Mang thai hộ là gì? Điều kiện mang thai hộ hợp pháp ở Việt Nam
Có nhiều lí do dẫn đến việc nhờ mang thai hộ như: những cặp vợ chồng vô sinh, điều kiện sức khỏe kém không thể sinh con hoặc cũng có những người lợi dụng việc này để có lợi ích khác trái pháp luật. Vậy mang thai hộ là gì? Điều kiện mang thai hộ hợp pháp ở Việt Nam như thế nào? Pháp luật quy định về việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo và mang thai hộ với mục đích thương mại thế nào? Mang thai hộ bất hợp pháp bị xử lý như thế nào? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng giải đáp cụ thể trong bài viết sau đây.
Mục Lục
Mang thai hộ là gì?
Mang thai hộ là việc một người phụ nữ mang thai và sinh con thay cho người khác, người mang thai hộ sau khi sinh con sẽ trao lại đứa trẻ cho cha mẹ của chúng (người nhờ mang thai hộ) để chăm sóc, nuôi dưỡng. Việc mang thai hộ có thể được thực hiện thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc quan hệ trực tiếp.
Các trường hợp mang thai hộ
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì?
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. (Căn cứ khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình). Hiện nay, pháp luật chỉ cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là gì?
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. (Căn cứ khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình). Mang thai hộ vì mục đích thương mại không được nhà nước cho phép thực hiện.
>> Xem thêm: Kết hôn giả tạo để xuất nhập cảnh, nhập quốc tịch bị xử lý thế nào?
Điều kiện mang thai hộ hợp pháp ở Việt Nam
Trước tiên, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được các bên thực hiện trên tinh thần tự nguyện và phải được lập bằng văn bản. Người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ phải đảm bảo các điều kiện pháp luật quy định, cụ thể tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
“1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợpvà có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợpngười phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Mang thai hộ vì mục đích thương mại được pháp luật quy định như thế nào?
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là một trong các hành vi bị cấm thực hiện được quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình.
Người có hành vi mang thai hộ sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trên theo Điều 60 Nghị định 82/2020/NĐ-CP
“Điều 60. Hành vi vi phạm quy định về sinh con
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”
Tuy việc mang thai hộ vì mục đích thương mại bị cấm nhưng vẫn chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự về hành vi này. Bộ luật Hình sự chỉ có quy định về Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Dấu hiệu pháp lý của tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
Khách thể của tội phạm
Người phạm tội xâm phạm đến công tác quản lý của nhà nước về sinh sản bằng phương pháp kỹ thuật và tính nhân đạo của việc mang thai hộ.
Khách quan của tội phạm
Người tổ chức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thường sẽ thực hiện nhiều hành vi khác nhau, trong đó có các hành vi như: móc nối, tạo điều kiện để các bên có nhu cầu gặp nhau, trao đổi, sắp xếp, hỗ trợ phương tiện để các bên gặp gỡ,….với mục đích để các bên thuận lợi tiến hành việc mang thai hộ vì mục đích lợi nhuận.
Chủ thể của tội phạm
Bất kỳ ai đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự mà có hành vi vi phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thì đều có thể là chủ thể của tội này.
Chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, nhằm mục đích lợi nhuận.
Ví dụ về mang thai hộ
– Ví dụ về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
Anh D và chị K kết hôn đã 10 năm nhưng vì chị K bị vô sinh nên không thể có con được. Anh chị luôn mong muốn có được một đứa con để chăm sóc, nuôi dưỡng. Biết được mong muốn này của anh chị, chị N là em họ của chị K đã đồng ý mang thai hộ anh chị của mình, các bên đã thực hiện dựa trên cơ sở tự nguyện và lập văn bản tại văn phòng công chứng. Chị N không nhận bất kỳ lợi ích nào của vợ chồng anh D, thụ thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hành vi mang thai hộ này được pháp luật cho phép.
– Ví dụ về mang thai hộ vì mục đích thương mại:
Vợ chồng chị B kết hôn đã lâu nhưng sức khỏe của chị B rất yếu, không thể mang thai vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ. Bà L biết được vấn đề này nên đã chủ động liên hệ và đưa ra yêu cầu mang thai hộ vợ chồng chị B với giá là 100.000.000 đồng. Sau khi đứa trẻ được sinh ra, vợ chồng chị B phải đưa đủ số tiền thì bà L mới giao con. Hành vi mang thai hộ này bị pháp luật cấm.
Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý như thế nào?
Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại được quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất là 05 năm và còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Cụ thể:
“Điều 187. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Tóm lại mang thai hộ là việc làm nhân đạo giúp các cặp vợ chồng không thể sinh con có được niềm vui làm cha mẹ. Nhưng không vì thế mà áp dụng tràn lan kỹ thuật này, bởi nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Hy vọng qua bài chia sẻ về “Mang thai hộ là gì? Điều kiện mang thai hộ hợp pháp ở Việt Nam” cung cấp những thông tin hữu ích dành cho mọi người. Nếu còn bất cứ vấn đề gì thắc mắc bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 hoặc gửi câu hỏi về email: [email protected] để nhận được sự tư vấn hỗ trợ.
Đánh giá