MÀY BIẾT TAO LÀ AI KHÔNG? – Trạng Toán
Nếu tôi không phải là một giáo viên thì hôm nay mọi chuyện đã khác!
Chuyện là, khi bản thân mình đang giơ quyển vở mà học sinh làm sai và cố “gào” lên để “nhồi nhét” cái mớ công thức tính diện tích hình vuông cho một học sinh “Amater” có chút quen biết với lý do là “anh chị đã hết cách với nó rồi, nhờ vào em thôi” thì có một ông mãnh nào đó là khách của nhà hàng xóm đối diện trên người có chút mùi rượu xồng xộc lao vào nhà mình.
Đầu tiên ông ta nói ông ta “đại diện” cho những vị phụ huynh có đôi lời với mình. Ông nói:
– Tôi thấy anh dạy như thế là sai rồi.
– Anh thấy sai chỗ nào?
– Tôi đứng ngoài theo dõi từ nãy tới giờ, tôi thấy anh còn định đánh nó.
– Anh thấy em đánh bạn ấy chưa?
– Nếu tao không ở đấy thì mày đã đánh rồi? Tao có quay lại đây này.
– Anh cho tôi xem bằng chứng? Hắn đơ người vì không có gì để đưa cho mình.
Lúc này thì đúng là mình mới nóng máu thật. Thở thật sâu, quyết định bỏ qua tiếp tục làm việc của mình. Mình nói với học sinh.
– Theo những gì thầy hướng dẫn em làm tiếp đi.
Thấy bị bỏ qua. Ông ta nói.
– À. Mày nghĩ mày đã giỏi à? Mày có muốn dạy ở đây nữa không?
– Mày phải dạy thế này, thế này thì học sinh nó mới hiểu được…
– Nó còn chưa biết cái này thì làm sao biết cái này.
– Phải lấy 60 chia cho 4 cháu ạ.
Một người tự nhiên vào nhà mình, sỉ vả mình, sau đó can thiệp vào công việc của mình. Lẽ ra mình nên đấm cho ông ta mấy cái mới đúng nhưng ngàn lần không cho phép bản thân làm vậy.
– Em có biết tại sao lại lấy 60 chia cho 4 không?
Thật ra mình vừa hỏi trò nhưng cũng hỏi cả hai luôn. Tất nhiên học trò không trả lời được và ông ta cũng đơ ra không giải thích được.
Mình lại ngồi giải thích cho chàng đẹp trai mà “Amater” của mình.
Khi chúng ta biết về kiến thức đó nhưng không thể giải thích về nó thì cái chúng ta thiếu đó là “chuyên môn”. Hãy để giáo viên làm đúng chuyên môn của mình.
Sau một hồi cuối cùng cậu học trò của mình cũng làm được bài trong sự chứng kiến của ông ta.
Thế nhưng vẫn chưa xong chuyện ở đó. Trong bài toán đó phải tính được diện tích của một cạnh hình vuông có cạnh 20cm mà học sinh của mình tính ra 400cm vuông mà ông ta nói cháu làm sai rồi. Đúng là tức nước vỡ bờ.
Mình đứng lên:
– Anh nói học trò em tính sai chỗ nào?
Ông ta đứng một lúc và tất nhiên là không trả lời được.
– Em nghĩ như vậy là đủ rồi. Mời anh đi cho!
– À! Mày có biết tao là ai không? Mày chưa biết tao là ai rồi!
– Tôi không cần biết anh là ai. Mời anh đi ngay!
Trong đầu mình đang nghĩ là sẽ đá ông ta ra hay đạp ông ta ra, nhưng trước mặt còn học trò dù thế nào mình cũng phải thật kiềm chế và bình tĩnh. Cuối cùng thì ông ta xuề xòa, bây giờ anh có việc phải đi, giơ tay ra bắt tay và tất nhiên là mình không bao giờ bắt tay với người như thế và tiếp tục với công việc của mình.
Không ai có thể hiểu được học trò trong quá trình học tập, nắm được những điều học trò chưa biết, biết được học trò cần gì bằng người giáo viên trực tiếp giảng dạy…. Một người giáo viên tốt, muốn phát triển nghề nghiệp thì luôn luôn mong muốn nhận những lời góp ý, từ tất cả mọi người từ học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp… Mình là người luôn sẵn sàng tiếp thu.
Mình cũng sẵn sàng làm tất cả vì học trò, dám bảo vệ học trò trước mọi nguy hiểm với chúng nhưng cũng rất nghiêm khắc với học trò của mình. Đến tận bây giờ, mình đến với nghề với học trò luôn bằng một cái tâm, cái tình và mình chưa bao giờ hổ thẹn với những việc mình đã làm.
Chỉ ngồi dăm ba phút để đánh giá một học trò, để đánh giá một người giáo viên thì nó thật sự rất thiển cận. Cãi cọ to tiếng với thầy cô giáo trước mặt học trò nó thực sự rất vô văn hóa.
Nói thì luôn luôn dễ hơn làm, dạy bảo người khác phải làm thế nào luôn dễ hơn chính mình thực hiện. Nếu ai bảo dạy học là một nghề nhàn hạ thì xin mời ngồi vào bàn học với con, cháu, em của mọi người và dạy bảo nó.
Khi tự mình làm một giáo viên cho con, em mọi người sẽ hiểu và thấy ngay là nó nhàn như thế nào. Mọi người nghĩ là mình sẽ nhẹ nhàng, bình tĩnh và kiên trì bảo ban con em mình ư? Xin hãy làm vậy!
Ngày hôm nay, xin cảm ơn bản thân đã rất kiềm chế và bình tĩnh!
-Trạng-