MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 1 Nhà giáo, đội ngũ nhà giáo – 123docz.net

2.1.1. Nhà giáo, đội ngũ nhà giáo

Theo Từ điển tiếng Việt [157] của Hoàng Phê, “nhà giáo” là từ trang trọng
dùng để chỉ người làm nghề dạy học. Trong từ “nhà giáo”, thì từ “nhà” được
hiểu là người chuyên một ngành nghề, một lĩnh vực hoạt động nào đó đạt đến
một trình độ nhất định; từ “giáo” có nghĩa là dạy, chỉ bảo. Như vậy, nhà giáo
phải là người chuyên làm nghề dạy học và có một trình độ nhất định liên quan
đến lĩnh vực dạy học được xã hội thừa nhận. Trong thực tế cuộc sống, chúng ta
hay dùng các từ “nhà giáo”, “giáo viên”, “thầy giáo”, “người thầy”, “thầy”…,
với nghĩa giống nhau, tức là chỉ người làm nghề dạy học.

Theo Luật Giáo dục năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 [94],
Điều 70 qui định về Nhà giáo như sau: (1) Nhà giáo là người làm nhiệm vụ
giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác. (2) Nhà giáo phải
có những tiêu chuẩn sau đây: phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt; đạt trình độ
chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề
nghiệp; lý lịch bản thân rõ ràng. (3) Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm
non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp nghề, trung cấp
nghề, trung cấp chuyên nghiệp gọi là giáo viên. Nhà giáo giảng dạy

ở cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề gọi là giảng viên. Như vậy,
khái niệm nhà giáo bao hàm khái niệm giáo viên, giảng viên, đều chỉ những
người làm nghề dạy học, có một địa chỉ cụ thể, có đầy đủ tiêu chuẩn về đạo
đức, chuyên môn, sức khỏe, nhân thân.

Sinh thời, Hồ Chí Minh dành sự quan tâm rất lớn đến giáo dục – đào tạo,
và xác định đội ngũ nhà giáo chính là nhân tố quyết định thành công nền giáo
dục mới, nền giáo dục cách mạng. Trong nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết về

giáo dục, Người dùng nhiều khái niệm để chỉ nhà giáo, đó là: “cô giáo”, “thầy
giáo”, “người thầy”, “giáo viên”, “nghề thầy giáo”, “nhà văn hóa”, “thầy dạy
học”, “chiến sĩ ngành giáo dục”. Tuy nhiên, Người không nêu ra một định
nghĩa cụ thể nào về nhà giáo. Hồ Chí Minh thường định nghĩa nhà giáo thông
qua vị trí, vai trò của họ trong sự nghiệp giáo dục, kháng chiến, kiến quốc, đấu
tranh thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH),… Theo đó,
nhà giáo bao gồm các mặt sau: (1) nhà giáo là người làm nghề dạy học;

(2) nhà giáo là lao động trí óc, là trí thức; (3) nhà giáo là cán bộ của Đảng và
Chính phủ (cán bộ chuyên môn); (4) nhà giáo là người chiến sĩ trên mặt trận
văn hóa giáo dục. Như vậy, nhà giáo là sự tổng hòa những phẩm chất và năng
lực của người dạy học, người trí thức, người cán bộ và người chiến sĩ. Nhà
giáo là người có sứ mạng khơi dậy và giúp người học phát huy được tất cả
những gì vốn có của họ để trở thành con người toàn diện, đóng góp vào sự phát
triển của xã hội.

Tóm lại, có thể hiểu nhà giáo là những người làm nghề dạy học ở tất cả
các cấp học và trình độ đào tạo (bao gồm giảng viên), có nhân thân cụ thể và
có đầy đủ tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe.

Khái niệm “đội ngũ”, theo Từ điển tiếng Việt [157] của Hoàng Phê, có hai
nghĩa: (1) khối đông người được tập hợp và tổ chức thành một lực lượng có qui
củ; (2) tập hợp một số đông người có cùng chức năng hoặc nghề nghiệp. Trong
đề tài này sử dụng khái niệm đội ngũ theo nghĩa thứ hai, tức là tập hợp một số
đông người có cùng chức năng, nhiệm vụ hoặc nghề nghiệp.

Thực tế, việc sử dụng khái niệm “đội ngũ” khá phổ biến như: đội ngũ cán
bộ, đội ngũ nhà văn, đội ngũ giáo viên, đội ngũ giảng viên, đội ngũ trí thức.
Đội ngũ của một tổ chức cũng chính là nguồn nhân lực trong tổ chức đó gắn
liền với công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nói chung và công tác cán bộ nói
riêng.

Như vậy, có thể hiểu đội ngũ nhà giáo là tập hợp toàn thể các thầy giáo,
cô giáo trong toàn ngành giáo dục – đào tạo, bao gồm tất cả các cấp học và
trình độ đào tạo. Đây là lực lượng quyết định chất lượng và sự phát triển nền
giáo dục – đào tạo.

(Trang 41 -43 )

Một phần của tài liệu
LUẬN ÁN NGUYỄN MINH HẢI