Ma tuý đá – Hậu quả và hiểm họa – Bài 2: Để “nhổ mầm” cái ác

Khi thực hiện chuyên đề này, chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát với các học viên nghiện ma tuý đá đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh và 50 học sinh của Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long). Và, kết quả thu nhận lại cho thấy rất nhiều “lỗ hổng” trong nhận thức…

[links()]

Những học viên nữ đầu tiên tại Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh (Vũ Oai, Hoành Bồ).

Những học viên nữ đầu tiên tại Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh (Vũ Oai, Hoành Bồ).

Những học viên “đặc biệt” của Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh

“Em sắp khỏi bệnh rồi, sắp được về nhà lấy chồng rồi” – Nghe câu nói ấy và nhìn vào gương mặt tươi vui của cô gái ấy, chẳng ai có thể biết, mới chỉ một tuần trước đó là những chuỗi ngày thực sự không bình thường của N.T.V trú tại khu 1, phường Bình Ngọc (TP Móng Cái). Chưa đầy một tháng vào Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh (Vũ Oai, Hoành Bồ), nhưng N.T.V đã làm cho các cán bộ, nhân viên trong đó đặc biệt là bộ phận Phòng Y tế của Trung tâm phải “căng sức”. Một ngày có đến 8 lần cô gái này lột hết quần áo nhúng vào chậu nước rồi nhảy múa, hát ca không biết mệt; sau đó lại là màn gào thét, chửi bới liên tục. “Nhìn thế thôi, chứ V cũng mới chỉ tỉnh táo được 1 tuần nay đấy. Trước khi vào đây, gia đình và ngay cả Công an phường Bình Ngọc cũng đến khổ vì V liên tục trong tình trạng “ngáo đá” – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH kiêm Giám đốc Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh Lê Minh Sơn nói với chúng tôi.

Bước sang năm 2016 này, Trung tâm vừa tròn 10 tuổi, nhưng trong suốt chừng ấy năm thì chỉ từ giữa 2015 này ở đây mới có những học viên nữ đầu tiên, họ đều là đối tượng nghiện ma tuý đá. Là người gắn bó với Trung tâm từ những năm đầu tiên thành lập cho đến nay, Giám đốc Lê Minh Sơn đã trải qua biết bao vui, buồn cùng những thăng trầm của cái nghề công tác xã hội. Song, khi nhắc về các học viên nữ đầu tiên và “cơn lốc” ma tuý đá, anh không giấu những lo lắng, song cũng thể hiện sự tự tin trước một nhiệm vụ mới. Đó là cai nghiện, chữa trị, quản lý, giáo dục các học viên trót “làm bạn” với ma tuý đá.

Anh Sơn kể, trước N.T.V, có một học viên nữ đầu tiên chủ động đến Trung tâm khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Cô gái đó cũng thuộc thế hệ 8x, đã có gia đình rất hạnh phúc. Với tối hậu thư từ người chồng “nếu không bỏ được ma tuý đá, anh sẽ bỏ em”, cô gái đó đã nhờ một người bạn thân chở vào Trung tâm xin được cai nghiện tự nguyện. Sau khi làm các thủ tục chính thức trở thành học viên, cô gái đó mới nhờ anh Sơn báo cho gia đình biết. Khi chúng tôi đến, học viên này đang xin ra ngoài để điều trị một căn bệnh phụ nữ. Cũng tại đây, V.L.H – cô gái đã từng gây náo loạn ở đường phố Hạ Long bằng việc bế con nhỏ lao vào đầu ô tô hôm nào, giờ cũng đã tỉnh táo hơn và dường như biết hối hận về sự sa ngã của bản thân khi trò chuyện với chúng tôi. “Nhớ con!” – đó là điều mà V.L.H thường nhắc tới. Tuần trước, được gặp mẹ và con tới thăm, H vui lắm. Anh Sơn cho biết và cũng hứa với H rằng, nếu chuyển biến tốt, sẽ cho đón con vào để mẹ con ở cùng nhau 1 tuần. Vâng, mẹ của V.L.H chính là nhân vật chúng tôi đã đề cập tới trong bài báo “Nỗi đau của người mẹ có con “ngáo đá” tại chuyên đề này trên Báo Quảng Ninh Cuối tuần số ra ngày 20-12-2015.

Nhìn những “bông hoa” hiếm hoi của Trung tâm ríu rít bên nhau và nhảy chân sáo trong khuôn viên đẹp với nhiều hoa và cây xanh của khu vực y tế, cũng là nơi ở riêng biệt của học viên nữ, ai cũng mong ngày về của các cô gái xinh xắn này thực sự là một trang mới.

Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện bảo vệ sức khoẻ tâm thần tỉnh và y sĩ thuộc khoa Phục hồi chức năng thăm hỏi một bệnh nhân đang điều trị loạn thần do sử dụng ma tuý tổng hợp.

Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện bảo vệ sức khoẻ tâm thần tỉnh và y sĩ thuộc khoa Phục hồi chức năng thăm hỏi một bệnh nhân đang điều trị loạn thần do sử dụng ma tuý tổng hợp.

“Lỗ hổng” nhận thức và trăn trở câu chuyện cai ma tuý đá

Không có lẽ sự bao phủ của “cái chết trắng” trong một thời gian dài trước đó chưa đủ để cảnh tỉnh giới trẻ hiện nay? Không có lẽ thế hệ 8x, 9x rất sành công nghệ lại mờ mịt trước thông tin về ma tuý đá và tính nguy hiểm của nó? Với các câu hỏi đó, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát với hai nhóm đối tượng. Đó là các học viên cai nghiện ma tuý đá tại Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh và 50 học sinh lớp 12 của Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long).

Tại Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh, với câu hỏi mở: “Hãy viết ngắn gọn lý do vì sao anh/chị sử dụng ma tuý đá”, chúng tôi đã nhận được các câu trả lời “đóng” và rất thật với 4 nguyên nhân chủ yếu sau: Bị bạn bè rủ rê, vì bản thân thấy buồn, do chán nản gia đình, thích tìm cảm giác lạ; trong đó, cũng có một số ít cho rằng, để tăng ham muốn tình dục. Còn với câu hỏi “Anh/chị biết hay không biết rằng ma tuý đá gây ra các tác hại sau: Phá huỷ hệ thần kinh; ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ/ bị ảo giác, mất kiểm soát hành vi; làm ảnh hưởng tới người thân và cộng đồng…”, kết quả, có 48% trả lời không biết và chỉ có 3/50 học viên (chiếm 6%) trả lời biết rằng khi sử dụng ma tuý đá làm ảnh hưởng tới người thân và cộng đồng. 3 phương án còn lại, số người trả lời biết đều dưới 30%…

Chỉ qua một khảo sát nhỏ, với số người tham gia chưa nhiều, nhưng cũng đã cho thấy sự thiếu hụt về kiến thức cũng như rất hạn chế về mặt nhận thức của những người đã vướng vào ma tuý đá hiện nay.

Còn với nhóm 50 học sinh ở Trường THPT Hòn Gai thì kết quả khảo sát có nhiều thông tin tốt hơn, song vẫn có chỗ khuyết nguy hiểm. Đó là 52% cho biết ma tuý đá không gây ra nghiện ngay từ lần đầu sử dụng, với câu hỏi “giữa ma tuý đá và heroin loại nào nguy hiểm hơn” thì 70% cho biết là ma tuý đá. Vậy, điều này cũng có thể đồng nghĩa với việc các em rất dễ bị lôi kéo… Và cũng thật đáng mừng khi 94% trong số học sinh được hỏi cho biết sẽ tuyên truyền về tác hại của ma tuý đá nếu biết bạn bè, người thân sử dụng nó và 70% khẳng định có nhu cầu cần thêm thông tin để hiểu về ma tuý đá.

Kết quả khảo sát 50 học sinh lớp 12, Trường THPT Hòn Gai với câu hỏi về hiểu biết các tác hại của ma túy đá.

Kết quả khảo sát 50 học sinh lớp 12, Trường THPT Hòn Gai với câu hỏi về hiểu biết các tác hại của ma túy đá.

Từ những số liệu khảo sát nói trên, chúng tôi mong muốn góp phần nào đó, cùng với các cơ quan chức năng tìm ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn ma tuý đá. Theo đó, yếu tố quan trọng vẫn phải xác định hàng đầu là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để toàn xã hội có nhận thức đúng, hiểu biết đầy đủ về loại ma tuý nguy hại này. Không chỉ vậy, từ thực tế hiện nay cho thấy công tác cai nghiện cho đối tượng sử dụng ma tuý đá đang trong bước mày mò. Do đó, cơ quan chuyên môn cần đẩy nhanh công tác nghiên cứu, sớm tìm ra phác đồ điều trị. Như vậy, có thể dễ dàng nhận ra, “bài toán khó” của Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh hay Bệnh viện bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh – những nơi trên địa bàn Quảng Ninh đang tiếp nhận người nghiện ma tuý đá vào cai là thực trạng chung. Được biết, mới đây nhất, trong các ngày 21, 22-12, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Viện sức khoẻ tâm thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội nghị cập nhật kiến thức chẩn đoán điều trị các rối loạn tâm thần do sử dụng ma tuý các chất dạng Methamphetamine (còn gọi là ma tuý đá – PV). 

