Mang dịch vụ y tế chất lượng đến gần hơn với cộng đồng khó khăn tại Việt Nam
Để di chuyển bằng ô tô từ trung tâm huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đến xã vùng sâu Lang Thíp mất khoảng 3 giờ. Nếu di chuyển bằng xe máy thì còn lâu hơn nữa. Việc đi lại tương đối khó khăn nếu người dân sinh sống tại xã phải di chuyển đến trung tâm y tế huyện để khám chữa bệnh.
Trước đây, trạm y tế xã Lang Thíp còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất và nhân lực; chủ yếu cung cấp dịch vụ y tế dự phòng như tiêm chủng trong khi chưa đủ năng lực quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đột quỵ hoặc đái tháo đường.
Tình trạng này đến nay đã được cải thiện. Thông qua Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, những trạm y tế như Lang Thíp đã được nâng cao năng lực để có thể cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cho người dân.
Một điểm mới là hiện nay các trạm y tế xã bắt đầu có thể thực hiện chẩn đoán và quản lý các bệnh không lây nhiễm. Ngoài ra các trạm cũng được nâng cao năng lực thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thực hiện khám chữa bệnh ban đầu. Tính đến tháng 2 năm 2023, dự án đã hỗ trợ xây mới và cải tạo nâng cấp 186 trạm y tế cũng như tổ chức đào tạo thông qua thực hành cho hơn 2.900 nhân viên y tế.
Tuy dự án mới đi qua nửa chặng đường nhưng đã mang lại những kết quả tích cực. Đơn cử trạm y tế xã Lang Thíp đã ghi nhận số lượng lớn bệnh nhân đến thăm khám tại tòa nhà mới. Trạm y tế được trang trí rất nhiều các áp phích khuyến cáo nuôi con bằng sữa mẹ cũng như các hướng dẫn, thực hành khác về chăm sóc sức khỏe. Được đặt ở vị trí dễ quan sát nhất là một chiếc bảng trắng cỡ lớn thể hiện các chỉ số theo dõi sức khỏe chính và trách nhiệm của từng cán bộ làm việc tại trạm.
Một trong những bệnh nhân thường xuyên đến trạm y tế xã Lang Thíp để quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp là bà Cù Thị Liên.
Bà Liên cho biết: “Tôi từng làm việc tại trạm y tế này hơn 10 năm trước đây. Đó là thời gian khó khăn vô cùng đối với y tế cơ sở, thiếu thốn đủ thứ, không có bác sỹ, nhà xuống cấp trong khi trang thiết bị không có. Do vậy, chúng tôi chủ yếu tập trung nhiệm vụ phòng bệnh, tiêm chủng theo các chương trình quốc gia với kinh phí hạn hẹp.”
Bà Liên nhận thấy hiện nay trạm y tế đã được đầu tư nhiều hơn, cơ sở khang trang, thiết bị khá đầy đủ, có bác sỹ làm việc tại trạm, thuốc cũng đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Các bệnh mãn tính đã được quản lý, phát thuốc và bảo hiểm chi trả ngay tại trạm, rất thuận tiện cho người bệnh như bà Liên.
Ông Bàn Văn Lợi, Trưởng trạm y tế xã cho biết, sau khi cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, số lượt bệnh nhân đến thăm khám tăng gấp 1,5 lần, đạt khoảng 500 lượt bệnh nhân/tháng và hơn một nửa trong số đó là quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm.
Là một trong những điều dưỡng được tham gia hợp phần đào tạo của dự án, chị Lý Thị Mai hiện có thể quản lý hồ sơ bệnh nhân bằng phần mềm. Chị Mai cho biết “Việc theo dõi tình trạng và quá trình điều trị của từng bệnh nhân trở nên dễ dàng hơn nhiều.”
Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở đã đào tạo tại chỗ cho hơn 2.900 nhân viên tại các trạm y tế xã. Ảnh: Nguyễn Đình Cường/ Ngân hàng Thế giới