MB Bank bất ngờ giảm lãi suất vay hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) đạt hơn 728.532,4 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 460.574,5 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm ngoái ở mức 363.554,8 tỷ đồng.

Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) tăng 5,8% lên mức 1.517,2 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) tăng 20,3% đạt mức 1.220,7 tỷ đồng; Đáng chú ý Nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5) tăng đột biến gấp gần 3 lần lên đến 2.293,3 tỷ đồng, trong khi ở quý 4/2021, con số này chỉ vỏn vẹn 819,4 tỷ đồng, chiếm hơn 45% tổng nợ xấu của MB Bank.

Đặc biệt, hiện nhà băng này có tổng nợ xấu nội bảng đạt hơn 5.031,3 tỷ đồng, tăng mạnh 54% so với cuối năm 2021 chỉ ở mức 3.268 tỷ đồng. Điều này đã khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của nhà băng này tăng từ mức 0,9% hồi đầu năm lên 1,1%.

Đây cũng là lý do khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng gấp 3,7 lần so với quý trước và gấp 1,8 lần so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận ngân hàng giảm trong quý vừa qua.

Về kết quả kinh doanh trong quý 4/2022, lợi nhuận sau thuế của nhà băng này so với cùng kỳ giảm nhẹ 2,77% xuống còn 3.600 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, từ 2.011,4 tỷ đồng lên 3.585,4 tỷ đồng, tương đương tăng 78,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế cả năm, nguồn thu chính của MBBank là thu nhập lãi thuần đạt hơn 36.023 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm ngoái. Các khoản thu ngoài lãi khác của MBBank đều giảm so với năm trước.

Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm nhẹ 5%, xuống còn 4.135,6 tỷ đồng; Lãi từ chứng khoán kinh doanh giảm 36,2% xuống còn hơn 141,1 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động khác giảm 34,2%, còn 2.141,7 tỷ đồng, chủ yếu do giảm thu từ các khoản nợ đã xử lý 39%, xuống còn 1.648 tỷ đồng.

hinh-1.pngNợ xấu MB Bank tăng đột biến, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn.

Về nợ trái phiếu, tính đến cuối năm 2022, nợ trái phiếu của MB Bank đạt mức hơn 26.048 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với cuối năm 2021. Ngoài ra MB Bank cũng đang chịu rủi ro từ gần 400.257 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Bao gồm bao lãnh vay vốn (146,1 tỷ đồng), cam kết giao dịch hối đoái (202.660.2 tỷ đồng), cam kết trong nghiệp vụ L/C (28.829,1 tỷ đồng),…

Về thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/2, cổ phiếu MBB đang được giao dịch với mức giá 17.850 đồng/cổ phiếu, giảm 150 đồng/cổ phiếu so với phiên giao dịch trước đó. Như vậy, tính từ hồi đầu tháng 2, cổ phiếu MBB đã giảm 1.050 đồng/cổ phiếu (tương đương giảm 5,6%) so với mức 18.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 1/2/2023.

Trước tình hình lãi suất vay kinh doanh còn cao, ngân hàng MB Bank kịp thời triển khai chương trình giảm lãi suất vay cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 10/2/2023, khách hàng có thể thực hiện đăng ký vay vốn bằng tính năng Giải ngân online ngay trên nền tảng BIZ MBBank để được hưởng lãi suất ưu đãi giảm đến 1%/ năm. Khách hàng doanh nghiệp cần hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng và các thủ tục thế chấp tài sản đảm bảo với MB Bank.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được nhận vô vàn ưu đãi hấp dẫn khi mở tài khoản BIZ MBBank như: tặng tài khoản số đẹp lên đến 300 triệu đồng, hoàn tiền 300.000 đồng khi mở mới tài khoản thành công.

Đồng thời, khách hàng cũng được ưu đãi khi chuyển tiền quốc tế, chuyển lương theo lô cùng các gói giải pháp số tài chính kế toán từ đối tác của MBBank.

Được biết, BIZ MBBank là nền tảng dịch vụ tài chính ngân hàng số thông minh được phát triển bởi MB Bank, hướng đến khách hàng doanh nghiệp, hoạt động trên cả ứng dụng di động và website. Nền tảng này cho phép mọi khách hàng đăng ký và mở mới tài khoản hoàn toàn trực tuyến.

Cụ thể, các doanh nghiệp có thể thực hiện mọi giao dịch liên quan đến tài chính ngân hàng (quản lý dòng tiền, quản lý chuỗi cung ứng, thanh toán, trả lương cho nhân viên, chuyển tiền quốc tế, mua bán ngoại tệ …) online 100% và không yêu cầu bản cứng chứng từ như giao dịch ngân hàng truyền thống. BIZ MBBank cũng đảm bảo cho các giao dịch được thực hiện bảo mật với tốc độ xử lý nhanh và chính xác.