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh Lê Minh Sơn cho biết, đứng trước thực trạng của xã hội, là một Trung tâm được tỉnh đầu tư lớn và đã có kinh nghiệm trong điều trị, cai nghiện heroin, nên anh cùng tập thể đã mạnh dạn, chủ động đề xuất với Giám đốc Sở LĐ-TB&XH để triển khai thí điểm trên cơ sở đó sẽ rút kinh nghiệm, đúc kết để tiến tới thực hiện rộng. Trong kế hoạch của Trung tâm ở thời gian tới cũng sẽ có những sự điều chỉnh từ việc bố trí lại các khu ở, sinh hoạt để phù hợp cho đối tượng cai nghiện ma tuý đá. Tại thời điểm chúng tôi đến Trung tâm (ngày 18-12-2015), ở đây đang có 276 học viên; trong đó, số học viên cai nghiện ma tuý đá là 52. Với chính sách của tỉnh là hỗ trợ 100% cho người cai nghiện tại Trung tâm và sự gia tăng của đối tượng nghiện ma tuý đá, chắc chắn rằng, trong những năm tới số học viên sẽ tăng lên. Sự chuẩn bị sớm như chia sẻ của Giám đốc Trung tâm được xem như bước “đi trước” để không rơi vào lúng túng.

Cùng với những việc cấp bách nói trên, trong quá trình thực hiện chuyên đề này, nhóm PV Báo Quảng Ninh Cuối tuần còn nhận thấy một vướng mắc không nhỏ của công tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma tuý nói chung, trong đó có ma tuý đá. Đó là, đã có hiện tượng một số thanh niên tổ chức sinh nhật, tiệc tùng với số lượng lên tới hàng chục người mà ở đó, thứ “quà” để tặng nhau sử dụng tại chỗ chính là ma tuý đá. Trong khi đó, quá trình xử lý lại “vấp” phải khó khăn.

Lê Vi

Thạc sỹ – Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần Quảng Ninh:

Ma tuý đá ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, thậm chí gây chết tế bào não không hồi phục được

Ma tuý đá (hay còn gọi là Methamphetamine, Ice, meth…): Là ma tuý tổng hợp có tính chất kích thích thần kinh trung ương gây ảo giác với thành phần chính là Methamphetamine. Khi sử dụng, ma tuý đá gây các hậu quả ngắn hạn như tăng huyết áp, tăng nhịp tim, tăng thân nhiệt, co giật, hôn mê, tử vong (khi dùng liều cao), tăng ham muốn tình dục. Các hậu quả lâu dài như gây nghiện nặng, suy kiệt cơ thể, tổn thương tĩnh mạch, bệnh ngoài da, hư răng, đột quỵ, rối loạn tâm thần (ảo giác, hoang tưởng, rối loạn hành vi, hung hăng, thô bạo, mệt mỏi, trầm cảm, lo âu, chán ăn, mất ngủ, mất trí nhớ…). Ma tuý đá ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, gây rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh trong não mà chủ yếu là Dopamin, Serotonin, từ đó gây tổn thương tế bào não, thậm chí gây chết tế bào não và không hồi phục được.

Chỉ cần 1-2 lần dùng là người sử dụng có thể bị các rối loạn tâm thần (hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm) gây cho con người ảo giác, hoang tưởng. Những ảo giác, hoang tưởng này chi phối cảm xúc, hành vi của những người sử dụng và gây ra tình trạng “phê đá”, “ngáo đá”. Họ luôn nghĩ rằng, có người đuổi đánh, chém giết mình, hoặc cho rằng mình là chim hoặc đang lái máy bay v.v.. Vì vậy, những đối tượng này thường xuất hiện tư tưởng theo kiểu tự vệ, “chủ động” tấn công lại những người xung quanh mình. Dùng ma tuý đá là con đường ngắn nhất đưa người sử dụng đến các bệnh viện tâm thần, tương lai của “phu đập đá” là bệnh nhân tâm thần. Trong năm 2015, Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần Quảng Ninh tiếp nhận, khám và điều trị cho gần 200 bệnh nhân có rối loạn tâm thần do sử dụng ma tuý đá.

Nhiều thanh niên có quan niệm sai lầm khi cho rằng ma tuý đá chỉ gây hưng phấn, vui vẻ tức thời nhằm giải trí chứ “đá” hoàn toàn không gây nghiện và dùng “đá” để cai nghiện heroin. Thực chất nó gây nghiện rất mạnh, dai dẳng, khó bỏ và tàn phá cơ thể nặng nề. Hiện nay để xác định được tình trạng nghiện ma tuý đá cho các đối tượng là hết sức khó khăn do thiếu các bằng chứng khách quan để đánh giá họ có nghiện hay không (cơ sở vật chất, trang thiết bị, các bằng chứng lâm sàng…). Và cũng chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị nghiện ma tuý đá, mặt khác các rối loạn tâm thần ở người sử dụng cũng là một ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cai nghiện ma tuý đá…