giảm cân chút ít.

Thai phụ rất dễ lo lắng khi mang thai tuần 41
Thai phụ rất dễ lo lắng khi mang thai tuần 41

Mặc dù vậy, việc giảm cân này cũng không hẳn là tiêu cực đối với tình hình sức khỏe của người mẹ lúc bấy giờ. Hơn nữa, đây có thể là dấu hiệu của sự chuyển dạ trong một vài ngày sắp tới.

Khi mang thai tuần 41, tử cung chèn ép lên bàng quang làm người mẹ thường xuyên có cảm giác muốn đi tiểu. Thay vào đó, áp lực lên cơ hoành giảm đi giúp cho bạn cảm thấy dễ thở hơn rất nhiều.

3. Triệu chứng khi mang thai tuần 41

Khi mang thai tuần 41 nhưng vẫn chưa sinh, những triệu chứng thường không khác biệt nhiều so với vài tuần trước đó, bao gồm:

  • Cảm giác khó chịu ở vùng xương chậu: Khi thai nhi bắt đầu xuống dần về vùng đáy chậu, áp lực tại vị trí cổ tử cung và bàng quang tăng lên. Điều đó gây ra sự khó chịu và đau nhức.
  • Bệnh trĩ: Áp lực lên khung chậu làm cho tĩnh mạch ở trực tràng bị giãn. Nó sẽ gây ra bệnh trĩ khi mang thai.
  • Rối loạn giấc ngủ: Nguyên nhân chính là do sự lo lắng, cũng có thể là do những cơn đau ảnh hưởng làm khó ngủ.
  • Thường xuyên đi vệ sinh: Sự tăng áp lực lên bàng quang dẫn đến kích thích bàng quang. Điều đó sẽ làm người mẹ muốn đi tiểu nhiều lần trong ngày.
  • Các cơn co thắt tử cung: Khi em bé chuẩn bị ra đời, các cơn co thắt sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.

Bệnh trĩ khi mang thai
Bệnh trĩ khi mang thai

4. Đặc điểm của thai nhi trong tuần thai 41

Khi người mẹ bước qua tuần 41 của thai kỳ, em bé sẽ có kích thước bằng một quá dưa hấu. Bé có chiều dài khoảng 46 đến 56 cm và nặng khoảng 3 đến 3,5 kg.

Nếu bạn sinh thường thì đầu em bé có thể có hình dạng thuôn dài và đi kèm triệu chứng thai bọng mắt. Điều này là do đầu của bé bị chèn ép một ít khi đi ngang qua ngả âm đạo của người mẹ.

Tham khảo thêm: Siêu âm thai: Người mẹ nên biết gì

Nhịp tim của bé khi người mẹ mang thai tuần 41 đã nghe rõ rệt hơn. Tần số tim sẽ tăng lên mỗi khi em bé cử động trong bụng mẹ. Một số mẹ bầu có thể đang nghĩ em bé có lẻ tròn trịa hơn vì bé còn ở trong bụng mẹ thêm 1 tuần nữa. Tuy nhiên, không hẳn là như thế. Thông thường, bé sẽ không mập mạp hơn quá nhiều.

Thai nhi khi người mẹ mang thai 41 tuần
Thai nhi khi người mẹ mang thai 41 tuần

Có thể khẳng định rằng lúc này, bé đã hoàn thiện về sự phát triển cơ thể trong bụng mẹ. Thai nhi sẵn sàng chờ một ngày được bước ra thế giới bên ngoài, cất tiếng khóc chào đời.

5. Vấn đề siêu âm khi mang thai tuần 41

Mặc dù một số bác sĩ có thể đề nghị siêu âm nhằm kiểm tra sức khỏe của thai nhi. Tuy nhiên, siêu âm khi mang thai muộn thường không được khuyến khích và không thật sự cần thiết.

Một nghiên cứu trên 30.000 phụ nữ mang thai cho kết quả rằng: Việc sử dụng siêu âm thường quy trong thai kỳ quá ngày không mang đến bất kỳ lợi ích nào hơn cho cả người mẹ và em bé.

Một xét nghiệm khác có thể được sử dụng nhằm kiểm tra sức khỏe, chuyển động và nhịp tim của bé. Đó chính là xét nghiệm “Không căng thẳng”.

