Màng tăng sinh trước võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ – Bác sĩ Chuyên khoa Mắt – Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Người cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là sự suy giảm thị lực gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống cũng như tinh thần của người bệnh. Một trong những bệnh thường gặp nhất ở người cao tuổi là màng tăng sinh trước võng mạc, đây là căn bệnh gây ra bởi mô sẹo xuất hiện trên điểm vàng của mắt.

1. Bệnh màng trước võng mạc là gì?

Điểm vàng hay còn gọi là hoàng điểm của mắt có nhiệm vụ giúp thu nhận hình ảnh, nhận biết màu sắc và có vai trò quan trọng đối với thị lực trung tâm. Khi điểm vàng xuất hiện mô sẹo sẽ gây ra bệnh màng trước võng mạc hay còn được biết dưới cái tên màng tăng sinh trước võng mạc, thoái hóa màng võng mạc,

Bệnh màng trước võng mạc thường xuất hiện ở người cao tuổi với độ tuổi từ 50 trở lên và khá phổ biến ở người già trên 75 tuổi. Bệnh màng tăng sinh trước võng mạc có thể khiến người bệnh mất thị lực từ không nghiêm trọng đến nghiêm trọng. Tuy nhiên, trường hợp mất thị lực nghiêm trọng thường khá hiếm gặp. Mặc dù, không thể phòng tránh căn bệnh này nhưng mọi người có thể kiểm soát bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách hạn chế mắc các bệnh về mắt như cận thị, chấn thương mắt, võng mạc…, đeo kính bảo hộ khi chơi thể thao…

Bị cận thị không đeo kính có sao không?

2. Triệu chứng của màng tăng sinh trước võng mạc

Sau đây là một vài triệu chứng thường gặp của bệnh màng trước võng mạc. Theo đó, nếu người bệnh có những biểu hiện bệnh thì nên đến các cơ sở y tế tin cậy hoặc bệnh viện để thăm khám:

  • Người bệnh nhìn mọi thứ thấy mờ hơn so với bình thường, những hình ảnh đó có thể bị méo so với thực tế
  • Gặp khó khăn khi nhìn chi tiết nhỏ hoặc đọc bản in nhỏ
  • Ở trung tâm tầm nhìn thấy xuất hiện một mảng màu xám hoặc có thể xuất hiện điểm mù

Ngoài những triệu chứng cụ thể như trên, bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng bất thường khác ở mắt mà không được đề cập đến. Tuy nhiên, nếu cảm thấy có bất kỳ triệu chứng lạ nào ở mắt, bệnh nhân nên đi thăm khám để nắm rõ tình trạng của bản thân.

3. Nguyên nhân hình thành bệnh màng trước võng mạc

Mắt của chúng ta chứa đầy dịch kính, khi về già quá trình phân tách dịch kính diễn ra khiến chúng từ từ co lại và tách ra khỏi bề mặt võng mạc. Quá trình này hầu như không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào ngoài việc xuất hiện những đốm đen hoặc những vết bẩn trong tầm nhìn. Tuy nhiên, hiện tượng này xuất hiện với số lượng rất nhỏ và không đáng để kể đến.

Mặc dù vậy nhưng nếu quá trình phân tách thủy tinh thể đôi khi cũng gây ra một vài tổn thương nhỏ trên bề mặt võng mạc. Khi võng mạc bắt đầu quá trình chữa lành sẽ hình thành mô sẹo hoặc lớp màng trên bề mặt của nó. Sau đó, các vết sẹo này co lại sẽ tạo thành nếp nhăn và nếu mô sẹo hình thành trên điểm vàng sẽ gây ra bệnh màng tăng sinh trước võng mạc.

Ngoài ra, những người đã từng phẫu thuật đục thủy tinh thể, người mắc bệnh võng mạc đái tháo đường đều có nguy cơ mắc bệnh màng trước võng mạc.

4. Điều trị bệnh màng trước võng mạc như thế nào?

Chụp mạch huỳnh quang

Qua thăm khám lâm sàng nếu nghi ngờ người bệnh mắc màng tăng sinh trước võng mạc, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như sau:

  • Chụp mạch huỳnh quang: Đây là cách giúp chiếu sáng các vùng của võng mạc bằng phương pháp nhuộm.
  • Chụp cắt lớp kết hợp quang học: Đây là phương pháp sử dụng máy ảnh laser để chụp võng mạc, giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh cũng như đo độ dày của võng mạc, phát hiện chỗ sưng, chảy dịch…

Khi xác định chính xác người bệnh mắc màng tăng sinh trước võng mạc, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên cho việc điều trị căn bệnh này. Thông thường, người bệnh màng trước võng mạc đa phần không cần phải điều trị vì các ảnh hưởng đến thị giác của căn bệnh này không đáng kể, người bệnh có thể tự thích nghi với tình trạng của bản thân và sớm trở lại cuộc sống bình thường. Nhiều trường hợp, không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào, mô sẹo tự bong ra và bệnh màng trước võng mạc biến mất hoàn toàn.

Trường hợp thị lực của người bệnh suy giảm đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật nếu người bệnh có mong muốn khôi phục thị lực. Ca phẫu thuật được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ, thủy tinh thể sẽ được loại bỏ và thay vào bằng dung dịch muối để tránh tình trạng kéo võng mạc. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ loại bỏ mô sẹo gây ra vết nhăn, nguyên nhân chính hình thành bệnh màng trước võng mạc.

Suy giảm thị lực

Khi phẫu thuật hoàn tất, người bệnh cần đeo miếng che mắt trong khoảng thời gian nhất định, thường là từ vài ngày đến vài tuần để bảo vệ mắt đồng thời sử dụng thuốc nhỏ mắt tránh nhiễm trùng theo đơn kê của bác sĩ. Bệnh nhân nên chú ý nếu chưa biết rõ tình trạng giảm thị lực do nguyên nhân gì, người bệnh không nên nạm dụng sử dụng thuốc hay thực phẩm bổ sung dinh dưỡng để cải thiện thị lực.

Chuyên khoa Mắt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có chức năng chăm sóc sức khỏe mắt và thị giác toàn diện cho trẻ em, người lớn và người cao tuổi, bao gồm: thăm khám, kiểm tra tật khúc xạ, điều trị bằng laser và phẫu thuật. Bệnh cạnh đó, còn có nhiệm vụ phối hợp với các khoa lâm sàng khác trong việc điều trị các biến chứng bệnh lý và tổn thương về mắt do tai nạn.

Toàn bộ đội ngũ y bác sĩ Chuyên khoa Mắt tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là những bác sĩ giàu kinh nghiệm, đã triển khai nhiều loại phẫu thuật từ thường quy đến các phẫu thuật khó, đặc biệt là các kỹ thuật đòi hỏi tính thẩm mỹ. Với tâm huyết và lòng yêu nghề, đội ngũ bác sĩ công tác tại Vinmec luôn mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất với chất lượng phục vụ cao nhất.

Quý khách hàng có thể trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc thăm khám hoặc đặt lịch hẹn trực tuyến.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!