MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ CÁC BIỆN PHÁP XỬ PHẠT VÀ XỬ LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN VI PHẠM HÀNH CHÍNH

(Trích Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020)

 

Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi (khoản 1, Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015).

1. Độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính

Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

 

2. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với người dưới 18 tuổi vi phạm hành chính

Theo quy định tại Chương I Phần hai Luật Xử lý vi phạm hành chính thì các hình thức xử phạt đối với những người vi phạm pháp luật hành chính nói chung gồm:

– Cảnh cáo: Là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.

 

– Phạt tiền: Là hình thức xử phạt buộc người vi phạm phải nộp một khoản tiền tương ứng với hành vi vi phạm. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp pháp luật có quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực nhất định. Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có thể phải chịu hình thức xử phạt này; tuy nhiên, mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.

 

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chủ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn: Đây là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trên thực tế, không xuất hiện việc người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) bị xử phạt theo hình thức này vì cơ bản các em chưa đủ độ tuổi theo quy định để được cấp giấy phép lái xe (đăng ký xe) hoặc giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

 

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Người chưa đủ 18 tuổi có thể bị áp dụng hình thức xử phạt này.

 

– Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính không áp dụng hình thức trục xuất đối với người chưa thành niên vi phạm.

 

Tóm lại, đối chiếu với Điều 135 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì, các hình thức xử phạt áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

– Cảnh cáo;

– Phạt tiền;

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

 

3. Các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính

Các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm có:

– Biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

 

– Biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

 

– Biện pháp buộc thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

 

– Biện pháp buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;

 

– Biện pháp buộc phải tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

 

– Biện pháp buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

 

– Biện pháp buộc phải loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

 

– Biện pháp buộc phải thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

 

– Biện pháp buộc người vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

 

– Và các biện pháp khác do Chính phủ quy định.

 

Và theo quy định tại Điều 135 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

Thứ nhất, biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

 

Thứ hai, biện pháp buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

 

Thứ ba, biện pháp buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

 

Thứ tư, biện pháp buộc nộp lại khoản thu bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái với quy định của pháp luật.

 

4. Các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

Điều 136, các biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm:

 

Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong trường hợp sau:

– Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

 

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

 

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép.

 

– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

– Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy

 

Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

– Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.

 

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự.

 

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một trong các hành vi sau: gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép. nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

 

– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện một trong các hành vi sau: xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

 

5. Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

Điều 138, các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên bao gồm:

– Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện, được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau:

 

Thứ nhất, vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo;

 

Thứ hai, người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

 

– Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại khoản 5 Điều 90 của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

Thứ nhất, đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;

 

Thứ hai, có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này;

 

Thứ ba, cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhân trách nhiệm quản lý tại gia đình.

 

– Giáo dục đưa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục. Tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

Trung Tâm Y Tế Quận Bình Thạnh