Siêu âm khi mang thai tuần 41
Siêu âm khi mang thai tuần 41

Xét nghiệm này ghi lại phản ứng của em bé kể từ lúc khi bé nghỉ ngơi đến khi vận động. Đồng thời ghi nhận phản ứng của bé trong các cơn co thắt. Nghiệm pháp này được sử dụng để đảm bảo rằng thai nhi nhận đủ oxy và hoàn toàn khỏe mạnh.

6. Lối sống và chế độ ăn kiêng 

Mẹ bầu nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, với nhiều ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, trái cây cũng như rau quả. Những thực phẩm này chứa các nhóm chất dinh dưỡng quan trọng mà mẹ và em bé cần. Đồng thời còn đảm bảo cho em bé phát triển khỏe mạnh sau khi ra đời.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ trái cây, rau và vitamin C của các bà mẹ mang thai sẽ giúp em bé khỏe mạnh hơn. Thậm chí là có thể kéo dài sức khỏe đến tận 6 tháng tuổi, khi em bé bú mẹ hoàn toàn.

Ăn nhiều trái cây để bổ sung đầy đủ vitamin
Ăn nhiều trái cây để bổ sung đầy đủ vitamin

Vấn đề uống nước cũng rất quan trọng. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn s4 uống nhiều nước trong ngày. Thực phẩm cay được cho là kích thích chuyển dạ. Mặc dù không có nghiên cứu y học nào chứng minh điều này. Tuy nhiên, cũng không có hại gì khi mẹ bầu ăn một số thực phẩm cay nhẹ.

7. Kích thích chuyển dạ khi mang thai tuần 41

Nếu sau 41 tuần vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ tự nhiên. Bên cạnh đó, mẹ bầu không muốn đợi chờ thêm nữa, muốn sinh bé ra trong thời điểm này. Các bác sĩ sẽ có một số phương pháp để kích thích chuyển dạ bao gồm:

Đặt bóng cổ tử cung

Các bác sĩ sẽ đưa 1 ống cao su nhỏ vào vị trí cổ tử cung. Sau đó tiến hành bơm nước vào giúp căng phồng túi bóng ở đầu ống. Mục đích là để nó tác động vào màng ối. Điều này sẽ kích thích tiết ra hormone khởi phát chuyển dạ. Đồng thời bong bóng còn giúp nong giãn cổ tử cung.

Đặt bóng cổ tử cung
Đặt bóng cổ tử cung

Lóc ối

Bác sĩ chuyên khoa sẽ lóc ối bằng cách dùng ngón tay tách các màng nhằm giải phóng hormone, kích thích chuyển dạ.

Ngoài ra còn có các phương pháp kích thích chuyển dạ khác như: phá ối, truyền thuốc Oxytocin. Tuy nhiên, những cách này chỉ được thực hiện khi cổ tử cung đã mở. Hoặc kèm theo một vấn đề nào đó như: cơn co tử cung không đủ, ối vỡ lâu,…

8. Lời khuyên dành cho mẹ bầu

Điều nên làm

  • Có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp em bé khỏe mạnh khi vẫn còn ở trong bụng mẹ.
  • Giữ cho tâm lý thoải mái, không lo lắng, hạn chế tối đa sự căng thẳng.

Giữ tâm lý thoải mái khi mang thai
Giữ tâm lý thoải mái khi mang thai

Điều không nên làm

  • Thức khuya, làm việc nhiều.
  • Đi du lịch xa vì có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào.
  • Ngâm mình quá lâu trong bồn nước.
  • Uống nhiều cà phê, rượu bia, các thức uống chứa chất kích thích.

Hy vọng với qua bài viết này, mẹ bầu mang thai tuần 41 sẽ yên tâm hơn. Tâm lý có thoải mái, có lạc quan thì cuộc chuyển dạ mới diễn ra thuận lợi. Hãy sống vui vẻ, ăn uống lành mạnh để sẵn sàng cho giây phút vượt cạn nhé các mẹ bầu!

Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang

Để biết được mang thai tuần 42 như thế nào, mời các bạn cùng tham khảo bài viết: Mang thai tuần 42